web analytics

Rằm Trung thu, tản mạn xưa và nay! 13/09/2019

(KDTT) – “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”, nhưng đó là trung thu xưa, với đèn ông sao trên tay, với trống, với múa lân, cùng nhau đi quanh các xóm làng, đường phố. Ngày nay, mấy ai còn được thấy những hình ảnh ấy, Trung thu đã rất khác xưa, chợt khiến người ta phải suy ngẫm nhiều điều.

Đêm rằm, khi ánh trăng thu tràn qua mảnh vườn chảy vào sân, tiếng trống lân thùng thình vang lên, tim lũ trẻ lại rạo rực í ới gọi nhau đi chơi. Cái vẻ đẹp của ngày xưa ấy, khiến nhiều người ước muốn được một lần có trong tay tấm vé “đi về tuổi thơ”. Nhưng thực tại vẫn diễn ra theo quy luật tự nhiên của nó, ai cũng phải lớn lên, và mọi thứ đều đổi thay cùng năm tháng. Tết Trung thu thì vẫn còn đó, nhưng có lẽ cái dư vị của ngày xưa dường như đang dần xa vắng, chôn vùi theo thời gian.

Ai cũng chỉ một lần sinh ra, một lần được sống và cũng chỉ một lần trải qua thời thơ ấu. Với trẻ thơ thế hệ 8x, 9x thì không có gì vui sướng hơn là khi mỗi dịp thu về, ngày rằm cầm trên tay chiếc đèn ông sao năm cánh, tung tăng khoe bạn bè. Còn Trung thu nay, với sự phát triển hội nhập kinh tế, lại thật đủ đầy với những món đồ chơi hiện đại, nhiều màu sắc, nhiều âm thanh, những quả bóng bay với những hình hài đáng yêu được thổi căng phồng.

Nhớ những trung thu xưa cùng nhau đi rước đèn phá cỗ

Trung thu xưa là những buổi tối cố gắng học cho xong bài để còn ngồi lại với nhau tập đánh trống, múa lân, rồi cùng làm những chiếc đèn giấy ngộ nghĩnh, bằng đôi bàn tay nhỏ xíu xinh xắn vụng về. Trung thu nay, là ngày mà các bạn nhỏ được mặc những bộ quần áo đẹp, được cha mẹ đưa đến các trung tâm thương mại với những trò chơi thú vị, hấp dẫn.

Trung thu xưa là dịp người ta có thể an tâm chúc nhau bằng những chiếc bánh nhỏ, ngọt bùi, thơm ngậy tượng trưng cho tình cảm, cho sự viên mãn với mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Còn Trung thu nay, người ta lại bị bủa vây bởi nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm, với những trường hợp bị phanh phui như bánh giả hiệu, tồn kho từ năm trước. Không chỉ vậy, bánh trung thu còn mất đi ý nghĩa như một thức quà giản dị ngày rằm, khi có nhiều người lợi dụng ngày này để đút lót, biếu xén, với những loại bánh đắt tiền, có chiếc lên tới hàng triệu đồng.

Trung thu nay dường như chẳng còn ai ngó ngàng đến chị Hằng, chú Cuội; vầng trăng kia có sáng, có tròn đến mấy cũng vẫn lạc lõng giữa những con phố tấp nập, ánh sáng nhân tạo đủ màu sắc, những tiếng hò dô ăn nhậu thật tốn kém và vô duyên. Để rồi sau đêm rằm, các địa điểm công cộng bị biến thành chỗ cho người ta xả rác.

Chỉ sau một đêm, chợ Trung thu đã bị biến thành nơi xả rác công cộng

Chất lượng cuộc sống đi lên, nhu cầu ngày càng tăng cao, và cứ thế Trung thu không còn là Tết của riêng thiếu nhi nữa. Trung thu giờ là Tết của mọi người, chiếc đèn ông sao bằng nan tre ọp ẹp, vài ba viên kẹo lơ lớ ngòn ngọt, đã dần lùi xa vào dĩ vãng.

Dẫu biết rằng, đời sống con người được nâng cao, thì nhu cầu được đáp ứng và cải thiện từng ngày là điều dễ hiểu. Sự đủ đầy về vật chất không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong văn hóa xã hội cũng phản ánh trình độ phát triển của một đất nước. Phải hiện đại, phải tiên tiến mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, tư duy cũng cần đổi mới, chứ không thể mãi quanh quẩn nơi góc sân mảnh vườn. Dẫu biết vậy, nhưng vẫn tiêng tiếc cái hồn nhiên trong trắng ngày xưa, vẫn buồn khi thấy những làng nghề làm đèn ông sao bị bỏ trống, trăn trở day dứt khi hỏi đến sự tích chú Cuội, chị Hằng nhiều bạn nhỏ lại chẳng hề hay biết. Chúng ta phải thừa nhận những giá trị mà sự hiện đại đem lại cho Trung thu, nhưng đổi mới không phải là xóa bỏ cái cũ, không phải là phủ định sạch trơn những giá trị thuần phong mỹ tục, mà phải biết lấy những giá trị đó làm gốc, từ đó phát huy và tôn tạo, làm nên bản sắc dân tộc vừa hiện đại, vừa mang tính truyền thống.

Câu chuyện về những cái Tết Trung thu không chỉ đơn thuần là sự giống và khác nhau qua từng thời kỳ, mà là cả một câu chuyện dài về bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Mọi sự phát triển, đổi mới đều phải trên nền tảng văn hóa đạo đức với tư cách là “bà đỡ” tâm hồn, đó mới là sự phát triển bền vững. Muốn giải quyết được mâu thuẫn này, chúng ta cần cân bằng giữa hội nhập và bảo tồn, mọi hoạt động đều phải tuân theo nguyên tắc “hòa nhập nhưng không hòa tan”, có như vậy, Trung thu mới thực sự trọn vẹn như ý nghĩa vốn có của nó.

Theo KDPT