web analytics

Sử dụng filter như thế nào để có được bức ảnh như ý? 30/03/2021

(KDTT) – Mặc dù hiện có rất nhiều phần mềm cho việc xử lý ảnh kỹ thuật số, song từ nhiều năm nay, các hãng sản xuất kính lọc (filter) vẫn không ngừng nghiên cứu và cải tiến nhằm giúp người yêu nhiếp ảnh có được bức ảnh hoàn hảo hơn. Dưới đây là cuộc trao đổi của PV với ông Phan Văn Cao -Giám đốc Công ty Nghe nhìn Điểm Đỏ về những yêu cầu cơ bản khi sử dụng filter trong chụp ảnh.

Ông Cao cũng là một nhiếp ảnh gia, sáng lập viên câu lạc bộ Cà phê ảnh và group nhiếp ảnh với gần 30.000 thành viên.

Một bức ảnh sử dụng kính lọc hồng ngoại.

Mặc dù kính lọc đã được sử dụng khá lâu trong nhiếp ảnh cũng như quay phim, nhưng phải dùng nó như thế nào để vừa hiệu quả vừa dễ dàng thưa ông?

Có thể nói là từ khi nhiếp ảnh ra đời thì kính lọc cũng ra đời. Nó được sử dụng trong cả chụp ảnh, quay phim hoặc phóng ảnh, kể từ khi chúng ta còn chụp ảnh phim, in ảnh trên giấy, và cho tới nay là ảnh kỹ thuật số. Các nhà sản xuất cũng cho ra các sản phẩm chuyên biệt với từng loại hình khác nhau như: kính lọc cho máy quay, kính lọc cho máy ảnh hay kính lọc cho in phóng ảnh, kính lọc chuyên biệt cho máy ảnh kỹ thuật  số… Ngày nay người ta còn trang bị cả kính lọc ở dạng phần mềm vô cùng đa dạng, tức là bạn có thể cài đặt nó trong máy ảnh, máy tính … 

Không chỉ vậy, kính lọc còn là “cha đẻ” của ảnh màu. Năm 1855, James Clerk Maxwell, một nhà vật lý người Scotland đã đưa ra giả thuyết “ba màu”, tức là mắt người chỉ nhạy cảm với ba vùng quang phổ, gần ứng với vùng da cam, xanh lá cây và xanh lam do đó Maxwell tính toán chỉ cần dùng ba nguồn sáng đỏ, lục, lam là có thể tạo ra cảm giác về hầu hết màu sắc. Ghép 3 màu này lên nhau với vị trí chính xác là có thể đánh lừa mắt người như đang nhìn một bức ảnh màu. Sau đó họ tiến hành chụp 3 bức ảnh giống nhau với 3 kính lọc màu rồi tráng phim, gắn 3 kính lọc màu vào 3 máy chiếu và chiếu trùng khít hình ảnh lên màn chiếu. Lập tức có được hình ảnh màu từ 3 phim đen trắng gốc. Nói như vậy, để thấy, kính lọc đã ra đời và tồn tại song hành với nhiếp ảnh từ lâu. Ngày nay nó vẫn tiếp tục được hoàn thiện với những sản phẩm chất lượng cao hơn, đáp ứng những nhu cầu chuyên sâu hơn. Từ việc tăng, giảm màu sắc, chống loá, xử lý độ tương phản, tạo các hiệu ứng như độ mịn, tạo sao, giảm sáng,…

Sử dụng kính lọc ND 0.9 nhằm giảm tốc độ chụp và tăng cường chi tiết trên bức ảnh.

Hiện nay có rất nhiều phần mềm cho xử lý ảnh kỹ thuật số và có vẻ nhiều tính năng của kính lọc đã được giải quyết khá tốt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, gần như không có ai chụp ảnh mà không sử dụng phần mềm và máy tính để xử lý, công đoạn này thường được gọi là hậu kỳ. Bạn có thể tăng độ nét, làm mờ những phần bạn muốn, điều chỉnh màu sắc, biến bức ảnh chụp ban ngày thành ban đêm hay biến bức ảnh chụp buổi trưa thành ảnh hoàng hôn, thậm chí photoshop còn giúp bạn cứu bức ảnh hỏng thành bức ảnh nhìn được.

Tuy nhiên đối với những người yêu nhiếp ảnh hoặc nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì việc chụp được bức ảnh thực sự tốt trước khi xử lý hoặc chụp được bức ảnh chân thực vẫn là điều quan trọng và khó. Đó là việc mà các phần mềm không thể thay thế được các hiệu ứng quang học do ống kính và các kính lọc tạo ra. Vì vậy kính lọc vẫn rất quan trọng với chụp ảnh. Ngày nay trong hành trang của các nhiếp ảnh gia vẫn thường có ba kính lọc cơ bản là kính giảm sáng (ND – Neutral Density), có tác dụng cản bớt ánh sáng khi nguồn sáng quá mạnh hoặc khi cần chụp tốc độ chậm như chụp thác nước.  Kính phân cực (CPL – Circular Polarizing Filter), giúp cản các tia sáng ở nhiều hướng gây nhiễu loạn, tăng độ sâu và chi tiết, chống loá khi chụp mặt nước, đồ vật khúc xạ ánh sáng mạnh như thuỷ tinh, cửa kính … Kính lọc GND (Graduated Neutral Density), đây là loại kính lọc nửa sẫm như ND, nửa trong. GND giúp cân bằng giữa vùng sáng và vùng tối, chẳng hạn giữa trời và đất khi bạn chụp phong cảnh. Nó giúp bạn chụp được rõ mây trên trời và rõ cả cảnh vật bên dưới.

Ngoài ra trên mỗi ống kính người ta cũng gắn một kính lọc UV, vừa chống tia cực tím, vừa có tác dụng bảo vệ thấu kính ngoài cùng của ống kính nữa. Đó là bốn loại kính lọc cơ bản rất cần thiết. Ngoài ra, còn có rất nhiều loại kính lọc cho từng yêu cầu chuyên biệt khác như: Kính lọc Clear night cho chụp đêm, kính lọc Hồng ngoại (IR)… Nếu bạn có bức ảnh chân thực và chất lượng cao rồi tiếp tục hậu kỳ bằng các phần mềm sẽ tốt hơn nhiều là bạn chỉ có một bức ảnh chất lượng không tốt rồi nhờ vào photoshop để làm nó tốt hơn. Vì vậy, kính lọc vẫn có vai trò rất quan trọng mặc cho nhiều phần mềm hậu kỳ hiện đại đang được phổ cập.

Bức ảnh có được nhờ hiệu ứng của kính lọc GND

Trên thị trường hiện có rất nhiều hãng sản xuất kính lọc, làm thế nào để phân biệt được đâu là loại có chất lượng cao, thưa ông?

Hiện nay có hàng chục nhà sản xuất chuyên nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kính lọc như: Lee, Formatt Hitech (Anh), Haida, Sirui, Benro, K&F Concept, (Trung quốc), Hoya (Nhật Bản), B+W (Đức)… với 3 loại là tròn (có ren để vặn vào đầu ống kính), loại vuông được gắn vào một giá đỡ trước ống kính và loại thứ 3 rất đặc biệt để gắn vào phía sau ống kính (Rear lens filter). Đây là công nghệ mới nhất được ứng dụng dùng cho các lens góc rộng và siêu rộng do Haida sản xuất.

Sản phẩm của các hãng Lee, Hitech có giá rất cao, các sản phẩm của các thương hiệu Haida, Sirui… có chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn rất nhiều vì vậy cũng được người dùng ưu tiên lựa chọn bởi vì các dòng sản phẩm cao cấp của hãng này cũng được chế tạo từ phôi kính nhập khẩu hoàn toàn từ Đức/Germany) cho chất lượng không thua kém và đa dạng về mẫu mã, giá thành chỉ ½ các thương hiệu khác. Trước đây một số hãng chế tạo kính lọc sử dụng nhựa tổng hợp song hiện nay cơ bản đều là thuỷ tinh cao cấp với nhiều lớp tráng phủ ứng dụng công nghệ mới, chống xước, chống dầu, hạn chế quang sai… Nhìn chung sản phẩm của các hãng trên đều rất đa dạng, phong phú với nhiều mức giá khác nhau. Lựa chọn sản phẩm nào phù hợp cho từng thể loại nhiếp ảnh hay ống kính mà bạn đang sử dụng là tuỳ theo yêu cầu và khả năng tài chính mà người tiêu dùng có thể lựa chọn thương hiệu thích hợp. Tuy nhiên cần tham khảo kỹ chuyên gia hoặc tài liệu trước khi quyết định để chọn được sản phẩm phù hợp nhất là rất cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

TƯỜNG VI

Theo KDPT