(KDTT) – Tuổi thọ khoẻ mạnh của người Việt sau tuổi 60 cao hơn nhiều nước, nhưng tuổi nghỉ hưu lại thấp hơn.
Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV và sẽ được các đại biểu thảo luận vào ngày 12/6.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Chính phủ đưa ra hai phương án là: Tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; hoặc tuổi nghỉ hưu của người lao động mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ.
Theo Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này nhằm thể chế hóa yêu cầu của Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Theo đó, nghị quyết Trung ương đã nêu rõ “từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.
Ông Dung nói, đề xuất trên cũng để bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.
Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số. Số người phụ thuộc đang tăng lên (44,4% vào năm 2019). Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3; cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72 tuổi).
So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp, trong khi lại có mức tuổi thọ khoẻ mạnh sau 60 tuổi khá cao, khoảng 22,5 năm. Tuổi nghỉ hưu bình quân theo quy định là 57, tuổi nghỉ hưu bình quân trên thực tế khoảng 53,5. Trong khi Malaysia có tuổi thọ ở tuổi 60 là 19,5 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60. Thái Lan có tuổi thọ ở tuổi 60 là 21 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60.
Ngoài ra, tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam. Có khoảng 6 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 đến 63; 15 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 65; 14 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 67; có 2 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 68 và có 3 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 69 (Séc, Italia, Đan Mạch).
Ông Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ (với lộ trình 3 và 4 tháng mỗi năm) là cần thiết để tránh phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai. Hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.
Trước ý kiến lo ngại nâng tuổi nghỉ hưu thì “người già chiếm chỗ của người trẻ”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nói, 5 năm gần đây, mỗi năm lực lượng lao động chỉ tăng 400.000 người. Sau 15 năm nữa, khi Việt Nam chưa kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thì mỗi năm chỉ tăng 200.000 người hoặc là ít hơn sau đó. Điều này cho thấy lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.
“Khan hiếm và thiếu hụt lao động là nguy cơ rõ ràng nếu không kịp thời điều chỉnh mở rộng độ tuổi lao động”, ông nói và nhấn mạnh, khi mà số người rời khỏi độ tuổi lao động đông hơn, số người mới gia nhập thị trường ngày càng ít đi thì tác động người già “chiếm chỗ” người trẻ sẽ càng giảm nhẹ. Hơn nữa, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu kéo dài trong vòng 15 năm nên tác động này là không đáng ngại.
Chính phủ cho rằng cả hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu quy định trong dự thảo Luật đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án một, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn Phương án một: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án một vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo VNE