web analytics

Sử dụng robot để hỗ trợ trong công tác điều trị Covid – 19 26/03/2020

(KDTT) – Với cơ chế lây nhiễm khó lường của virut corona (Covid -19) như hiện nay thì cách ly là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Để hỗ trợ cho các bác sỹ trong công tác phòng chống và điều trị dịch Covid -19 và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo, sử dụng robot điều khiển từ xa là một lựa chọn tối ưu cho đội ngũ bác sỹ và y tá tại các cơ sở y tế.

Robot làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thông báo đã thiết kế một loại robot có thể hỗ trợ các bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong đợt dịch corona (COVID-19) bùng phát tại nước này.

Robot cánh tay do Trung Quốc chế tạo.

Cỗ máy này bao gồm một cánh tay robot di chuyển bằng bánh xe có thể siêu âm, lấy dịch họng và lắng nghe âm thanh phát ra từ các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân, vốn thường được thực hiện qua ống nghe. Các nhiệm vụ này thường do bác sĩ tự làm, song với sự hỗ trợ của robot gắn camera này, các nhân viên y tế không cần ở cùng phòng với bệnh nhân, hay thậm chí là điều khiển chúng từ một thành phố khác.

Ông Zheng Gangtie, Giáo sư Đại học Thanh Hoa và cũng là nhà thiết kế ra robot, nói rằng các bác sĩ rất dũng cảm, nhưng loại virus này quá dễ lây lan. “Vì vậy, robot là công cụ quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm nhất, đặc biệt là khi tình hình bên ngoài Trung Quốc cũng đang có diễn biến phức tạp.” Nhiều trong số các nhiệm vụ đòi hỏi sự giám sát và công sức của con người, nhưng ưu điểm là robot có thể được điều khiển từ xa, giúp bác sĩ có được khoảng cách an toàn trong quá trình làm việc với người bệnh.

Ý tưởng chế tạo robot đến với ông vào Tết Nguyên đán, khi dịch bệnh đã trở nên rất nghiêm trọng và nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh. Thậm chí một số y bác sĩ đã tử vong vì dịch Covid-19. Các robot sử dụng công nghệ tương tự như trên trạm không gian và robot thám hiểm mặt trăng.

Còn tại Thái lan, rât nhiều bệnh viện tại Bangkok, bắt đầu sử dụng robot ‘ninja’ hỗ trợ bác sĩ và các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo Business Insider, robot có khả năng theo dõi thường xuyên bệnh nhân hệt như một y tá. Với các thiết bị chuyên dụng kèm theo dữ liệu y khoa được lưu trữ trong bộ phận xử lý trung tâm, robot có thể theo dõi thân nhiệt, đo huyết áp cho bệnh nhân.

Robot “ninja” Thai Lan.

Camera và màn hình lắp trên robot giúp người bệnh và bác sĩ có thể giao tiếp trực tuyến với nhau. Nhờ đó, robot góp phần giảm tiếp xúc trực tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo cho các nhân viên y tế. Sở hữu hệ thống bánh xe và khả năng định vị hồng ngoại, robot dễ dàng đi lại trong khu vực đông người như bệnh viện.

Nhóm nghiên cứu Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho biết họ đặt tên robot là “ninja” do màu sắc bên ngoài của chúng như màu áo của ninja. Ngoài ra, robot cũng có thể di chuyển nhanh nhẹn hệt một chiến binh.

Theo GS Sangveraphunsiri – Đại học Chulalongkorn, trưởng nhóm nghiên cứu, lợi thế lớn nhất là bác sĩ và các nhân viên y tế dễ dàng tương tác gián tiếp với bệnh nhân thông qua robot. “Bác sĩ đứng ngoài phòng, bệnh nhân ngồi bên trong vẫn có thể trò chuyện và theo dõi tình hình bệnh tật” – GS Sangveraphunsiri cho biết.

Chế tạo và đưa vào sử dụng robot tại Việt Nam

Mới đây, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã tổ chức đưa robot có nhiều tính năng vào sử dụng phục vụ người nghi nhiễm Covid-19 đang điều trị tại khu cách ly. Việc sử dụng robot nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm Covid -19 đối với nhân viên y tế phục vụ.

Robot có tên là “BK- AntiCovid” do nhóm giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chế tạo theo đơn đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, để phục vụ người nghi nhiễm Covid-19 tại khu cách ly.

Robot “BK- AntiCovid” do nhóm giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chế tạo .

Robot “BK – Anticovid” có cấu tạo bằng thép không rỉ, khung đúc liền với nhau để không bị thấm nước. Trong quá trình vận hành, có thể xịt, phun thuốc khử trùng, hóa chất lên robot theo yêu cầu của y tế mà vẫn đảm bảo các mạch, linh kiện hoạt động ổn định. Robot được điều khiển bằng chế độ cầm tay, có khả năng vận chuyển trọng tải khoảng 70kg.

Trước đó, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã tự chế tạo và đưa vào vận hành một con “robot” với chức năng tiếp phẩm phục vụ cho các bệnh nhân trong thời gian cách ly điều trị do nghi nhiễm corona nhằm ngăn ngừa, giảm lây lan cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế.

Robot này có cự ly điều khiển từ xa khoảng 30m, sức chứa thực phẩm, thuốc men với trọng lượng lên đến 60kg, hệ thống thùng chứa 4 ngăn, tốc độ di chuyển tối đa 20km/h đi qua được các cửa, các khoa trong Bệnh viện Trung ương Huế, hỗ trợ đưa thức ăn và thuốc đến từng bệnh nhân bị cách ly.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, một nhóm tác giả là 2 chàng sinh viên đến từ Khoa Cơ khí chế tạo máy của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nghiên cứu và sáng chế ra một robot có thể hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa.

Khi người dùng tương tác với robot, ngay lập tức robot sẽ chào hỏi và hướng dẫn người dùng: “Xin chào, tôi là robot hỗ trợ khám bệnh. Chạm vào biểu tượng micro để trò chuyện với tôi hoặc nếu bạn muốn sử dụng các chức năng khác, hãy chọn trên màn hình nhé”.

Với robot này, người dùng có thể tùy theo nhu cầu mà chọn các chức năng khác nhau thông qua màn hình cảm ứng hoặc bằng giọng nói để tương tác với robot.

Một robot có thể hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa.

Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot có thể hỗ trợ người bệnh đo các số liệu sức khỏe như huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ… Tất cả thông số thu được sẽ được lập thành hồ sơ bệnh án điện tử và cập nhật trực tiếp cho bác sĩ để theo dõi tình hình sức khỏe.

Ngoài việc hỗ trợ khám chữa bệnh, khi người dùng tương tác, robot cũng đóng vai trò như lễ tân để chỉ đường các khu vực, phòng ban, giúp mọi người tra cứu thông tin về y tế cũng như hành chính của bệnh viện và có thể thanh toán viện phí điện tử thông qua các hình thức thanh toán điện tử hiện nay.

Điều đặc biệt nhất mà 2 chàng sinh viên mong muốn là robot có thể hỗ trợ hữu hiệu cho bệnh nhân và bác sĩ trong mùa dịch này.

Việc đưa các robot vào phục vụ những người trong khu cách ly có ý nghĩa thiết thực. Không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế, mà giảm thời gian tiếp xúc với người nghi nhiễm, hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19 trong bệnh viện.

Theo KDPT