web analytics

Tản mạn
Tình yêu, có lẽ… 20/02/2020

(KDTT) – Tôi tin rằng, sau khi tất cả đã qua, khi bộ phim đã khép lại, ở một thế giới nào đó, họ sẽ sống lại những giây phút đó trong tâm trí. Và giờ thì họ đã hiểu nhau, nhưng quá muộn rồi, vì phim đã hết….

Lần đầu tiên tôi nghe Nat King Cole một cách có ý thức, không nghi ngờ gì cả, là khi xem bộ phim nổi tiếng “Tâm trạng khi yêu” của Vương Gia Vệ. Bài đáng nhớ nhất thì chắc mọi người đều biết rồi: “Quizás, quizás, quizás”.

Có một điều tôi vẫn thắc mắc nhưng cũng không tò mò tìm lời đáp, đó là việc tại sao Vương Gia Vệ đặt tên tiếng Anh cho bộ phim của mình là “In the mood for love”, tức “Tâm trạng khi yêu”. Tên tiếng Hoa gốc của phim là “Hoa dạng niên hoa”, nghĩa là “Khoảng thời gian tươi đẹp nhất” – một cái tên hoàn toàn khác biệt. Nhưng nếu nghe Nat King Cole, bạn cũng sẽ biết Nat King Cole cũng có trình bày một ca khúc mang tên “I’m in the mood for love”. Liệu Vương Gia Vệ có nghĩ đến ca khúc ấy khi đặt tên cho bộ phim của ông? Bản thân tôi thì thích coi là có, ông đã nghĩ.

Quay lại với “Quizás, quizás, quizás”. Có ba lần bài hát được mở trong phim, theo trí nhớ của tôi. Một lần là khi Mộ Văn hỏi Lệ Trân liệu cô có muốn đi Singapore với anh không, nếu anh có thêm một tấm vé nữa. Vương Gia Vệ không để chúng ta nghe lời đáp của Lệ Trân, chỉ có Mộ Văn nhìn mình phản chiếu trong gương rồi bước ra khỏi phòng. Lần thứ hai là khi Lệ Trân gọi Mộ Văn, nhưng rồi khi anh nhấc máy thì cô im lặng. Và lần cuối cùng là khi Mộ Văn tìm tới nhà của Lệ Trân, nhưng cô không còn đó nữa. Nếu chưa từng nghe Nat King Cole trước đó hay nghe “Quizás, quizás, quizás” trước đó thì không ai có thể hiểu bài hát đang nói điều gì, phần lớn chúng ta không nói tiếng Tây Ban Nha, và Vương Gia Vệ đã có thể chọn bản tiếng Anh của nó “Perhaps, perhaps, perhaps” để ai cũng hiểu, nhưng ông đã không làm thế. Ông đã chủ động không để chúng ta hiểu, theo cách mà Mộ Văn và Lệ Trân, vào đúng thời điểm đáng ra họ cần hiểu nhau, thì họ lại không thể hiểu nhau. Tất nhiên thì đến lần xem thứ hai, thứ ba, khi bạn đã tra cứu và đã hiểu rồi, thì bây giờ nó bắt đầu sáng tỏ từng cảnh một, có lẽ Lệ Trân đã có thể nói có, có lẽ Lệ Trân đã có thể nói một điều gì đó, có lẽ Mộ Văn và Lệ Trân đã có thể đi đến một kết cục khác, và (tôi lại thích nghĩ rằng) nó cũng giống như Lệ Trân và Mộ Văn, sau khi tất cả đã qua, khi bộ phim đã khép lại, ở một thế giới nào đó, họ sẽ sống lại những giây phút đó trong tâm trí. Và giờ thì họ đã hiểu nhau, nhưng quá muộn rồi, vì phim đã hết…

“Quizás, quizás, quizás” là bài hát chúng ta nhớ nhất khi xem “Tâm trạng khi yêu”, nhưng không phải bài hát duy nhất. Còn có “Aquello Ojos Verdes” và “Te Quiero Dijisto”, cả hai đều trình bày bởi Nat King Cole. Một sự thật, Nat King Cole không nói tiếng Tây Ban Nha. (Thật thú vị khi nghĩ về việc chính Nat King Cole cũng không thật sự hiểu những gì ông hát, dù tất nhiên, ông chắc hiểu ngữ nghĩa của nó, nhưng việc không nói một ngôn ngữ khiến cho bạn dù biết ngữ nghĩa thì cũng không thể hiểu chính xác những sắc thái của ca từ). Điều đó càng đẩy chuyện-gần-như-chuyện-tình ấy vào thế có lẽ – có lẽ – có lẽ.

Sau này, tôi nghe Nat King Cole nhiều hơn là xem phim Vương Gia Vệ. Và cái cách ông hát mà không cần hiểu nó thật sự nghĩa là gì, nhưng rất tự nhiên, mọi ý nghĩa cứ như tuôn chảy ra trong từng từ ông hát, khiến tôi luôn cảm thấy ông là hiện thân của một thứ có tính cốt lõi. Ngày hôm nay, và cả ngày hôm qua nữa, tôi nghe lại hoài album “For sentimental reasons” năm 1997 của Cole, tập hợp một số những bài hát ghi âm thời kỳ đầu sự nghiệp, điểm chung là nhạc tình, dĩ nhiên, “sentimental” dịch một cách phiên phiến là “sến”, hoặc “ướt át”. Một trong các bài hát ở album ấy tên là “(I love you) for sentimental reasons” (Anh yêu em vì những lý do thật sến). Và Nat King Cole hát “sến” thật, một sự “sến” rất sang trọng, rất Cole, và có khi, chính là cái “cốt lõi” mà tôi muốn nói đến. Tôi không thể tìm ra ai hát hay hơn những câu siêu sến như “You’re my everything”, không ai hát hay hơn Cole ở những câu đó vì Cole hát nó như thể ông thực sự tin vào nó. Ở một bài hát khác, còn “sến” dã man hơn, ông lý giải “my everything” là cái gì.

“You’re the cream in my coffee. You’re the salt in my stew. You’re the starch in my collar. You’re the lace in my shoe.  You’re the sail of my love boat. You’re the captain and crew…”. Đại để, nghĩa là: “Em là kem trong cà phê của anh, là muối trong món thịt hầm, là nước xịt vải trên cổ áo, là dây trên đôi giày,  là cánh buồm của con thuyền tình yêu, em là thuyền trưởng, là thủy thủ đoàn. Tóm lại em là tất cả mọi thứ…”

Đây là lý do tôi không thích dùng từ “sến”. Vì ngày nay từ “sến” hay được dùng ở mấy bài nhạc tình ướt át, tôi phải nói rằng nói về độ ướt át thì chúng không thể nào so với nhạc tình ngày xưa, không bao giờ “sến” bằng, nhưng cái sự “sến” của ngày xưa rất khác, khác biệt đó chính là, có vẻ như họ tin vào điều họ hát, tin vào điều họ viết ra, không chỉ là viết ra cho bài hát có một cái lời, mà họ tin 100% rằng nó chân thật không nói quá.

Nhưng vì không nghĩ ra từ nào khác nên tôi vẫn đành dùng từ “sến”. Sến kiểu Nat King Cole. Và sến kiểu Vương Gia Vệ nữa. Vương Gia Vệ cũng sến, một sự “sến” không hề giống với bất cứ thể loại phim “sến” nào. Không biết có thật không nhưng tôi từng đọc ở đâu đó chuyện Vương Gia Vệ từng hỏi một diễn viên của mình có biết “I love you” nghĩa là gì không. Diễn viên đó bảo, thì là “Anh yêu em” chứ còn gì nữa. Nhưng Vương lắc đầu: “Sao có thể nói vậy chứ? Phải nói là: Lâu rồi tôi chưa đi xe máy, cũng lâu rồi chưa từng thử tới gần một người, mặc dù tôi biết chặng đường này chẳng xa xôi, tôi cũng biết chỉ chốc lát nữa rồi mình sẽ xuống xe. Nhưng giây phút kia tôi cảm thấy thật sự ấm áp…”.

Tôi không biết tính xác tín của câu chuyện này đến đâu, nhưng với sự “sến” bấy lâu của Vương Gia Vệ thì tôi cứ cảm thấy nó cũng có phần thật, dù không thật đi chăng nữa, chắc Vương Gia Vệ cũng sẽ dịch gần gần như thế.

Hiền Trang