web analytics

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công 01/12/2020

(KDTT) – Sau gần 8 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) cho rằng ở cơ quan, địa phương nào người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đều tạo chuyển biến nhanh, kết quả rõ ràng. Điều này đồng nghĩa, trong thời gian tới, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu càng phải được phát huy để bảo đảm tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả hơn.

Nông nghiệp công nghệ cao dần phổ biến

Là tỉnh đầu tiên được lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay Đồng Tháp đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng.

Cụ thể, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “hợp tác – liên kết – thị trường” và “giảm chi phí – tăng chất lượng – chế biến tinh” đã giúp cơ cấu nội ngành nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị (lúa, cá tra, trái cây, hoa – cây cảnh…).

Nông nghiệp công nghệ cao đang dần trở thành xu hướng phổ biến.

Hiện, toàn tỉnh có tổng diện tích vườn cây ăn trái 33 nghìn hecta, sản lượng trên 377 nghìn tấn/năm, trong đó trên 10 nghìn ha xoài. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng. Đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư sản xuất chế biến từ các nguyên liệu xoài, chuối, ổi, nhãn… với trên 60 sản phẩm. Đối với ngành hàng cá tra, tỉnh phát triển theo hướng sản xuất thâm canh, gắn kết với hơn 20 doanh nghiệp chế biến theo hướng đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP… phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp ngày càng gia tăng thông qua chuyển đổi canh tác lúa sang cây ăn trái, rau màu, thủy sản và triển khai các mô hình luân canh: “lúa – cá”, “lúa – tôm”, “lúa – sen”. Nhờ sự quyết liệt trong thực hiện tái cơ cấu, trong giai đoạn 2015 – 2020, kinh tế nông nghiệp tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3,57%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45,6 triệu đồng (bằng 83% GRDP bình quân đầu người); cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%…

Hay tại Hà Giang, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã hình thành các hình thức tổ chức sản xuất để tổ chức lại sản xuất cho nông dân (HTX kiểu mới, tổ hợp tác), thay đổi nhận thức của người dân về tư duy sản xuất hàng hóa. Tỉnh cũng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản lượng lớn và bước đầu có thị trường tiêu thụ như cam, chè, mật ong bạc hà, gỗ…

Chẳng hạn, thời gian gần đây, cây cam bước đầu xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. “Cam sành Hà Giang” được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với 38 xã, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.700ha trồng cam, trong đó có hơn 6.700ha cho thu hoạch. Sản lượng cam sành VietGAP niên vụ 2020 – 2021 ước đạt 52 nghìn tấn, tăng 49,6 nghìn tấn so với niên vụ 2015 – 2016, giá trị ước đạt 520 tỷ đồng. Đối với cây chè, toàn bộ diện tích chè Shan tuyết thuộc địa bàn 5 huyện trọng điểm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Hà Giang”. Tổng diện tích chè hiện có trên 20,8 nghìn hecta. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành chè đạt 654 tỷ đồng, chiếm 9% giá trị của ngành trồng trọt…

Từ thực tế tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương hiện nay, một trong những kết quả quan trọng nhất chính là tư duy sản xuất hàng hóa của người dân dần thay đổi. Đây là tiền đề để các địa phương xây dựng chiến lược thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.

Báo cáo của Bộ NN – PTNT sau gần 8 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gần 4 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020 nêu rõ, nông nghiệp đã chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao. Trên cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn như: Lúa gạo (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long); chè (Trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng); cà phê, cao su (Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…).

Tính chung trong giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực nông lâm thủy sản bình quân đạt 2,71%/năm. Hiện, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới, thị trường mở rộng đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 190 tỷ USD. Năm 2020, xuất khẩu nông sản ước đạt 41 tỷ USD, duy trì 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

Đặc biệt, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng trở thành xu hướng phổ biến.

Ưu tiên vốn đầu tư công cho nông nghiệp

Tuy vậy, Bộ NN – PTNT thừa nhận, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp cũng đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn. Hiện, bên cạnh thách thức nội tại, ngành nông nghiệp cũng chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, từ cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh mới đòi hỏi phải định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.

Bộ NN – PTNT đang xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030trình Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới. Mục tiêu giai đoạn này sẽ phát triển hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản, thị trường tiêu thụ; bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu…

Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, Việt Nam cần cơ cấu lại, hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, bảo đảm liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với nông dân để hình thành quy trình khép kín nhằm đáp ứng yêu cầu và tận dụng tốt các thị trường. Đồng thời nhấn mạnh, Bộ sẽ cùng các địa phương chú trọng hơn tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó tái cơ cấu không chỉ gia tăng về sản xuất mà còn phải chú ý đến việc thích ứng với các biến động bằng các giải pháp nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, đồng bộ trong liên kết sản xuất. Bộ cũng sẽ tổ chức khai thác tốt thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, để tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, các chuyên gia kiến nghị, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp tạo tiền đề mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển sản xuất. Cơ cấu lại nông nghiệp đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực, không thể nóng vội, hình thức nên cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cho nông nghiệp; thực hiện tốt các chính sách huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân vào quá trình tái cơ cấu…

Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị cũng cần được đề cao. Bởi báo cáo của Bộ NN – PTNT chỉ rõ, thực tiễn thời gian qua cho thấy, ở cơ quan, địa phương nào mà người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đều tạo chuyển biến nhanh, kết quả rõ ràng.

ĐAN THANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo link gốc: https://daibieunhandan.vn/vai-tro-va-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-a4r8tuqlsa-50809