Sáng chế có ứng dụng thực tiễn cao

Giải pháp này được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể hơn giải pháp này là quy trình kỹ thuật đưa hạt lúa giống đã nảy mầm về trạng thái ngủ đông, sau đó lưu trữ đến thời điểm thích hợp để gieo trồng. Vào đầu mỗi mùa vụ trồng lúa, người nông dân thường chuẩn bị ngâm ủ hạt giống, hoàn thiện lại mặt bằng ruộng rồi mới xuống giống. Quy trình truyền thống thường thực hiện theo các bước như: Lựa chọn hạt giống phù hợp – Ngâm – Ủ nảy mầm – Gieo cấy.

Theo đó, khoảng thời gian gieo cấy này rất nhạy cảm, chỉ cần gặp điều kiện thời tiết bất lợi như quá nóng, quá lạnh, hạn hán, úng lụt, hoặc đơn giản là không kịp hoàn thiện mặt bằng cũng đều gây ra bất lợi cho việc xuống giống. Trong khi đó, việc ức chế hạt giống hay kìm hãm sự phát triển của hạt giống tươi chờ thời điểm phù hợp để xuống giống rất khó khăn. Đặc biệt đối với những đơn vị, hộ gia đình sản xuất quy mô lớn. Trong điều kiện tốt cũng chỉ kìm hãm được 2 đến 3 ngày. Dù vậy, việc kìm hãm khi còn tươi ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa giai đoạn đầu (rễ ra chậm, cây lúa khó ngồi xanh và thường bị nghiêng ngả).

Từ một nông trại nhỏ, anh Trường cùng các đồng nghiệp thành lập HTX thanh niên Nam Đại Dương hồi đầu năm 2021, quy mô gần 40 ha. Anh Trường chia sẻ: “Tôi là một người trồng lúa. Có thời điểm diện tích sản xuất lên tới 25ha. Hiện nay, tôi duy trì sản xuất 12ha. Tôi nhận thấy quá trình sản xuất quy mô lớn gặp rất nhiều thách thức. Một trong số đó là việc chuẩn bị lượng giống lớn (quy mô hàng tấn/vụ) đúng thời điểm như đã nói ở trên. Việc xuống giống như thế cần huy động nhân lực và vật lực rất lớn”.

Anh Trường (áo đen) cùng người dân thực nghiệm tại cánh đồng lúa ở xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh NVCC

Để tạo ra hạt giống nảy mầm trước, anh Lương Văn Trường chia sẻ, về cơ bản quy trình này thực hiện các bước thông thường trong quy trình ngâm ủ giống truyền thống với các bước: Lựa chọn nguyên liệu, ngâm ủ.

Điều đặc biệt trong quy trình này là đưa hạt giống đã nảy mầm sau ngâm ủ vào trạng thái ngủ đông bằng cách làm khô trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Điều này giúp hạt giống được bảo quản tốt hơn trong điều kiện bình thường và hồi sinh nhanh chóng khi được gieo trồng trong điều kiện thuận lợi.

Việc sử dụng sản phẩm từ quy trình này giúp người trồng lúa chủ động được hạt giống, lựa chọn được thời điểm gieo trồng phù hợp theo ý kiến chủ quan, tránh được các điều kiện thời tiết bất lợi, giảm rủi ro và tổn thất trong sản xuất, giúp các đơn vị sản xuất giống gia tăng lợi nhuận, kéo dài thời gian sống của sản phẩm trên kênh phân phối.

Có tiềm năng phát triển áp dụng trên mọi vùng miền

Theo đánh giá của các chuyên gia, sáng chế này có thể áp dụng cho mọi vùng miền, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở cả Việt Nam, thế giới và cho nhiều loại hạt giống khác nhau. Công nghệ áp dụng cơ bản theo các phương thức mà một người có hiểu biết thông thường cũng có thể áp dụng, trang thiết bị sẵn có trên thị trường, dễ dàng sản xuất công nghiệp số lượng lớn.

Phương pháp này dựa trên nền tảng quá trình sinh lý tự nhiên của thực vật. Khi gặp điều kiện bất lợi như hạn hán, mầm cây có cơ chế tự nhiên đưa mầm, hạt mầm vào trạng thái ngủ đông để duy trì sự sống của cây. Khi gặp điều kiện thuận lợi nó sẽ hồi sinh trở lại.

Sáng chế đã được sử dụng rộng rãi tại Nam Định. Anh cũng thử nghiệm tại một số tỉnh khác như Thái Bình, Bạc Liêu để đánh giá sự phù hợp của công nghệ với các vùng miền sản xuất khác nhau.

Hiện Việt Nam trồng khoảng 7 triệu ha lúa, với khoảng 700.000 tấn giống mỗi năm. Nếu thực hiện theo quy trình này sẽ tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp trong nước, giúp tiết kiệm hàng triệu công lao động mỗi mùa vụ.

Theo KDPT