web analytics

“Thời của tạp chí”: Cuốn tiểu luận bàn đại sự nghề báo 24/06/2021

(KDTT) – Đồng nghiệp “già” gọi Nguyễn Tiến Thanh (Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật) là lãng tử trong những lãng tử. Còn lớp hậu bối chỉ biết ngưỡng mộ một người làm báo kiêm vai nhà thơ. Và trong dịp tháng Sáu, thời điểm gần chạm ngày của hội ngành – 21/6, nhà báo, nhà thơ ấy cho ra mắt liền lúc 2 tập thơ và 1 cuốn mà chính tác giả tạm gọi là tiểu luận mang tên: Thời của tạp chí.

Bìa cuốn tiểu luận.

Thực chất, những ai theo dõi Facebooker Nguyễn Tiến Thanh thì đã phần nào được đọc cuốn sách này. Lúc đó độc giả trên cõi mạng cũng đã mang máng hình dung ra tác giả sẽ cho xuất bản một cuốn sách, vì ngôn từ nghe chừng hàn lâm quá, mới lạ quá. Mà chỉ đăng lẻ tẻ trên mạng xã hội thì hơi phí. Thế nên cũng không bất ngờ lắm khi sách được tung ra.

“Thời của tạp chí” mang đến chất thơ của lãng tử Nguyễn Tiến Thanh, và lồng ghép trong đó chất “báo” cũng Nguyễn Tiến Thanh. Tác giả tự thuật trong phần Vỹ thanh rằng: “…Vì trong nội dung thể hiện một số luận điểm và cách đặt vấn đề về sự phát triển tạp chí trong tương lai trên cơ sở diện mạo của báo chí theo lăng kính thuần túy cá nhân. Tuy nhiên, phần lớn những diễn đạt văn bản xuất phát từ những suy nghiệm của riêng tôi-với tư cách một người làm nghề”

Thật vậy, chỉ có những người thực sự sống chết với nghề báo mới có thể tường tận mọi ngóc ngách trong đục của nghề. Và cũng chỉ có những người đau đáu với nghề mới lo tới sự sống-chết của nghề như thế.

Ngay từ đầu cuốn sách, tác giả đã chỉ rõ thực trạng của nền báo chí đương thời. Đó là một cuộc “vong thân trước mạng xã hội”. Nói theo ngôn ngữ hành chính thì có thể gọi đó là “chỉ thẳng vào vấn đề” hay “điểm đúng huyệt”. Tác giả đã khẳng định rằng “cơn sốt view hủy hoại những giá trị cốt lõi của nội dung, làm tan rữa nội tạng các cơ quan báo chí”. Cơn lốc mà Google, Facebook mang đến đã khiến những người làm báo ban đầu thấy choáng váng, ngất ngây trước vẻ đẹp khó cưỡng của nó. Nhưng rồi cũng nhanh chóng nhận ra mình đã trở thành “cu-li” đúng nghĩa: “share link bài viết của mình lên mạng xã hội để tăng view-nói cách khác là tự dâng hiến đứa con tinh thần của mình vào cõi hỗn mang và đầy rẫy thị phi”. Viết thế đủ thấy tác giả đã đau xót nhường nào khi đứa con tinh thần của mình không biết sẽ trôi về đâu trong cõi mạng, giữa mê hồn trận mã code, bot của Google hay là cái share của người dùng mạng xã hội.

Một nhà báo “lão thành” đã đồng cảm với tác giả Nguyễn Tiến Thanh về vấn đề này. Ông cho rằng “báo chí đang lẽo đẽo đi theo mạng xã hội”. Và thế là “tượng đài sâm nghiêm và oai hùng trong lòng bạn đọc  – vốn được bền bỉ và nhọc nhằn xây dựng qua thời gian bằng đức liêm chính, sự quả cảm, lòng trung thực và tính chuyên nghiệp của báo chí – cơ hồ sụp đồ bởi sự ra đời của internet, và tiếp sau đó là sự ra đời của mạng xã hội.”

Đưa ra vấn đề như vậy, tác giả đã dẫn dắt người đọc bằng các ví dụ dễ hiểu, gần gũi với đời sống báo chí. Đó là câu chuyện của chính tác giả và tờ báo mình phụ trách. Đó là câu chuyện thành công của NewYork Times về phương thức khai thác thông tin kiểu tạp chí, hay Tiếp thị và Gia đình, tác giả cho thấy tương lai của tạp chí giữa thời đại hỗn mang của mạng xã hội và “cụ Google”…

“Thời của tạp chí” là những lát cắt, gồm liên tiếp các luận cứ  được lấy từ thực tiễn đời sống báo chí của tác giả. Cái hiện thực ngồn ngộn đó được thể hiện qua những câu từ rất thơ. Cũng là dễ hiểu khi tác giả vốn là sinh viên khoa Văn của trường Tổng hợp cũ. Và qua đó, những thuật ngữ, tiếng nghề vốn khô cứng được “mềm” hóa, giúp người đọc nhẹ nhàng tiếp nhận, mặc dù cả cuốn sách không dày, chỉ gói gọn chừng 90 trang giấy.

Cuốn “tiểu luận” theo như cách gọi của tác giả thực chất đã đụng chạm đến vấn đề đại sự của báo chí Việt Nam hiện nay. Đó là con đường nào cho báo chí trước sự trỗi dậy của mạng xã hội? Hãy lấy ví dụ từ livestream của bà Phương Hằng mới đây. Những con số thật “kinh hoàng” với bất kì tòa soạn nào: hơn 500.000 lượt xem trực tiếp, hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, like thì không bàn tới vì quá khủng khiếp. Nghĩa là trong thời đại mạng xã hội, mà “to” nhất là Facebook, báo chí chỉ chạy theo chứ không thể vượt qua. Vậy thì điều gì sẽ giúp báo chí lấy lại vị thế vốn có của mình? Đó chính là câu chuyện, là nhân văn và cảm hứng sống cho con người. Điều mà tạp chí có thế mạnh. Và ở phần cuối của cuốn sách, tác giả đã cho thấy tạp chí làm được những điều mà nhật báo không thể: Nó không chỉ phản ánh mà còn góp phần sáng tạo nên lịch sử.

Một cuốn tiểu luận ngắn, nhưng hàm chứa nhiều giá trị cho những người làm báo và với bất kì tòa soạn nào trong thời đại ngày nay. Và bên cạnh nỗi niềm của nghề báo trước thời đại mạng xã hội, ít nhiều tác giả đã cho đồng nghiệp thấy được ít nhiều sự lạc quan theo góc nhìn của tác giả: “Một người lữ hành trên chặng đường hướng tới mục tiêu phát triển, trước mặt là bầu trời rộng mở, dưới chân là con đường thênh thang, luôn nhìn lên bầu trời để kiếm tìm cảm hứng, khát vọng, nhưng cũng không quên nhìn xuống con đường để tránh những cạm bẫy và vấp ngã.”

Và trong dịp kỉ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021) cuốn tiểu luận này đã kịp thời đến với độc giả, trước hết là những người làm báo, như một thông điệp của người làm báo trước thời cuộc, với những trăn trở, nghĩ suy của một người làm nghề đau đáu với con đường mình đã chọn. Có thể nói, “Thời của tạp chí” đã phản ánh rõ nét thực tế của báo chí Việt Nam hiện nay, với những phân tích sâu sắc, từ trải nghiệm mấy chục năm làm báo của tác giả, nhưng cũng thấm đẫm chất văn chương của một lãng tử làng báo – Nguyễn Tiến Thanh.

PHONG VÂN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT