web analytics

Sẵn sàng cho năm học đặc biệt 04/09/2021

(KDTT) – Chỉ còn ít ngày nữa năm học 2021-2022 sẽ bắt đầu với lễ khai giảng vào ngày 5/9. Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường năm nay khác lạ khi nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Khai giảng trực tuyến, sách giáo khoa online

Tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam vẫn đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Điều này khiến ngày hội đến trường của học sinh các cấp năm học 2021-2022 trở nên đặc biệt. Ngày học đầu của những đứa trẻ năm nay lên lớp 1 sẽ không còn giống như lời bài hát “Ngày đầu tiên đi học” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, sẽ không còn “Mẹ dắt tay đến trường/Em vừa đi vừa khóc/Mẹ dỗ dành yêu thương”. Thay vào đó, học sinh ngồi ngay ngắn trước màn hình tivi, máy tính, điện thoại thông minh để tham dự lễ khai giảng bằng hình thức trực tuyến.

Học sinh lớp 1 tại Hà Nội học online. Ảnh: Phương Thảo

 

Năm Covid-19 thứ hai, việc học, thi trực tuyến đối với nhiều học sinh không còn xa lạ, tuy nhiên học online ngay từ những ngày đầu bắt đầu năm học mới là lần đầu tiên. Hơn nữa, đây là năm học đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước thực hiện theo theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển sách giáo khoa đến học sinh gặp khó khăn. Vì vậy, sách giáo khoa online được coi là giải pháp tối ưu cho nhiều phụ huynh và học sinh. Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản phải số hóa sách giáo khoa theo dạng PDF gửi đến các nhà trường để nghiên cứu, tập huấn cho giáo viên chuẩn bị cho năm học mới.

Hiện có hai cách để xem sách giáo khoa miễn phí. Đầu tiên, với bản PDF, đại diện nhà trường sẽ gửi tệp để phụ huynh tải về dùng. Việc này tuỳ thuộc vào kế hoạch đào tạo của từng trường, từng địa phương. Cách thứ hai, phụ huynh, học sinh chủ động truy cập vào trang web của Nhà xuất bản Giáo dục ở địa chỉ: hanhtrangso.nxbgd.vn để đọc sách online miễn phí.

Miễn, giảm học phí

Nhằm chia sẻ, hỗ trợ với phụ huynh và học sinh trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, trước thềm năm học mới, một số địa phương đã quyết định miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp, với mức từ 50% – 100%.

Tại Hà Nội, trong năm học 2021-2022, Hà Nội sẽ miễn giảm 50% học phí cả năm cho học sinh các cấp với tổng kinh phí 900 tỉ đồng và sẽ xem xét miễn 100% học phí nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở học kỳ II. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất miễn học phí học kỳ I năm học 2021-2022 nhằm hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông công lập.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh, học sinh các trường công lập và ngoài công lập từ bậc mầm non đến THPT (trừ các trường vốn đầu tư nước ngoài) sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% học phí trong năm học 2021-2022. Theo đó, sẽ có hơn 222.400 học sinh trên địa bàn Quảng Ninh được hưởng lợi từ chính sách này, nguồn kinh phí hỗ trợ trong năm học 2021-2022 sẽ là hơn 138,2 tỉ đồng. Đà Nẵng cũng cho biết sẽ hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập (trừ các trường có vốn đầu tư nước ngoài) trong 9 tháng của năm học 2021-2022. Kinh phí dự kiến hỗ trợ học phí là gần 87,5 tỉ đồng.

Một địa phương khác là Hải Phòng cũng thực hiện miễn học phí cho học sinh các cấp trong năm học 2021-2022. Đối tượng được hỗ trợ 100% học phí là trẻ em mầm non đang thực học tại các cơ sở giáo dục mầm non được thành lập, cấp phép hoạt động; học sinh THCS, THPT và bổ túc có hộ khẩu thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của công an về việc sinh sống thực tế tại Hải Phòng.

Thư ngỏ của thầy, cô giáo Trường THCS Minh Đức, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

 

Có thể thấy, hành động miễn, giảm học phí cho học sinh tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 thể hiện tinh thần nhân văn của ngành Giáo dục dành cho học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, để bảo đảm mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tiếp tục phát động, đẩy mạnh phong trào “Máy tính cho em”, hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến để sẵn sàng cho năm học mới.

Tại Trường THCS Minh Đức, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch thực hiện chương trình “ATM điện thoại thông minh” hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho các học sinh khó khăn khi học trực tuyến trong mùa dịch. Giáo viên của trường đã cùng nhau bàn bạc, trao đổi và thảo luận kỹ lưỡng, cùng nhau đưa ra ý kiến xin điện thoại thông minh cũ, laptop cũ…từ phía các mạnh thường quân, phụ huynh, học sinh hay bất cứ ai. Hay tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), đã gửi thư ngỏ tới toàn thể quý phụ huynh và học viên của trường, quý mạnh thường quân về việc quyên góp máy tính đã qua sử dụng để tặng lại cho học viên có khó khăn của trường. Số máy tính cũ này sẽ được một công ty máy tính tiến hành bảo trì, nâng cấp, sửa chữa và sẽ vận chuyển đến tay học sinh phục vụ cho việc học tập.

Giáo viên nỗ lực, học sinh cố gắng, phụ huynh đồng hành

Để dạy và học trong năm học 2021-2022 đặc biệt này, không chỉ cần sự chuẩn bị kỹ càng về vật lực mà còn là sự đầu tư công sức, thời gian của cả cô và trò cùng với đó là sự đồng cảm thấu hiểu của phụ huynh học sinh. Với bối cảnh hiện nay, thử thách chắc chắn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Để bắt đầu một năm học mới, cần xóa bỏ sự xáo trộn của ngoại cảnh, đặt bớt gánh nặng lo âu xuống. Hãy chuẩn bị tâm thế thoải mái, tự tin bởi vì khi chúng ta hiểu sẽ trưởng thành, mạnh mẽ đối diện với khó khăn, phát huy tinh thần “Chịu thương chịu khó” của người Việt Nam.

Thầy cô giáo tích cực “đổi mới” bản thân, khi nhiều trường học thử nghiệm các ứng dụng dạy học mới, hiện đại nhằm hỗ trợ việc giảng dạy được thuận lợi hơn cho cả thầy và trò trong mùa dịch. Sử dụng các mạng xã hội như Zalo, Facebook để tương tác với học sinh, qua đó các em gặp được bạn bè, làm quen, tương tác và hợp tác học tập tránh sau này khi đi học trực tiếp trở lại các em “không biết mặt bạn bè cùng lớp”. Căn cứ vào đối tượng học sinh, giáo viên cần xác định một tiết học bao nhiêu phút, một buổi học bao nhiêu tiết, xen kẽ giữa các tiết học là tổ chức những hoạt động nào để học sinh đỡ căng thẳng và mệt mỏi.

Đối với học sinh, trong thời gian này tính tự giác cần được nâng cao khi thầy cô giáo không ở bên cạnh giám sát trực tiếp. Cần có không gian học tập riêng biệt, sắp xếp thời gian biểu hợp lý, tách bạch giữa học và chơi. Phụ huynh là cầu nối giữa giáo viên và học sinh. Đặc biệt với học sinh lớp 1 phụ huynh cần phối hợp với giáo viên xây dựng nề nếp học tập, hình thành thói quen tập trung chú ý cho trẻ. Cha mẹ cần chủ động học hỏi nâng cấp năng lực công nghệ thông tin của bản thân để sử dụng và giúp con sử dụng thiết bị an toàn, tìm hiểu thêm về phương pháp sư phạm, cách quản lý cảm xúc và kỷ luật tích cực mà giáo viên vận dụng khi tương tác với con.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã khiến nền giáo dục phải có bước chuyển đổi mạnh mẽ ở mọi mặt. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu điều kiện, phương tiện để học trực tuyến. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, toàn xã hội đang chung tay hành động cùng với ngành Giáo dục vì học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, với truyền thống hiếu học trong suốt hàng ngàn năm văn hiến, giáo viên, học sinh, sinh viên chắc chắn sẽ vượt qua những thử thách này, quyết tâm học tập để làm rạng danh tiên tổ, phụng sự đất nước, đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm châu như lời Bác Hồ căn dặn.

HOÀNG NGA

Bạn đang đọc bài viết Sẵn sàng cho năm học đặc biệt tại chuyên mục Giáo dục
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT