Sáng 20/8, tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã được nghe rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn về vấn đề thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.

Thủ tướng khẳng định đây là hội nghị rất quan trọng, sau các hội nghị về thị trường vốn và bất động sản; sắp tới là các hội nghị về phát triển thị trường khoa học, công nghệ.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với Báo cáo của Bộ LĐTB&XH, ý kiến phát biểu của các đại biểu và nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về thị trường lao động, tuân thủ quy luật các quy luật của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hiệu quả, hội nhập quốc tế….

Thứ hai, nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay… Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch; đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.

Thứ ba là chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương tới cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc; đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau.

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường; đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo có chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.

Thứ năm, quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước…

Thứ sáu, đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới.

Nhóm giải pháp thứ Bảy được Thủ tướng đề ra là thực hiện các văn bản, quy định liên quan tới thị trường lao động, Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học. Và, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT. “Hiện nay, chương trình phục hồi và phát triển đang dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm và dự kiến sẽ bố trí thêm. Chủ trương của chúng ta là không tiếc kinh phí cho việc này, nhưng sử dụng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả” – Thủ tướng thông tin.

Thứ tám là rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, GDNN, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ chín, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối GDNN với DN; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại DN để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, đứt gãy lao động phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.