web analytics

Tháng Ba nhớ Xuân Quỳnh 08/03/2019

(KDTT) – Nay là ngày quốc tế phụ nữ, trong nhà ngoài phố ngập tràn những sắc hoa, những lời chúc mừng. Thế nhưng, thật ra với mỗi người phụ nữ họ không cần xã hội phải rình rang đến thế. Một mái ấm, một bàn tay nắm chặt lúc giá lạnh, một bữa cơm chiều ấm cúng là đủ để vui, mà vui suốt cả một đời vậy.

Tháng Ba, khi “cuối xuân còn nhiều hoa”, những kẻ lãng mạn vội vã tìm cho mình chút gì còn sót lại của mùa xuân, một chút lạnh của mùa đông và cơn mưa rào chớm đến của mùa hè. Nhưng dù có mải miết đến nhường nào thì cũng phải tìm đến cho mình một chốn “yên thân”. Đó là những người phụ nữ. Thật đối nghịch khi những gã đàn ông giỏi chuyện thế sự mà lóng ngóng chuyện đời thường, cuối cùng cũng phải tìm đến một nửa còn lại của đời mình. Chẳng thế mà Xuân Quỳnh đã viết: Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia./Biết bao điều quan trọng được đề ra /Những hiệp ước xoay vần thế giới. (Thơ vui về phái yếu). Nhưng, chính phái yếu lại rất “mạnh” khi nắm được cái điểm “yếu” của người đàn ông. Xuân Quỳnh viết tiếp: Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên Trái Đất./Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày… Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng/Là bác học… hay là ai đi nữa/Vẫn là con của một người phụ nữ/Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên.

Phụ nữ Việt bao đời nay vẫn thế, đâu cần ai biết tuổi biết tên, nhưng tên tuổi họ đã gắn liền vào thời đại.

Với chỉ những vần thơ nhẹ nhàng như vậy, Xuân Quỳnh đã nói lên cái tầm quan trọng của những người phụ nữ. Dù là ai, là bác học, là doanh nhân, chính khách thì vẫn cần có một bàn tay ôm lấy lúc khó khăn, một bến đợi trong những ngày giông bão, sau mỗi chuyến đi xa.

Trong nửa cuối thế kỷ 20, viết về phụ nữ, về cuộc sống đời thường, nghĩ suy và xúc cảm của họ  Xuân Quỳnh là người xứng đáng được mến mộ nhất. Có lẽ cũng bởi thi nhân phụ nữ vậy. Nhưng người phụ nữ của Xuân Quỳnh không lên gân, không hô hào. Họ bình dị, thuần khiết như chính họ, không tô son điểm phấn mà vẫn đủ nét yêu kiều, cái chất khiến bất kì người đàn ông nào cũng phải mê mẩn. “Khuya rồi anh hãy ngủ đi/Để em trở dậy em che bớt đèn” (Hát ru chồng những đêm khó ngủ). Vậy đấy, người chồng khó ngủ thì người vợ hát ru, che bớt đèn. Chỉ đơn giản thế thôi mà mọi muộn phiền đủ để tan biến hết. Hay như “Bàn tay em ngón chẳng thon dài/Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả/Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ/Hái rau rền rau rệu nấu canh/Tập vá may, tết tóc một mình/Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ” (Bàn tay em). 

Những vết chai trên bàn tay chính là những dấu vết của tuổi thơ, của đời sống, là dấu vết của biết bao nhiêu vất vả, nhưng nâng niu trong đời.

Đôi bàn tay ấy, cô đem trao cho người yêu, cũng là ước nguyện mong trao cả cuộc đời:

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ

Em trao anh cùng với cuộc đời em

Những dòng thơ giản dị như một lời thủ thỉ nhẹ nhàng nhưng lại thể hiện một nội tâm cuộn sóng cuồng nhiệt của một người đàn bà trong tình yêu.

Người phụ nữ nào đọc thơ Xuân Quỳnh cũng thấy thấp thoáng bóng dáng mình trong đó. Mà người đàn ông nào đọc thơ của chị cũng thấy đâu đó bóng hình người phụ nữ của đời mình. Đó có thể là mẹ, là chị, là vợ. Đó là người phụ nữ Việt thuần khiết.

Tháng Ba về, đọc lại mấy vần thơ của Xuân Quỳnh để thấy yêu hơn, thương hơn và mến phục hơn những người phụ nữ quanh ta.

Quang Đức
Theo KDPT