web analytics

Phát triển TP Cần Thơ, tạo sức lan tỏa cho vùng ĐBSCL 24/05/2020

(KDTT) – Cần có một hướng đi mới, thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường cho TP. Cần Thơ trong hiện tại và tương lai, đảm bảo vị thế và vai trò của thành phố không chỉ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà bao quát cho cả tiểu vùng sông Mê Kông. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Đánh giá tại hội thảo “Phát triển bền vững TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức sáng 23/5, ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ chính trị – Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP. Cần Thơ đã thực hiện được những kết quả to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực từ phát triển kinh tế xã hội tới đảm bảo quốc phòng an ninh.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 45 cho thấy, sau 15 năm thực hiện, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ của Cần Thơ đã đạt mức 92,3%; nông nghiệp đạt mức 7,7% trong cơ cấu GRDP năm 2019. Ngành công nghiệp tăng trưởng khá, giai đoạn 2005- 2015 tăng bình quân 15,5/năm; giai đoạn 2016- 2019 tăng khoảng 8%/năm. Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu công nghiệp của thành phố và đang tiếp tục có xu hướng tăng thêm với tỷ trọng lên đến 70- 80% tổng giá trị sản xuất trong toàn ngành công nghiệp của địa phương.

Trong giai đoạn 2014- 2019, tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị của thành phố đạt mức 10,2%/năm; tỷ trọng tổng sản phẩm công nghệ cao, trung bình đạt mức 28%, chiếm tỷ lệ hơn 90% trong tổng giá trị xuất khẩu của thành phố. Cần Thơ luôn nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu trong toàn quốc về công nghệ thông tin (sản xuất phần cứng, phần mềm và nội dung số).

Hội thảo “Phát triển bền vững TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Hằng năm, TP. Cần Thơ đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước. Hiện tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng, gấp 7,1 lần so với năm 2005. Dự kiến đến năm 2020, quy mô GRDP đạt hơn 120.000 tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 97 triệu đồng/năm.

Ông Lê Quang Mạnh – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ – khẳng định: Cơ cấu kinh tế của TP đã được chuyển dịch đúng hướng, đúng chỉ đạo của Nghị quyết 45 đề ra, tức là khu vực kinh tế phi nông nghiệp tăng nhanh, đóng góp của nông nghiệp trong tổng sản phẩm giảm đi.

Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng của TP cũng được đầu tư tương đối đồng bộ, góp phần xây dựng đô thị, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thu hút các nhà đầu tư trong – ngoài nước.

Hướng phát triển mới

Dù đạt được những kết quả tích cực song theo ông Nguyễn Văn Bình, Cần Thơ chưa hoàn thành mục tiêu trở thành TP công nghiệp và trung tâm của vùng ĐBSCL như Nghị quyết 45 đã đề ra. Do đó, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị, phát triển Cần Thơ thì không thể tách rời khỏi vùng ĐBSCL, mà phát triển Cần Thơ phải gắn chặt với cả vùng ĐBSCL, hay nói cách khác Cần Thơ vì ĐBSCL và ĐBSCL vì Cần Thơ. Muốn phát triển thì phải dựa trên nguồn lực nội tại. Mà nguồn lực lớn nhất của Cần Thơ chính là tiềm năng về đất đai nông nghiệp và lao động trong khu vực nông thôn.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng -Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP. Cần Thơ, trong giai đoạn tới, để thể hiện rõ vai trò trung tâm động lực của vùng ĐBSCL, Cần Thơ cần phối hợp chặt chẽ với Trung ương và các địa phương trong vùng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông cần được đồng bộ, chú trọng những dự án mang tính đòn bẩy cho sự phát triển của Cần Thơ và logistics của vùng ĐBSCL.

Về định hướng để Cần Thơ phát triển thời gian tới cho Cần Thơ, ông Trần Quốc Trung – Bí thư Thành ủy Cần Thơ – cho biết, Cần Thơ mong muốn tiếp tục nhận được sư quan tâm của Trung ương, đặc biệt đề nghị Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó xác định mục tiêu, phương hướng và đưa ra cơ chế chính sách, giải pháp mới đột phá thu hút các nguồn lực để xây dựng – phát triển Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân có sức lan tỏa của cả vùng.

Theo Báo Công thương