web analytics

Phòng vệ Thương mại: “Lá chắn” bảo vệ doanh nghiệp 04/05/2020

(KDTT)- Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh bảo hộ, xung đột thương mại diễn biến phức tạp trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, rất nhiều hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết quốc tế.

Chủ động ứng phó

Quá trình hội nhập và mở cửa thị trường đang đặt các ngành sản xuất trong nước đứng trước thách thức cạnh tranh đến từ hàng nhập khẩu (NK). Vì vậy, các biện pháp PVTM truyền thống như thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp và tự vệ, chống lẩn tránh PVTM, chống trốn thuế PVTM có xu hướng được sử dụng nhiều hơn, nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, với sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), mâu thuẫn về lợi ích giữa các doanh nghiệp (DN)xuất khẩu (XK) của Việt Nam với ngành sản xuất trong nước tại thị trường NK ngày càng lớn, dẫn đến nguy cơ hàng XK của Việt Nam phải đối mặt thêm nhiều biện pháp PVTM tại một số thị trường XK.

Nhờ nỗ lực của Bộ Công Thương, cá da trơn Việt Nam tiếp tục XK ổn định sang thị trường Hoa Kỳ

Theo Bộ Công Thương, số vụ việc PVTM những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Tính đến hết tháng 3/2020, đã có 167 vụ việc PVTM do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hóa XK của Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU)… Ngược lại, Việt Nam cũng đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc CBPG, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp, bao gồm cả trình Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM, nhằm hỗ trợ DN sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM…

Nhờ đó, 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%; đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, như cá basa, tôm… tiếp tục được XK sang các thị trường lớn Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ kết thúc với kết quả tích cực. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xử lý 2 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO liên quan đến thuế CBPG của Hoa Kỳ đối với cá tra và cá da trơn. Theo đó, Hoa Kỳ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn của Việt Nam đủ điều kiện được XK ổn định sang thị trường này.

Tiếp tục các nhiệm vụ trọng tâm

Để phát huy vai trò của các biện pháp PVTM trong tiến trình hội nhập, Bộ Công Thương đã hoàn thiện về mặt thể chế, cơ sở pháp lý. Như, thành lập Cục PVTM chuyên trách giúp triển khai các hoạt động PVTM. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”; ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Để thực hiện một cách có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg và Nghị quyết số 119/NQ-CP, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM – cho biết, tới đây, công tác PVTM sẽ tiếp tục triển khai. Cụ thể: Đối với điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ quyền lợi của ngành sản xuất trong nước, Cục PVTM sẽ tiếp tục tiến hành điều tra CBPG và đưa ra kết luận trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc có dấu hiệu bị thiệt hai do sự gia tăng của hàng NK.

Để hỗ trợ DN XK bảo vệ lợi ích chính đáng khi ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM do nước ngoài thực hiện, Cục PVTM sẽ hỗ trợ các DN XK ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM tại các thị trường Hoa Kỳ, Canađa, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaixia…

Về công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM, để bảo vệ các DN XK chân chính, Cục PVTM sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg và Nghị quyết 119/NQ-CP.

“Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp sẽ được cập nhật một cách thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm để các cơ quan chức năng có cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm” – ông Trung nêu rõ.

Ông Chu Thắng Trung Phó Cục trưởng Cục PVTM: Cục PVTM sẽ đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, nhằm xây dựng cơ chế giám sát, đảm bảo sự tuân thủ của DN, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của DN XK chân chính.

Theo Báo Công thương