web analytics

Phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa 20/06/2022

(KDTT) – Sau nhiều lần gửi đăng ký đi tác nghiệp ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà), tôi và một đồng nghiệp của báo vui mừng nhận được văn bản chấp thuận của Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên đồng nghiệp của tôi dù đã vào đến tận quân cảng Cam Ranh nhưng không thể qua vòng khám sức khoẻ kỹ lưỡng của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân nên đành quay về Hà Nội.

Quân dân trên đảo Trường Sa đón chào đoàn công tác đến thăm – Ảnh: Lê Minh.

Phóng viên say sóng, ăn cháo “cầm hơi”

“Cuối năm thường gặp giông bão, hải trình có thể kéo dài đến hơn 20 ngày và chúng ta có thể không về kịp đất liền vào thời khắc giao thừa…”, chỉ huy Lữ đoàn 146 căn dặn anh em phóng viên chuẩn bị tâm lý trước khi lên tàu.

Theo lịch trình, 3 con tàu chở đoàn phóng viên và cán bộ, chiến sĩ thay, thu quân sẽ đến 21 đảo, điểm đảo và 33 điểm đóng quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Tại quân cảng Cam Ranh, sau khi Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức xong Lễ xuất quân tiễn đoàn công tác đi Trường Sa, các tàu đồng loạt kéo vang 3 hồi còi chào tạm biệt đất liền và lần lượt rời cảng. Những cánh tay vẫy chào cùng nhiều lời chúc, căn dặn giữa những người trên tàu và những người đưa tiễn đứng dưới cầu cảng…

Những thế hệ học sinh ở quần đảo Trường Sa cứ thế lớn lên trong vòng tay yêu thương, che chở của gia đình, thầy giáo và các cán bộ chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió – Ảnh: Lê Minh.

Lúc này, anh em phóng viên lên boong tàu, viết vội tin bài kèm hình ảnh gửi về toà soạn. Khi tàu đã đi khá xa so với cửa vịnh Cam Ranh, nước biển sâu sóng lớn, tín hiệu sóng điện thoại cũng yếu dần. Một số đồng nghiệp của tôi dù chưa kịp gửi hình ảnh về toà soạn nhưng cũng phải về phòng bởi lúc này biển động, tàu rung lắc dữ dội.

Bữa cơm tối đầu tiên trên tàu thiếu vài chục người, đặc biệt là 4 phóng viên nữ. Chúng tôi phải thay nhau mang cháo, lương khô đến cho những người bị say sóng, không thể đứng dậy ra khỏi giường. Đêm đầu tiên tàu vượt biển, tiếng đồ rơi vỡ vang lên liên tục, cộng với việc tàu lắc mạnh khiến nhiều người không ngủ được.

Mỗi chú chó trên đảo đều có chiến sĩ chăm nuôi riêng theo phân công, nhưng mọi người thường xuyên cho ăn uống và yêu quý vật nuôi chung này. Người cũ về lại bàn giao cho người mới nuôi – Ảnh: Lê Minh.

Trong chuyến đi, chúng tôi ăn, ở và sinh hoạt theo quy định của quân đội. Buổi sáng báo thức từ 5h, thế nhưng hơn nửa phóng viên vẫn bỏ cơm, ăn cháo. Nhiều người không quen đi biển bị say sóng nên nằm trong phòng cả ngày, uống nước cầm hơi.

Trên tàu có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ ra các đảo thay, thu quân nên những phóng viên đã qua cơn say sóng, tranh thủ tác nghiệp. Có một điều rất dễ nhận ra, nhiều chiến sỹ Trường Sa tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã có một tình yêu rất mãnh liệt với biển đảo.

Nguyễn Tấn Thời (quê Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tự hào: “Nhận tin con làm nhiệm vụ tại đảo, ba má em đi khoe khắp họ hàng, làng xóm. Từ một người tự ti về bản thân, sống trong sự bao bọc của gia đình, giờ em tự tin hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.  Từ một người dễ nổi giận, hay bỏ cuộc giữa chừng em đã định hình được con đường tương lai của bản thân”.

Sức sống nơi đảo xa

Đảo đá lớn B là điểm đầu tiên chúng tôi đến. Buổi sáng hôm đó nhiều phóng viên ngồi ở lan can tàu, hồi hộp, hướng mắt về đảo. Tàu neo cách đảo hơn 1 hải lý nên chúng tôi phải mặc áo mưa, đi dép cao su và dùng túi ni lông bọc thiết bị tác nghiệp để không bị ướt.

Khu vực biển nơi cửa luồng vào đảo sóng đánh rất mạnh nên phải mất hơn 15 phút xuồng mới vào đến nơi. Đón chúng tôi, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đứng 2 hàng ngang ở cầu xuồng, giơ tay thực hiện động tác chào. Ở điểm đảo này, chúng tôi tặng quà, tham quan và tác nghiệp vẻn vẹn trong thời gian 90 phút.

Xúc động hình ảnh quân và dân Trường Sa chia tay đoàn công tác – Ảnh: Lê Minh.

Còn khi đến với thị trấn Trường Sa, nơi được ví là “thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, chúng tôi được ở lại qua đêm ở hòn đảo xinh đẹp, không xe cộ ồn ào, không phố xá nhộn nhịp, không nỗi lo cơm áo gạo tiền…

Rồi đoàn đến từng nhà dân, tỉ tê với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đảo. Bà con xóm giềng và bộ đội nơi đây thân tình như người trong một nhà. Hằng ngày, những người đàn ông vẫn bám biển ra khơi theo nghề chài lưới, còn những người phụ nữ ở nhà cần mẫn vá lưới và trồng rau, nuôi lợn.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, công dân sinh sống trên đảo Trường Sa kể, ngoài tình cảm dành cho người lính họ luôn biết ơn các thầy giáo, những người bảo ban, dạy dỗ tất cả thế hệ học trò nơi đảo xa.  Tuy điều kiện biển đảo còn thiếu thốn so với đất liền nhưng thứ quý giá nhất mà mỗi công dân nhỏ ở Trường Sa nhận được chính là tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, ấm nồng bên cạnh một gia đình lớn có bố mẹ, thầy giáo và bộ đội.

Sư thầy Thích Tuệ Nhân, trụ trì chùa Trường Sa Lớn thỉnh chuông chùa – Ảnh: Lê Minh.

Những năm qua, cả nước chung tay hướng về biển đảo thông qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, nên cuộc sống của người dân thị trấn này đổi thay từng ngày. Máy lọc nước biển được đầu tư khiến câu chuyện thiếu nước ngọt giờ đây không còn là nỗi lo quá lớn đối với những cư dân vùng đảo. Điện cũng đã về đến từng nhà nhờ hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời khiến vùng quê này như bừng sáng. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo, những năm qua, thị trấn Trường Sa được đầu tư đồng bộ nhiều thiết bị y tế  hiện đại chẳng thua gì đất liền. Từ máy X-quang, siêu âm đến việc mổ trực tuyến kết nối với những bệnh viện lớn như Quân y 175, 108… giúp người dân yên tâm sinh sống. Không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho cư dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo, nơi đây còn trở thành “điểm tựa” của những ngư dân đi biển, không ít trường hợp ngư dân gặp hiểm nguy đã được cứu sống kịp thời nhờ các thiết bị chuyên dụng hiện đại với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao tại Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa.

Ở nơi đảo xa, mỗi khi nghe người thân báo tin lành, tin dữ về gia đình, họ mạc, quê hương bản xứ… những người lính và nhân dân trên đảo chọn chốn nương tựa tâm linh là chùa. Những ngư dân đánh bắt cá với hải trình dài ngày trên biển cũng vậy, họ thường viếng thăm chùa, thắp hương cầu nguyện cho những chuyến đi trời yên biển lặng. Chùa còn là nơi những người con xa quê hương cầu nguyện cuộc sống hòa bình, quê hương vững vàng trước mọi bão giông, sóng gió cuộc đời…

Xúc động hình ảnh quân và dân Trường Sa chia tay đoàn công tác – Ảnh: Lê Minh.

Điều đặc biệt của 6 ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa là sảnh chính diện đều hướng về thủ đô Hà Nội.Theo chia sẻ, việc đặt sảnh chính diện hướng về thủ đô Hà Nội có ý nghĩa thiêng liêng là hướng về cội nguồn dân tộc, đồng thời đó cũng như lời tri ân chân thành của quân dân huyện đảo Trường Sa đối với nhân dân Hà Nội. Ngôi chùa cũng được xây dựng nhờ phần lớn kinh phí từ Hà Nội, do nhân dân thủ đô tự nguyện quyên góp.

Tại đảo Đá Lát, nhìn xa xa như hòn non bộ giữa biển khơi, thế mà khi bước chân lên đảo, chúng tôi bắt gặp những chú chó hiền lành cùng đứng “gác” với người chiến sĩ trẻ bên bia chủ quyền.

Xúc động hình ảnh quân và dân Trường Sa chia tay đoàn công tác – Ảnh: Lê Minh.

Trung úy Nguyễn Thành Trung chia sẻ: “Chó là những người bạn thân thương, trung thành với người lính đảo. Ban ngày, chúng vẩn vơ trên cầu tàu, hay lang thang ở bờ cát nhưng đêm về, cả hòn đảo chìm trong thinh lặng, chỉ cần tiếng động rất nhẹ là những chú chó đã vùng dậy, đôi mắt sáng quắc như hai đốm lửa xuyên đêm. Mỗi chú chó đều có tên riêng với những tính cách riêng, chúng khôn và bơi lội rất giỏi”.

Ngoài tính kỷ luật, giác quan vô cùng nhạy bén và tài bơi biển, săn cá thì chó ở Trường Sa luôn dành tình cảm vô điều kiện cho các chiến sĩ. Ngay cả khi đoàn đến thăm, khách chỉ lưu lại một buổi hay vài tiếng và rời đi, đàn chó lại tiễn ra tận mép nước, dõi ánh mắt theo chiếc xuồng ngày càng xa dần…

Giọt nước mắt Trường Sa

Sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển, đoàn công tác trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ niềm hạnh phúc khi được lại gần với biển đảo, gặp những con người nơi đầu sóng, ngọn gió, đến giọt nước mắt chia tay, những tiếc nuối khi không thể đến thăm những người lính tại nhà giàn DK1, dù khoảng cách chỉ còn vài trăm mét. Mọi người chỉ có thể giao lưu với các chiến sĩ nhà giàn qua hệ thống đàm thoại.

Những bài hát, những lời dặn dò, nhắn nhủ qua bộ đàm được hai bên dành cho nhau. Nhiều thành viên trong đoàn đã bật khóc khi nghe giọng hát, lời chia sẻ của các chiến sĩ nhà giàn – Ảnh: Lê Minh.

Những lời dặn dò, nhắn nhủ qua bộ đàm được hai bên dành cho nhau. Nhiều thành viên trong đoàn rơm rớm nước mắt khi nghe giọng hát của các chiến sĩ nhà giàn gửi tặng.

Phút chia tay, từ mạn trái tàu kiểm ngư KN491, mọi người thay nhau nhìn lên nhà giàn qua ống nhòm. Thấy hình ảnh chiến sĩ vẫy lá cờ Tổ quốc hiên ngang từ nhà điểm cao nhà giàn, trong bất giác, nhiều phóng viên ôm nhau bật khóc…

Những bài hát, những lời dặn dò, nhắn nhủ qua bộ đàm được hai bên dành cho nhau. Nhiều thành viên trong đoàn đã bật khóc khi nghe giọng hát, lời chia sẻ của các chiến sĩ nhà giàn – Ảnh: Lê Minh.

Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ phóng viên đã kịp thời thông tin về đời sống quân và dân của huyện Trường Sa đến với nhân dân cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) tâm sự, qua báo chí, những câu chuyện chân thực nhất về Trường Sa được truyền tải tới đất liền, tiếp thêm sức mạnh để những người lính Trường Sa luôn vững chắc tay súng, bảo vệ biển trời của Tổ quốc.

Bạn đang đọc bài Phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa tại chuyên mục Tiêu điểm
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:0369452904.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT