web analytics

Thiếu container kéo dài, nhiều doanh nghiệp không dám ký đơn hàng mới 15/12/2020

(KDTT) – Dù đã có những phản ánh về tình trạng thiếu container rỗng đóng hàng xuất khẩu từ tháng 10/2020 nhưng tới nay nhiều doanh nghiệp cho biết tình trạng vẫn chưa cải thiện, trái lại còn trầm trọng hơn khiến họ không dám ký đơn hàng mới. Bức xúc trước tình trạng này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Chính phủ sớm vào cuộc để giúp họ sớm giải tỏa ách tắc, thông đường cho hàng hóa xuất khẩu.

Gạo, thủy sản “hồi hộp”… chờ đến lượt được bốc hàng

Thông tin từ VASEP ngày 14/12 cho biết, từ cuối tháng 10/2020 các doanh nghiệp thủy sản thuộc hiệp hội này đã nhận thông báo của một số hãng tàu vận tải container như Wan Hai Lines Ltd., Heung Aline, Interasia, Yaming Shipping Vietnam, Sinokor, Nam Sung Shipping Vietnam,… về tăng phụ phí với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Mức tăng từ phổ biến từ 50 – 200 USD/container và áp dụng luôn từ 1/11/2020 – tức chỉ vài ngày sau khi gửi thông báo tới khách hàng. Ngoài tăng phụ phí (Rate Restoration), một số hãng tàu còn thông báo tăng phí phụ phí mùa cao điểm(Peak Season Surcharge) từ 150 – 450 USD/container.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, để thuê được tàu xuất khẩu họ phải trả phí gấp đôi, gấp 3 so với trước thời điểm tháng 10/2020. Hiện mức thuê doanh nghiệp phải bỏ ra vào khoảng 7.200 USD/container (tăng hơn 5.000 USD). Dù vậy doanh nghiệp vẫn khó để có thể thuê được tàu đóng hàng.

Việc thiếu container để đóng hàng xuất khẩu đang khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải từ chối đơn hàng mới.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với doanh nghiệp gạo. Ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An – bức xúc: Hiện đối tác Châu Âu ngỏ ý đặt hàng nhiều song doanh nghiệp phải từ chối vì không thể tìm được chủ tàu đồng ý bốc hàng đi thị trường này. “Rất nhiều đối tác tại EU đặt hàng với Trung An nhưng công ty không dám ký vì lo không thể giao kịp tiến độ, dẫn tới không đảm bảo theo hợp đồng. Thậm chí với những đơn hàng đã ký rồi thì hiện trong tình trạng nằm ngoài cảng chờ đến lượt được bốc hàng lên tàu. Nếu tình hình này không sớm được giải quyết sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”- ông Bình cho biết.

Theo ông Phan Văn Có – Giám đốc Công ty TNHH VRICE, doanh nghiệp này đã phản ánh tình trạng thiếu container rỗng để xuất hàng từ tháng 10/2020 nhưng tới nay vẫn chưa cải thiện được. Công ty này cũng rơi vào cảnh không dám nhận đơn hàng mới vì lo ngại hàng nằm chờ ngoài cảng, chôn vốn của doanh nghiệp.

Kiến nghị Chính phủ sớm gỡ khó

Trước tình hình giá thuê container xuất khẩu tăng phi mã, hồi đầu tháng 12 vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải biển về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Cục Hàng hải yêu cầu các hãng tàu thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.

Cụ thể, hãng tàu phải thực hiện niêm yết đầy đủ thông tin như: Điểm đi và điểm đến của tuyến vận tải; Danh mục và mức giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, phụ thu tương ứng với tuyến đường vận chuyển và loại hàng hóa được vận chuyển; mức giá niêm yết đã bao gồm giá dịch vụ liên quan phát sinh và các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có); Thông tin doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoặc đại lý, doanh nghiệp được ủy quyền niêm yết.

Trường hợp thay đổi theo hướng tăng giá vận chuyển bằng đường biển, tăng phụ thu đã được niêm yết, ngày hiệu lực của giá vận chuyển bằng đường biển hoặc phụ thu do doanh nghiệp quy định nhưng không sớm hơn 15 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết sự thay đổi.

Nếu thay đổi theo hướng giảm giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu đã được niêm yết, ngày hiệu lực của giá vận chuyển bằng đường biển hoặc phụ thu được tính kể từ ngày đã niêm yết sự thay đổi. Trường hợp thay đổi giá dịch vụ tại cảng biển thì thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền và niêm yết theo quy định của pháp luật về giá.

Bên cạnh việc niêm yết giá, Cục Hàng hải cũng đề nghị các doanh nghiệp quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Dù vậy, theo các doanh nghiệp đến nay giá container xuất khẩu vẫn ở mức cao, và mức độ thiếu tàu vận chuyển càng nghiêm trọng hơn. Nhiều doanh nghiệp lo ngại nếu tình trạng trên kéo dài có thể dẫn đến việc ách tắc và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng cả đầu vào nhập khẩu lẫn đầu ra xuất khẩu. Từ những lo ngại trên, VASEP kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét và làm việc với các tàu về để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời kiến nghị các hãng tàu dừng các thu phí bất hợp lý như hiện tại.

MAI CA

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo link gốc: https://congthuong.vn/thieu-container-keo-dai-nhieu-doanh-nghiep-khong-dam-ky-don-hang-moi-149298.html