web analytics

Sẽ trình Quốc hội 4 chuyên đề giám sát năm 2023 20/04/2022

(KDTT) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 trong 5 chuyên đề để báo cáo Quốc hội xem xét. Trong các chuyên đề sẽ được trình để Quốc hội chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao có việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Ngày 19/4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao, 2 chuyên đề giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề.

Trên cơ sở đề xuất của 69/77 cơ quan (bao gồm: Hội đồng Dân tộc, 9 ủy ban của Quốc hội, 2 cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 56 đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 để gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình dự kiến 5 chuyên đề để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề giám sát trong năm 2023.

Chuyên đề 1 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2 là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Chuyên đề 3 liên quan thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4 về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Chuyên đề 5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.

Qua thảo luận, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về tổng thể, dự kiến chương trình giám sát năm 2023 như đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội là cơ bản phù hợp, bám sát các quy định, gắn với những vấn đề nổi lên được cử tri và nhân dân quan tâm.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị trong Báo cáo dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có một báo cáo riêng về đánh giá kết quả giám sát năm trước và 6 tháng đầu năm nay để chỉ ra những mặt đạt được và hạn chế, nguyên nhân, kinh nghiệm rút ra trong công tác giám sát; đồng thời đưa ra những dự báo về bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới của năm sau để cung cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cái nhìn tổng thể, từ đó có quyết định lựa chọn chính xác chuyên đề giám sát.

Riêng chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo”, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi giám sát ra lĩnh vực năng lượng nói chung; trong đó giám sát việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đồng thời có nội dung giám sát sâu hơn lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Với chuyên đề thứ 5, một số ý kiến cho rằng, nếu giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020 thì không có nhiều ý nghĩa. Nếu đến năm 2024 thực hiện chuyên đề này thì có thể giám sát luôn các chương trình trọng điểm quốc gia cũng như gói kích cầu được triển khai trong nhiệm kỳ này.

Trên cơ sở tổng hợp lấy phiếu xin ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung giám sát chuyên đề năm 2023, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 trong 5 chuyên đề để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định gồm các chuyên đề 1, 2, 3 và 4. Trong đó, chuyên đề 4 mở rộng diện giám sát ra lĩnh vực năng lượng nói chung.

Bạn đang đọc bài Sẽ trình Quốc hội 4 chuyên đề giám sát năm 2023 tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT