web analytics

Start-up xuất ngoại
Chưa đứng vững, đi sẽ ngã 04/11/2019

(KDTT) -Ấy là quy luật tự nhiên, tất yếu. Nhưng trong kinh doanh thì khác. Không phải thương nhân nào cũng nhận ra được, họ đã đứng vững hay chưa. Có người còn ngộ nhận, rằng họ mạnh rồi, chắc chân rồi, nhưng khi bước đi xa hơn, rộng hơn, họ mới thông tỏ, nơi họ vẫn đứng chỉ là đất liền, giờ họ đang lạc vào biển lớn, mà trong khi họ bơi không giỏi, thậm chí chưa học bơi.   

Cùng với “đổi mới sáng tạo”, “go global” (xuất ngoại) đang là cụm từ được nhắc nhiều nhất trong giới Start-up Việt. Không thể phủ nhận một điều rằng, muốn phát triển lớn mạnh, doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, cũng như có những bước tiến xa hơn ra thế giới. Vậy nhưng, muốn câu chuyện “xuất ngoại” thành công, Startup trước tiên phải trụ vững tại “sân nhà”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Xuất ngoại là điều bắt buộc”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Anh – CEO Grab Financial Group Việt Nam, khi nêu quan điểm: Không thể bắt đầu khởi nghiệp với tư tưởng, mình chỉ cần chinh phục duy nhất một thị trường mục tiêu này là đủ. Thực tế, nếu một start-up chỉ kinh doanh trong khuôn khổ thị trường nhất định, lâu dần, môi trường đó sẽ trở nên chật chội và kìm hãm sự tăng trưởng. Năm năm, mười năm, các nhân viên trung thành đều muốn được tăng thu nhập. Nhưng nếu doanh nghiệp không tăng lợi nhuận, thì lấy gì để trả cho họ?

Với sự phát triển không ngừng của xã hội, doanh nghiệp dừng lại tức là chấp nhận thụt lùi. Chưa kể, các nhà đầu tư sẽ “chọn mặt gửi vàng” vào những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Chính vì vậy, việc cập nhật xu thế, mở rộng thị trường là điều bắt buộc.

Mặc dù tầm quan trọng của việc mở rộng thị trường ra thế giới là không thể phủ nhận, song ở Việt Nam, có một vấn đề được đặt ra: Nhiều doanh nghiệp khi thành công với một sản phẩm, đã tìm hướng chinh phục sân chơi toàn cầu. Trong khi, ngay trên sân nhà, sản phẩm của doanh nghiệp đó chưa chắc đã là xuất sắc nhất. Câu hỏi rất thực tế là: Liệu các start-up có đang “lạm dụng” xuất ngoại?

Thành công của một sản phẩm phải là lợi nhuận, mà lợi nhuận đó phải ngang với mặt bằng tiêu chuẩn thế giới, chứ không phải căn cứ vào số lượng người dùng trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp phải có một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng (nhiều sản phẩm của một thương hiệu, đáp ứng đa chiều nhu cầu thị trường). Khi đó mới tính chuyện xuất ngoại.

Vững chân trên sân nhà

Mới đây, tại chương trình đào tạo Start-up Việt 2019 với chủ đề “Go global”, ông Lê Văn Thành – Giám đốc công nghệ Dell Technologies Việt Nam chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, tôi đã gặp nhiều start-up đi tìm kiếm thị trường mới, nhưng các bạn lại còn quá nóng vội. Chúng ta phải thắng trên sân nhà trước, thì mới có cơ sở để thành công ở nước bạn”.

Ở những thị trường ngoại, khách hàng có thói quen khác Việt Nam, như: Sự tương đồng về công nghệ, văn hóa và tư duy làm việc; khiến sản phẩm của Start-up Việt trở nên không thực tế. Một số nghề ở nước ngoài đã phát triển được vài năm, nhưng ở Việt Nam, thậm chí còn chưa có tên gọi.

Tại sự kiện, rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực tài chính, vốn, marketing,… đã đưa ra lời khuyên cho start-up trước khi bắt đầu cuộc hành trình ra biển lớn.

Có những yếu tố mà các nhà sáng lập cần nắm rõ. Trước hết, doanh nghiệp cần xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, không nên xem sản phẩm đầu tiên của mình là sản phẩm duy nhất và tốt nhất. Hay nói cách khác, là phải luôn làm các nghiên cứu khảo sát thị trường. Thứ hai, xây dựng lòng tin, phá vỡ định kiến. Để tạo ra chiến thắng, start-up cần bắt đầu với mô hình nhỏ, từ đó tăng quy mô, dần khẳng định độ chín chắn của doanh nghiệp bằng số liệu doanh thu, lợi nhuận cụ thể và một quy trình hoạt động chính xác, hoàn chỉnh.

Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ chính là yếu tố mà hầu hết các start-up nhỏ, siêu nhỏ thường e ngại đụng tới. Vậy nhưng, việc lắng nghe phản hồi và tìm kiếm sự chia sẻ từ nhân viên, đội ngũ, khách hàng, nhà cung cấp, doanh nhân đàn anh hoặc từ chính các nhà đầu tư sẽ là chìa khóa giúp người đứng đầu mở rộng được quy mô, và tìm kiếm bạn đồng hành, nhất là ở những thị trường xa lạ.

Việt Nam hiện trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Đảng và Nhà nước đang từng ngày nỗ lực tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế. Các start-up nên tận dụng cơ hội này, khẳng định chỗ đứng trên sân nhà, lấy đó làm đòn bẩy, tạo sức bật vươn ra thế giới. Có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự lớn mạnh, góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc, tạo ra các giá trị ổn định, bền vững.

Theo Tạp chí Kinh doanh và Tiếp thị