web analytics

Thách thức các lãnh đạo đối mặt tại G20 30/11/2018

(KDTT) – Chiến tranh thương mại, vụ sát hại nhà báo Arab Saudi hay căng thẳng Nga – Ukriane là những chủ đề các lãnh đạo G20 quan tâm. 

Các lãnh đạo toàn cầu ngày 30/11 sẽ tập trung tại Hội nghị 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ở thủ đô Buenos Aires của Argentina trong bối cảnh có một loạt căng thẳng quốc tế và vấn đề thương mại, theo AFP.

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Đức hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

Mỹ

Tổng thống Mỹ Trump, người không có hứng thú với ngoại giao đa phương, sẽ có các cuộc họp song phương với Trung Quốc và Nga bên lề G20. Ông Trump đã thể hiện rằng cuộc gặp với ông Tập ở Buenos Aires là cơ hội để Bắc Kinh đưa ra những nhượng bộ nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Bắc Kinh có nguy cơ chịu nhiều áp lực hơn nếu không làm vậy.

G20 cũng sẽ đánh dấu cuộc đối thoại riêng đầu tiên của Trump với Tổng thống Nga Putin kể từ hội nghị thượng đỉnh tháng 7 ở Helsinki – sự kiện khiến Trump bị nhiều chính trị gia trong nước chỉ trích là đã quá mềm mỏng với Nga.

Trump đã phớt lờ những lời kêu gọi toàn cầu về việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ và hồi tháng 6, ông còn không thừa nhận tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu (G7) do tức giận trước nước chủ nhà Canada về các vấn đề thương mại.

Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp ông Trump để tìm cách phá vỡ thế bế tắc của cuộc chiến thương mại.

Ông Tập đang thể hiện mình như người bảo vệ toàn cầu hóa và là đối thủ của chủ nghĩa bảo hộ, nhưng chính phủ Mỹ và châu Âu nói rằng các công ty nước ngoài vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại khi kinh doanh ở nước này, bao gồm cưỡng ép chuyển giao công nghệ hoặc trộm cắp tài sản trí tuệ.

Anh

Thủ tướng Anh Theresa May đang bận rộn về vấn đề Brexit. Chính quyền của bà và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về sự ra đi của Anh nhưng bà còn một cửa ải nữa phải vượt qua là thuyết phục các nhà lập pháp phê chuẩn thỏa thuận. Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu vào ngày 11/12.

Nhiều chuyên gia cho rằng bà sẽ không thành công vì sự phản đối quyết liệt từ các nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của bà. Họ cho rằng Anh quá nhượng bộ Brussels trong thỏa thuận này.

Bà May muốn nước Anh hậu Brexit đóng vai trò dẫn dắt trên trường quốc tế với tư cách là một quốc gia độc lập về thương mại, nhưng các nhà phê bình nói rằng tầm ảnh hưởng của đất nước sẽ phai mờ sau khi ra khỏi EU.

Thổ Nhĩ Kỳ

G20 là diễn đàn quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi họ đang tìm cách xây dựng mối quan hệ với các quốc gia châu Phi và Mỹ Latin để đảm bảo vị thế là một cường quốc toàn cầu.

Trọng tâm chính của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong chuyến đi này có thể là vụ ám sát nhà báo Arab Saudi Jamal Khashoggi ở Istanbul. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần ám chỉ Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đứng sau vụ việc. Thái tử cũng tham dự cuộc họp G20.

Erdogan đã thể hiện lập trường “làm đến cùng” trong vụ Khashoggi, điều này giúp ông vừa gây sức ép với Arab Saudi vừa cải thiện hình ảnh trong nước và quốc tế.

Nga

Tổng thống Putin đến Buenos Aires khi Ukraine cáo buộc rằng ông đang chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện sau khi Moskva bắn và bắt ba tàu của Kiev.

Putin sẽ có cuộc gặp với Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh. Cuộc điều tra cáo buộc Nga thông đồng với chiến dịch của Trump trong cuộc tranh cử năm 2016 vẫn đang diễn ra.

Nắm quyền từ năm 1999, ông Putin đã là gương mặt quá quen thuộc tại các hội nghị quốc tế và ông ngày càng có ảnh hưởng vì Nga ở trung tâm các vấn đề lớn như cuộc chiến ở Syria, lệnh trừng phạt của EU hoặc căng thẳng với Ukraine và Washington.

Arab Saudi

Thái tử Mohammed bin Salman tại Riyadh hồi tháng 10. Ảnh: AFP.

Thái tử Mohammed bin Salman là người đại diện cho Riyadh tại G20 vào thời điểm vụ sát hại nhà báo Khashoggi đang gây ra sự phẫn nộ toàn cầu. Ông Erdogan và Thái tử đã không gặp mặt trực tiếp kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra và G20 có thể là nơi họ tương tác với nhau.

Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ là cơ hội để Thái tử thảo luận về thị trường năng lượng với lãnh đạo của các nước sản xuất dầu hàng đầu khác, đáng chú ý là Nga và Mỹ, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh. Arab Saudi sẽ là nước tổ chức hội nghị G20 vào năm 2020.

Theo VNE