web analytics

Tăng cường sự hiện diện của hàng Việt Nam tại khu vực Bắc Âu 11/03/2021

(KDTT) – Để tăng cường và quảng bá cho sự xuất hiện của các loại hàng hóa Việt Nam tại thị trường khu vực Bắc Âu, đồng thời  giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về thị trường này, mới đây Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Phan Đăng Đương đã bấm nút khai trương trang web tiếng Anh của Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thụy Điển, kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu.

Theo đại diện Thương vụ, trang web sẽ có mục đích chủ yếu là thông tin cho các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam, những cơ hội do EVFTA mang lại; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam sắp xếp theo ngành hàng để doanh nghiệp Bắc Âu dễ dàng tra cứu. Đáng chú ý nữa, trang web sẽ là nơi quảng bá hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Phan Đăng Dương trong buổi giới thiệu và khai trương trang Web.

Điểm nhấn của trang web này là quảng bá lợi ích của EVFTA cho các doanh nghiệp nhập khẩu – đối tượng rất quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam mà chưa nhận được nhiều quan tâm, phù hợp với chủ trương của chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước EU hỗ trợ doanh nghiệp khai thách tối đa những lợi ích do Hiệp định mang lại tại các thị trường của nhau. Trong nền kinh tế thị trường, khi nhận thức được những lợi ích của EVFTA, các doanh nghiệp EU và Bắc Âu sẽ tìm đến Việt Nam nếu nhập khẩu hàng Việt Nam có lợi hơn nhập hàng các nước khác.

“Trước mắt, trang web tập trung quảng bá cho 6 ngành hàng là trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định EVFTA. Trong tương lai sẽ mở rộng sang các mặt hàng khác khi có cơ hội” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Bắc Âu cho biết.

Năm 2021 còn có ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam và một số nước Bắc Âu, là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Na Uy với và Đan Mạch. Do đó, các giải pháp xúc tiến thương mại hiệu quả và ít tốn kém là điều các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đặc biệt quan tâm triển khai trong năm nay.

Thông tin từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho biết, các nước khu vực Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu hàng hóa từ các nước châu Âu khác. Trong 10 nước xuất khẩu nhiều nhất vào khu vực này, chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của toàn khu vực,  chỉ có Trung Quốc nằm ngoài khu vực châu Âu. Trong số 30 nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, châu Á chỉ có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kong, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan… Đáng chú ý, trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất tại khu vực này; kim ngạch thương mại 2 chiều giảm không đáng kể, thậm chí còn tăng trong thời gian dịch bệnh, chứng tỏ sức sống và tiềm năng của quan hệ Việt Nam – Bắc Âu. Vị thế quan trọng này có nhiều cơ hội tiếp tục được duy trì và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày là những ngành hàng được tập trung quảng bá trên trang web này (Ảnh minh họa)

Theo Đại sứ Phan Đăng Đương: trong bối cảnh châu Âu trở thành tâm dịch Covid-19, mọi hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, giao thương bị xáo trộn, đứt gãy, việc nhanh chóng thích nghi với điều kiện bình thường mới, sử dụng công nghệ thông tin để kết nối các doanh nghiệp trong nước với thị trường tiềm năng này có ý nghĩa rất quan trọng. Với các trang web tiếng Việt và tiếng Anh được Thương vụ xây dựng trong thời gian gần đây, việc truy cập các nguồn thông tin phong phú về thị trường Bắc Âu đã có nhiều thuận lợi, giúp các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Hồng Lam cũng cho biết: “Việc khai trương trang web tiếng Anh để cung cấp thông tin cập nhật cho các doanh nghiệp Bắc Âu về thị trường Việt Nam và quảng bá doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Âu là một nỗ lực đáng ghi nhận và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Na Uy tuy nhỏ và không phải là thành viên EU, nhưng có nhiều thế mạnh, rất coi trọng đẩy mạnh quan hệ kinh tế – thương mại với Việt Nam, và là thị trường chưa được khai thác hết. Tôi hi vọng trang web sẽ trở thành cầu nối hiệu quả lâu dài giữa doanh nghiệp hai nước, và Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy mong được đồng hành cùng Thương vụ trong công việc quan trọng này. Trước mắt chúng tôi sẽ quảng bá trang web đến các doanh nghiệp Na Uy, sau đó sẽ tham gia về nội dung để tăng tính hấp dẫn của trang web”.

Nói về tính cấp thiết của trang web này, Đại sứ Phan Đăng Dương nhấn mạnh: với sự ra đời của trang web tiếng Anh dành cho các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu được khai trương, các doanh nghiệp Bắc Âu có thêm một kênh thông tin hỗ trợ, giúp họ tìm hiểu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam cũng như những cơ hội do EVFTA mang lại, tạo đà cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu ngày càng nhiều sang thị trường Bắc Âu trong thời gian tới”.

TRƯỜNG MINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT