web analytics

Sự kế thừa giữa các thế hệ lãnh đạo Đảng tạo nên thành công 03/02/2021

(KDTT) – Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước suốt vài chục năm qua, không khi nào Đảng ta xem nhẹ vai trò của người đứng đầu trong Đảng và thực tế đã chứng minh khi Đảng rất cân nhắc chọn lựa những nhân vật cao tuổi nhưng thật sự tài năng, bản lĩnh đứng ra gánh vác trọng trách to lớn, đưa con thuyền Cách mạng Việt Nam vượt qua bão táp, khó khăn với“những khúc quanh, gập ghềnh” của lịch sử. 

Trên thế giới, chúng ta cũng đã được chứng kiến một số nhà lãnh đạo dù tuổi đã rất cao nhưng khi đảng của họ gặp khó khăn về nhân sự, họ vẫn tín nhiệm gửi gắm niềm tin vào người có uy tín, tài năng và gọi đó là “trường hợp đặc biệt”. Điển hình nhất chúng ta phải nhắc đến, đó là cựu Thủ tướng Malaysia, ngài  Mahathir  Mohamad khi ông đã ở tuổi 93 .

Ngược lại, cũng có một xu hướng, họ chấp nhận để người giữ cương vị nguyên thủ quốc gia rất trẻ như Thủ tướng Áo , ông Sebastian Kurz là một ví dụ.  Lần đầu tiên làm Thủ tướng, ông Kurz mới ở tuổi 31. Nhưng rồi chỉ 7 tháng sau khi mất chức vì bê bối liên quan đến liên minh đảng cầm quyền, chính trị gia trẻ tuổi này đã xuất hiện trở lại làm Thủ tướng (khi 33 tuổi).

Còn Việt Nam, gần đây Đảng đưa ra khái niệm “trường hợp đặc biệt” sẽ được cân nhắc để giữ lại ở vị trí cấp cao trong Đảng thì cái ngưỡng ngoài 65 ấy, trên thế giới vẫn chưa coi là cao tuổi bởi ở tầm lãnh đạo tối cao ấy, họ rất coi trọng kinh nghiệm từng trải của người lãnh đạo.

  1. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, vị” Kiến trúc sư trưởng”của công cuộc Đổi mới

Trong mỗi giai đoạn Cách mạng, vào thời điểm nhất định và càng vào lúc khó khăn, thử thách cao độ nhất của dân tộc Việt Nam, Đảng ta trong nhiều thập kỷ qua đã cho thấy vai trò cá nhân người đứng đầu Đảng là rất rõ. Việc trẻ hoá lãnh đạo theo nhiều cấp độ tuổi như cách làm của Đảng ta cũng là rất đúng và khoa học.

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1990) là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng trong các giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Đó là khi ông lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công cũng như sau này, trong thời kỳ Đổi mới (1986). Ông là Tổng Bí thư của Đảng từ hồi còn rất trẻ, khi mới có 34 tuổi và sau này, khi ở tuổi 79, lúc Tổng Bí thư Lê Duẩn lâm bệnh và ra đi cũng là lúc Đại hội toàn quốc đã cận kề, một lần nữa trọng trách lớn lao ấy lại đặt lên vai vị “đại lão” cũng là do Đảng đặc biệt tin tưởng giao phó.

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng trong các giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước.

Tư duy xuất thần của ông khi ấy đã có những quyết sách hết sức sáng suốt. Nó là khâu đột phá mang tính sống còn của cả một dân tộc và rất đáng được ghi tạc vào sử sách. Việc ông thêm một lần đứng ra nhận trọng trách Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam để chèo lái con thuyền Cách mạng đầy chông gai vào năm 1986 với tinh thần” Đổi mới hay là chết?” cho thấy một vấn đề: Đảng ta rất trọng người tài.

Dù thời gian đã cận kề Đại hội Đảng toàn quốc, Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn quyết định cho soạn thảo lại một số nội dung rất quan trọng trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI. Đó là một quyết định táo bạo mang tính sống còn của Đảng mà khâu đột phá then chốt, đó là tư tưởng Đổi mới về tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế.

Chính nhờ sự táo bạo, trí tuệ và bản lĩnh ở người cầm lái đầy kinh nghiệm mà Đảng ta cùng toàn dân đưa đất nước thoát dần khỏi sự hiểm nguy chỉ trong gang tấc. Chúng ta đã không bị cảnh như nhiều Đảng anh em tại Đông Âu  sau đó đã tự diễn biến rồi tự đổ vỡ hàng loạt, rất đau xót và đáng tiếc.

Với một nhà lãnh đạo như ông Trường Chinh, dù tuổi khi đó rất cao (79 tuổi), thế nhưng rõ ràng Đảng và nhân dân vẫn cần đến ông với một tư duy xuất thần, từng trải và rất hiểu ông, kể cả những sai lầm mà chính ông đã vấp váp trong quá khứ khi lãnh đạo Đảng ta thực hiện cải cách ruộng đất đã có sự giáo điều, dập khuôn kiểu Trung Quốc năm 1953 -1954 để rồi, lúc được tín nhiệm cao khi Đại hội VI đã cận kề, ông đã cùng toàn Đảng vượt qua gian khó. Và sau khi hoàn thành nhiệm vụ lớn lao có tính lịch sử của mình, ông và các vị cao tuổi khác đã rút lui về làm Cố vấn BCH Trung ương, nhường vị trí đó cho các đồng chí của mình. Chế độ Cố vấn BCH TƯ Đảng ta cũng bắt đầu có từ đó ( Khoá VI) cho đến hết khoá VIII.

  1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – “Người đốt lò” sưởi ấm lòng dân

Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội khoá XII vừa qua, Đảng ta quả thật đã rất sáng suốt khi đưa ra sự lựa chọn về người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là vẫn bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đảm nhiệm cương vị trên và ông đã làm xuất sắc trọng trách được Đảng tin tưởng giao phó.

Thay mặt Bộ Chính trị, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.

Điều mà ông làm được xem là rất hệ trọng ấy, theo tôi , đó là mang lại niềm tin lớn lao của Dân với Đảng. Đây là điều trong nhiều năm trước đó, Đảng ta có phần bị ảnh hưởng uy tín bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ,đảng viên thoái hoá,  biến chất, xa rời việc từ dưỡng, làm gương trước dân đến độ an nguy cho cả chế độ. Và nếu không có một bàn tay và khối óc tỉnh táo, thận trọng, bài bản và nhân văn thì rất khó đi tới được đích cần đến. Đó là làm trong sạch lại hệ thống chính trị của Đảng.

Chúng ta nên nhớ, vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ khoá XI,tình hình đất nước gặp vô vàn khó khăn. Khó khăn không chỉ do kinh tế điêu đứng, tình trạng thất thoát, lãng phí rất nguy cấp, đáng lo mà còn cả “giặc nội xâm” – tham nhũng, lợi ích nhóm – đang đe dọa đổ bể cả cơ đồ to lớn của biết bao thế hệ theo Cách mạng mới dành được. Trước tình thế đó, Đảng rất tỉnh táo chọn lựa người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và ông đã hoàn thành xuất sắc dù cũng nhiều người hiểu rằng, nhiệm kỳ ông đảm trách trước cũng đã không làm được bao nhiêu vì chưa đủ thực lực.

Công cuộc “đốt lò” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhóm lên bắt đầu từ một thứ  “củi tươi” vào tháng 6/2016 qua vụ Trịnh Xuân Thanh, phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang khi anh ta ngông nghênh dùng biển số xanh gắn vào xe sang của riêng mình trái quy định. Từ đó, hàng loạt vụ việc tại ngành dầu khí dưới thời ông Đinh La Thăng bị phanh phui và đây cũng là Uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên trong Đảng ta vướng vòng lao lý.

Trong mấy năm vừa qua, trên đà đấu tranh không khoan nhượng nhưng buộc người vi phạm phải tâm phục khẩu phục, cả trăm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư và BCH TƯ quản lý đã bị xử lý theo nhiều cấp độ mà riêng cấp Uỷ viên BCT đương chức  đã có đến 3 người bị kỷ luật và đi tù thì thật khó hình dung. Số tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang bị xử lý cũng trên 20 người và không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Đó là hiện tượng quả là đặc biệt mà nếu lấy số người bị xử lý của nhiều nhiệm kỳ trước đây cộng lại cũng không thấm gì so với nhiệm kỳ vừa qua. Tham nhũng đã có phần chững lại, bị thu hồi tài sản rất lớn và kẻ tham nhũng cũng đã biết sợ. Niềm tin của dân với Đảng đã được hồi phục nhanh đến độ rất khó tưởng tượng và đó chính là tài sản vô giá mà Đảng ta đã lấy lại được từ chính nhân dân vốn luôn yêu quý, trân trọng mình trước đó.

Về mặt kinh tế, xã hội, cho dù chúng ta cũng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như nhiều nước khác, thế nhưng với sự điều hành quyết liệt, đúng cách của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và trở thành một trong mười nước có các chỉ số tích cực rất đáng nể khiến thế giới phải thừa nhận và đánh giá rất cao.

Và một lần nữa, vào những ngày áp tết Tân Sửu 2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được Ban chấp hành Trung ương khóa XIII trong Hội nghị lần thứ nhất bầu làm Tổng Bí thư khóa XIII. Khi biết kết quả này, nhiều ý kiến người dân từ khắp nơi trên cả nước đã bày tỏ sự kỳ vọng, gửi gắm tới đội ngũ lãnh đạo Đảng khóa XIII sẽ đưa đất nước phát triển mới với những đột phá mới, trong đó bày tỏ sự đồng tình cao với quyết định của Đại hội về một số “trường hợp đặc biệt”.

Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người tiêu biểu về mọi mặt, tuy tuổi đã cao nhưng đã được đại hội tín nhiệm bầu vào Trung ương khóa mới để đứng mũi chịu sào, tiếp tục sự nghiệp chỉnh đốn Đảng, quyết liệt chống tham nhũng mà ông đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ trong suốt nhiệm kỳ qua.Trong bối cảnh hiện nay, người dân tin tưởng rằng Tổng Bí thư sẽ tiếp tục quyết liệt như những gì đã và đang làm.

QUỐC PHONG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT