web analytics

Tết xưa qua những trang sách 19/02/2021

(KDTT) – Cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” được đánh giá là một trong những tài liệu đầy đủ và đa chiều nhất về Tết cổ truyền Việt Nam, dưới góc nhìn của nhiều tác giả, được Mai Hà Books và Nhà xuất bản Thế giới phát hành vào những ngày gần Tết Tân Sửu 2021. Đây là cầu nối văn hóa giữa xưa và nay, là phương tiện để các thế hệ ngày nay hiểu hơn về đời sống văn hóa của dân tộc.

Tết là hồn cốt của dân tộc

Tết Nguyên đán được coi là Tết Cả, nơi hội tụ không khí tưng bừng, nhộn nhịp nhất trong không gian văn hóa của toàn dân tộc, góp phần hình thành nên vóc dáng văn hóa truyền thống mang bản sắc của người Việt nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là ngày chúng ta thực hiện chuỗi nghi thức tưởng nhớ tổ tiên và đúc kết, chiêm ngưỡng thành quả của một năm đã qua. Nguyên nghĩa của “tết” chính là “tiết”. Văn hóa Việt thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (ứng với mỗi tiết này có một thời khắc gọi là “giao thời”). Trong đó, tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng – tức Tiết Nguyên đán, sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.

Cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” là món quà Xuân ý nghĩa mà Mai Hà Books muốn dành tặng tới quý độc giả gần xa nhân dịp Tết đến, Xuân về.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học cho biết: “Chúng ta nghiên cứu Tết rải rác từng chút nhưng tôi muốn xâu chuỗi lại, rằng chúng ta ăn Tết chỉ ba ngày nhưng kỳ thực đã chuẩn bị cả năm. Cái Tết là kết quả mà cả năm chúng ta đã chuẩn bị từng chút, từng chút một. Tết truyền thống Việt Nam cũng chính là cái hồn cốt của dân tộc”.

Cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” được tuyển dịch kỹ lưỡng từ những bài viết của các học giả nổi tiếng Việt Nam, những du khách, nhà sử học Pháp hoặc những nhà truyền giáo nước ngoài, đăng trên Tạp chí Đông Dương (Indochine).

Trần Đoàn Lâm, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới cho rằng: “Đây là phần rất thú vị và đặc sắc của cuốn sách Tết Việt Nam xưa. Chúng ta có nhiều những ấn phẩm về phong tục, thú chơi Tết nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý như thế này”.

Với gần 200 trang, sách Tết Việt Nam xưa được chia thành 3 phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết, Thú chơi Tết.

Phần 1 Nghi lễ Tết là những bài viết về các chủ đề: Tết và thờ cúng gia tiên; Ông Tam Đa; Lễ nghinh xuân ở Huế; Đại lễ Nam Giao; Lễ tế Đất Trời tại kinh đô Huế; Lịch của người An Nam; Tâm lý ngày Tết.

Phần 2 Phong tục Tết hiện lên đầy màu sắc trong phần 2 với: Lá thư Đêm Giao Thừa; Tết ở làng quê qua góc nhìn của nhà văn Pháp Jean Marquet; Tết qua cái nhìn của một người An Nam; Tết qua câu chuyện của những du khách và nhà truyền giáo người Âu (thế kỷ XVII và XVIII); Tết Việt Nam trong mắt sử gia Georges Pisier.

Phần 3 Thú chơi Tết xoay quanh các chủ đề: Hoa thủy tiên trong ngày Tết; Đối liễn; Phúc và Thọ; Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày Tết; Hội Lim…

Trẻ em đi chúc Tết ông bà ở Xa La (Hà Đông), ảnh in trong sách “Tết Việt Nam xưa”.

Tết Việt đã hiện lên đầy màu sắc trong tâm cảm của người Việt Nam, trong con mắt của các du khách, nhà truyền giáo nước ngoài, dưới nhãn quan của nhà sử học Pháp và Việt Nam. Nó có thể khiến độc giả ngạc nhiên khi hiểu rõ tường tận nguồn gốc của Tết, ý nghĩa của Tết, những phong tục và quan niệm đón Tết Việt Nam xưa. Đặc biệt, các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết ngộ nghĩnh, sống động, nhiều tranh vẽ phong cách mỹ thuật dân gian đặc sắc.

Quà quý dịp Tết

Cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” là món quà Xuân ý nghĩa mà Mai Hà Books muốn dành tặng tới quý độc giả gần xa nhân dịp Tết đến, Xuân về. Những giá trị văn hóa được truyền tải trong ấn phẩm này còn mang tính giáo dục lớn đối với thế hệ trẻ ngày nay. Cũng như một lời khẳng định mạnh mẽ về bản sắc đặc trưng của người Việt Nam từ xa xưa cho tới ngày nay.

Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan. Văn hóa, bản sắc dân tộc chính là sức mạnh mềm, quyết định sự tồn tại của một dân tộc, nếu không sẽ bị nền văn hóa lớn thôn tính”.

Trong quá trình xây dựng một Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì bản sắc dân tộc được tạo thành bởi những yếu tố nhỏ nhất, từ những nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống vật chất, tinh thần. Chính vì vậy cuốn sách như một lời nhắc nhở nhớ về quá khứ, trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai mới đối với mỗi người dân Việt Nam trên con đường hội nhập để “sánh vai với các cường quốc năm châu” nhưng không bao giờ quên nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên”.

ĐÀI TRANG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT