web analytics

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương: Nhiều chỉ đạo mang tính thực tiễn cao 31/12/2019

(KDTT) – Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, diễn ra tại Hà Nội, ngày 30/12/2019 đã được nghe chỉ đạo mang tính thực tiễn cao từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa

Lần thứ tư cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước dự hội nghị toàn quốc của Chính phủ với các địa phương, trong phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương và cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn trong thành tựu chung của cả nước trong năm 2019.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên 3 bài học có thể tiếp tục kế thừa, phát huy từ các hội nghị trước. Đó là kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí… tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng có thể bổ sung thêm bài học mới của năm nay, tạm gọi là bài học thứ 4: Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

Với tinh thần chung của năm 2020 là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập đến 5 nhiệm vụ cần được ưu tiên triển khai trong năm 2020.

Thứ nhất là về phát triển kinh tế, cần tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.

Thứ hai, về phát triển văn hoá, xã hội, cần quan tâm hơn nữa và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn nữa đối với việc phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ ba, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu “đúng vai, thuộc bài”.

Thứ năm, về việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong năm 2020, các cấp uỷ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương, nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, đáp ứng thật tốt các yêu cầu. Cụ thể, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu; bảo đảm an toàn, thiết thực, không phô trương, hình thức; kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghi

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành quả kinh tế-xã hội có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, CPI bình quân tăng 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động, quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD – những con số mà theo Thủ tướng, “10 năm trước chúng ta không thể hình dung được”.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng thuận, phối hợp của cả hệ thống chính trị; cùng với quyết tâm và sáng tạo vượt khó của hàng triệu công chức, viên chức, cán bộ trong từng xã, huyện, tỉnh, thành phố và Trung ương.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn tại hội nghị có nhiều ý kiến để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2020.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ đã dự lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD. Theo Thủ tướng, kết quả này có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh thương mại toàn cầu năm nay ở mức thấp nhất trong 10 năm (chỉ tăng 1,2%), xung đột thương mại xảy ra giữa các nước. Trong tình hình đó, các bộ, các cấp, các ngành đã đồng tâm hiệp lực tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó có vai trò đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về vấn đề này, mục tiêu năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

“Phải tăng hiệu quả của sản xuất, trong đó phải chế biến sâu để nâng cao giá trị. Phải giảm chi phí logistics, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để phục vụ hiệu quả cho xuất nhập khẩu. Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp, cần đẩy mạnh xuất khẩu “tại chỗ” – phát triển ngành du lịch. Câu hỏi đặt ra là các Sở Du lịch phải xem khách quốc tế đến Việt Nam sẽ mua sản phẩm gì”- Thủ tướng chỉ đạo.

Đã có những nền tảng để đẩy nhanh đổi mới

Trong phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói, thực tiễn phát triển như vừa qua cho thấy đất nước ta có những điều kiện nền tảng hết sức quan trọng để tiếp tục có thể đẩy nhanh được quá trình đổi mới, phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững trong những năm tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng lãnh đạo các bộ dự Hội nghị

Bộ Công Thương cho rằng có 3 điểm lớn mang tính bài học có thể rút ra. Điểm quan trọng nhất là trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đã kiên định trong chỉ đạo điều hành để bảo đảm giữ vững ổn định vĩ mô. Hai là, hệ thống các chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước được bảo đảm đồng bộ và ngày càng mở rộng, phát triển sâu sắc hơn, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Ba là, sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, xã hội và nhân dân, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã theo sát những diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế để có chính sách, biện pháp ứng phó, điều hành linh hoạt, kịp thời.

Theo Bộ trưởng, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được xác định với yêu cầu rất cao (so với nền tảng đã đạt được ở mức cao của năm 2019) là thách thức lớn đối với các Bộ ngành, địa phương. Do vậy, cần tập trung cụ thể hóa và xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Cùng đó tập trung theo dõi nắm chắc cơ sở, làm việc với các địa phương để rà soát, tháo gỡ các nút thắt trong phát triển, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến việc bảo đảm sự đồng bộ trong phối hợp chính sách giữa các Bộ ngành và tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương đối với các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng đó đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.

“Để tiếp tục góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2020, hoàn thành tốt Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và Chiến lược 10 năm 2011 – 2020 đã đề ra”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định tại Hội nghị.

Quang Lộc

Nguồn congthuong.vn