web analytics

Sức sống mới từ các khu công nghệ cao 19/02/2020

(KDTT) – Các khu công nghệ cao (CNC) quốc gia đã có những bước phát triển đáng kể, ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và thế giới.    

Thời gian qua, các khu CNC đã được hình thành và phát triển ở Việt Nam với mục tiêu chiến lược được xác định là tạo ra năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ. Đây là hướng đi tắt đón đầu vào kỷ nguyên công nghệ hiện đại, là mô hình tổ chức của nền kinh tế tri thức phù hợp với các nước đang phát triển. Từ đây, có thể xuất hiện các phát minh, sáng chế mang thương hiệu quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nhà máy VinSmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Thực tế, các khu CNC đang cho thấy sức sống mạnh mẽ khi đón nhận hàng loạt dự án đầu tư lớn có chất lượng ở trong và ngoài nước. Điển hình như, Khu CNC Hòa Lạc hiện có 91 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,7 tỷ USD; trong đó năm 2019, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định giao đất cho 4 dự án mới với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 323 triệu USD; giá trị nhập khẩu hàng hóa năm 2019 đạt hơn 1,2 tỷ USD và giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD.

Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn hàng đầu ở trong nước và quốc tế đã có mặt tại Khu CNC Hòa Lạc như: Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Trung tâm Nghiên cứu và kiểm thử DT&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Vingroup…

Tại Khu CNC TP. Hồ Chí Minh có 161 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD; riêng năm 2019, thu hút được 11 dự án đầu tư, với tổng giá trị 802 triệu USD; giá trị sản xuất năm 2019 ước đạt 17 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 16 tỷ USD. Trong đó có các tập đoàn, công ty CNC hàng đầu thế giới như: Intel, Sanofi, Samsung, Schneider, Datalogic, Jabil…

Còn Khu CNC Đà Nẵng đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 563 triệu USD; riêng năm 2019 đã thu hút 2 dự án với tổng vốn đầu tư 172 triệu USD.

Để có được những thành quả trên, thời gian qua, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống văn bản tương đối hoàn chỉnh phát triển lĩnh vực này. Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ đã và đang từng bước triển khai vào cuộc sống. Đặc biệt, các khu CNC là nơi được chính phủ dành nhiều điều kiện ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư, nhà khoa học vào làm việc và nghiên cứu, ứng dụng, cho ra đời sản phẩm mới có hàm lượng khoa học CNC.

Trong đó, phải kể đến việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Theo quy định, đối với dự án đầu tư mới tại Khu CNC Hòa Lạc có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) 10% trong thời hạn 30 năm.

Hay việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2018/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu CNC Đà Nẵng. Theo đó, đối với DN thực hiện dự án đầu tư mới sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong thời hạn 15 năm. Các dự án đầu tư mới có quy mô vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong vòng 30 năm. Với những chính sách ưu đãi này, đang kỳ vọng sẽ thổi một “làn gió” mới để các khu CNC tiếp tục chuyển mình và khởi sắc.

    • Việc thành lập các khu CNC nhằm phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, thu hút chất xám để tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học cao hơn; những bước đột phá quan trọng để phát triển công nghệ và công nghiệp trong nước.

Quỳnh Nga
Theo congthuong.vn