Doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu “dè chừng”

Thị trường bất động sản hiện tại vẫn là một bức tranh màu xám bởi có quá nhiều khó khăn, vướng mắc chưa hoàn toàn được gỡ bỏ. Ngoài những khó khăn về tín dụng, chênh lệch cung – cầu, thị trường bất động sản năm 2023 dự báo tiếp tục gặp khó khăn khi các nhà đầu tư đang bị lạm phát, lãi suất tăng cao nên ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch sở hữu nhà. Người có nhu cầu ở thực cũng gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Trước những dự báo kém khả quan, các doanh nghiệp bất động sản cũng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, dè chừng.

Doanh nghiệp bất động sản dè chừng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023.

Đơn cử, tại CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023 với các chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.040 tỷ đồng (giảm 17%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.053 tỷ đồng (giảm gần 24% so với kết quả thực hiện năm 2022).

Trong đó, Tập đoàn Hà Đô sẽ tiếp tục tập trung chính vào các lĩnh vực mũi nhọn như bất động sản, năng lượng và đầu tư tài chính.

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII) công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 5.155 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (chưa trừ lợi thế thương mại) 469 tỷ đồng, giảm gần 36% so với năm 2022.

Kế hoạch tài chính năm 2023 của CII.

Còn tại Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã: KBC), Ban lãnh đạo Đô thị Kinh Bắc nhận định tình hình kinh tế năm 2023 sẽ có nhiều diễn biến khó lường và còn nhiều khó khăn nên hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh, cụ thể: tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 11% so với kế hoạch của năm 2022.

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đô thị Kinh Bắc.

Hay tại Công ty cổ phần Thống Nhất (BAX – sàn HNX) cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu 106,37 tỷ đồng, giảm 58% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 24,8 tỷ đồng, giảm 61,6% so với thực hiện 2022.

Chia sẻ lý do, BAX cho biết, tổng doanh thu năm 2023 thấp hơn chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu bán đất nền tại Dự án Khu trung tâm dịch vụ khu công nghiệp, chỉ còn doanh thu từ hoạt động khu công nghiệp…, không còn lãi chậm trả của Công ty TNHH Jooco Dona (6,7 tỷ đồng).

Việc tìm kiếm dự án mới gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận quỹ đất vì phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, trong khi Công ty quy mô nhỏ, vốn điều lệ và vốn tự có thấp nên không đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá.

Nhóm doanh nghiệp thép thận trọng hạ thấp mục tiêu kinh doanh

Đối với ngành thép, ngành thép đang suy thoái sau 2 năm kinh doanh bùng nổ, với giá thép và nhu cầu giảm mạnh. Năm 2023 với ngành này chưa mấy sáng sủa, bức tranh chung là nhu cầu yếu trong khi tồn kho cao, cộng thêm sự chững lại của thị trường bất động sản. Vì thế mà nhóm ngành này cũng đã công bố mục tiêu kinh doanh năm 2023 với những con số thận trọng.

Tiêu biểu như ông lớn trong ngành Thép là Hòa Phát (mã: HPG) đã đặt kế hoạch kinh doanh an toàn trong năm 2023 với 150.000 tỷ đồng doanh thu tăng 6%, lợi nhuận sau thuế là 8.000 tỷ đồng giảm 5% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 giảm.

Trong khi đó, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) thận trọng đưa ra hai kế hoạch kinh doanh. Phương án 1, công ty dự kiến đạt 34.000 tỷ đồng doanh thu giảm 32%, lợi nhuận sau thuế khoảng 100 tỷ đồng giảm 60% so với niên độ trước. Phương án 2, doanh thu dự báo đạt 36.000 tỷ đồng, lãi sau thuế là 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và tăng 20% so với kết quả thực hiện trong năm tài chính 1/10/2021 – 30/9/2022. VCSC đánh giá rằng kế hoạch của Hoa Sen thường không phải là chỉ báo tốt cho thực tế.

Hay tại Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC (mã SMC), với mục tiêu sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn thép các loại, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, trong khi năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng hơn 572 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) đặt kế hoạch sản xuất và tiêu thụ 120.000 tấn, tăng 15% so với năm 2022 và phấn đấu không lỗ.

Nhóm doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng có lãi

Trong báo cáo triển vọng ngành xây dựng năm 2023, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định năm 2023 điều kiện cho hoạt động thi công các công trình sẽ được cải thiện đáng kể khi lực lượng lao động phổ thông trong ngành trở về mức ổn định và thời tiết dự báo ít mưa hơn.

Bên cạnh đó, từ quý 3/2022, giá một số loại vật liệu xây dựng (đặc biệt thép) đã có sụt giảm. VCBS kỳ vọng điều này sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xây lắp.

Tuy nhiên, theo VCBS trong năm 2023, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp bởi số dự án được cấp phép trong năm 2022 ghi nhận mức thấp nhất trong 4 năm do lo ngại về trách nhiệm sau khi nhiều sai phạm về đất đai bị xử lý mạnh tay trong thời gian qua; các cơ quan có xu hướng chờ hệ thống văn bản luật mới (Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các nghị định liên quan) được ban hành.

Trước những diễn biến của thị trường, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 dự kiến trình tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 26/4 tới.

Nguồn: HBC

Theo kế hoạch, năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu đi lùi, đạt 12.500 tỷ đồng, giảm 11,5% so với mức 14.123 tỷ đồng đạt được năm 2022. Tuy nhiên, công ty kỳ vọng sẽ có lãi trở lại trong năm 2023 với mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ sau thuế 1.141 tỷ đồng vào năm ngoái.

Một cái tên khác trong ngành xây dựng là CTCP Licogi 14 (Mã: L14) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 cao hơn năm trước với 195 tỷ đồng doanh thu (tăng 13% so với cùng kỳ) và lãi sau thuế 20 tỷ đồng (tăng 5%) so với cùng kỳ.

Còn tại CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD), ông Võ Hoàng Lâm Tổng Giám đốc CTD cho biết dựa trên backlog đang có, kế hoạch năm 2023 dự kiến sẽ cao hơn năm trước khoảng 10% – 20%. Năm 2022, Coteccons đạt 14.537 tỷ doanh thu thuần, tăng 60% so với 2021 nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh COVID-19. Công ty lỗ thuần cả năm gần 54 tỷ song nhờ khoản lợi nhuận khác 88 tỷ giúp Coteccons vẫn lãi ròng gần 21 tỷ, giảm gần 14% so với năm trước đó.

Công ty Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương cũng đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 tăng 10% trong bối cảnh ngành xây dựng còn nhiều khó khăn, một số dự báo cho rằng hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng năm nay vẫn ở mức thấp.

Tại Lễ ký kết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 diễn ra ngày 11/1, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons công bố kỳ vọng mức tăng trưởng năm 2023 hơn 10% so với năm trước, với điều kiện thị trường có những chuyển biến tích cực.

Lãnh đạo Newtecons cũng cho biết doanh thu năm ngoái của công ty vượt mốc 11.000 tỷ đồng, cao hơn so với con số công bố trước đó là 10.000 tỷ. Như vậy, kế hoạch doanh thu năm 2023 của Newtecons kỳ vọng đạt trên 12.100 tỷ đồng.