web analytics

Ông Bùi Sỹ Lợi: Lao động 50 tuổi vẫn có thể nghỉ hưu 22/05/2019

(KDTT) – Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề về Xã hội, người lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu sớm 10 năm.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề về Xã hội trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 21/5 về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu quy định tại dự luật Lao động sửa đổi.

– Là thành viên của cơ quan thẩm tra dự án Luật Lao động sửa đổi, ông thấy đâu là điểm cần lưu ý trong đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu quy định trong dự án Luật Lao động sửa đổi?

– Tăng tuổi nghỉ hưu là thực hiện tinh thần nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để tiệm cận quá trình già hoá dân số. Việt Nam kết thúc thời kỳ dân số vàng từ năm 2011, hiện đã chuyển sang giai đoạn già hoá dân số.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không chỉ tăng nguồn lực cho tương lai mà điều quan trọng để kéo dài thời gian làm việc cho người lao động. Người này tích luỹ quỹ hưu trí tăng lên, khi về hưu, tiền lương hưu cao hơn bình quân bây giờ. Như vậy, chất lượng cuộc sống khi hết tuổi lao động cũng sẽ cao hơn.

Bản chất tuổi nghỉ hưu hiện nay dự thảo đưa ra chỉ có điểm khác là nâng lên đến 62 với nam và 60 với nữ. Nhưng tăng tuổi nghỉ hưu đi theo lộ trình mỗi năm tăng vài tháng chứ không phải tăng ngay trong năm 2021. Theo đó, 15 năm (phương án 1) hoặc 10 năm (phương án 2) người lao động mới nghỉ hưu ở độ tuổi tối đa đó.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề về xã hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

– Tăng tuổi nghỉ hưu được áp dụng cho tất cả lao động hay chỉ dành cho đối tượng nhất định, thưa ông?

– Cơ bản tuổi nghỉ hưu vẫn như gốc của điều 187 Bộ luật Lao động hiện hành, tức là có 3 nhóm nghỉ hưu. Nhóm một, nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi nhưng đó chỉ là người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tức điều kiện tốt, không nặng nhọc, độc hại hay suy giảm khả năng lao động. Đối tượng này chiếm tỷ lệ ít, chủ yếu rơi vào công chức, viên chức và ngành nghề lao động sản xuất kinh doanh nhưng chủ yếu quản lý, hành chính, làm công việc bình thường.

Nhóm 2, người lao động làm việc trong điều kiện bị tác động của quá trình lao động nên suy giảm khả năng lao động đến 61% thì vẫn được nghỉ hưu sớm. Người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vẫn được và lao động đặc biệt khác cũng là đối tượng được nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi. Nhưng nếu người lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kết hợp cùng suy giảm khả năng lao động thì có thể về hưu sớm đến 10 năm, tức nam ở tuổi 50 và nữ dưới 50.

Nhóm thứ 3, những người làm công việc quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao và trường hợp đặc biệt thì Chính phủ quy định kéo dài thời gian nhưng không quá 5 tuổi, tức nam không quá 67, nữ không quá 65.

Do đó không phải cứ nói nâng tuổi nghỉ hưu là ai cũng phải tăng thời gian làm việc. Vấn đề này cần tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ. Vì vậy, tôi rất muốn Chính phủ kèm theo quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phân theo 3 nhóm có các danh mục ngành nghề, lĩnh vực nào được giảm tuổi nghỉ hưu, để người lao động nhìn vào thấy được mình có thuộc diện đó hay không.

Chính phủ cũng cần đánh giá tác động xem nhóm nào là nhóm được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhóm nào phải giảm tuổi đi. Đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh bộ luật cần phải được lấy ý kiến chứ không riêng công chức, viên chức hay người lao động vì ba nhóm này xung đột với nhau. Người lao động trực tiếp luôn muốn giảm tuổi nghỉ hưu, làm việc hành chính sự nghiệp, khu vực công lại muốn nâng tuổi nghỉ hưu. Cơ quan soạn thảo phải hài hoà lợi ích chung của người lao động.

– Khi xây dựng danh mục ngành nghề được quyền nghỉ hưu sớm như ông nói, Chính phủ phải làm sao để bao quát hết, trong khi đó các ngành đều đòi đặc thù riêng?

– Đó là bài toán đòi hỏi Chính phủ phải giải quyết. Theo tôi, Chính phủ phải giao Bộ Lao động, Y tế xác định đâu là ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động, đâu là ngành nghề bị tác động bởi yếu tố điều kiện lao động, ảnh hưởng sức khoẻ mà không thể kéo dài thêm thời gian lao động.

Tuy nhiên, danh mục này phải được rà soát, cập nhật thường xuyên. Sau một thời gian, nếu ngành nào được cải thiện điều kiện lao động, không còn độc hại nguy hiểm thì có thể cho ra khỏi danh sách, đưa vào nhóm lao động bình thường và ngược lại. Danh mục này do Chính phủ chuẩn bị và có thể giao Thủ tướng công bố, hoặc báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất công bố mà không cần phải sửa luật.

Hiện nay, thời gian dự luật đăng tải trên wbesite để lấy ý kiến nhân dân chưa hết nên Chính phủ vẫn có thời gian để tiếp thu toàn diện, để vòng 2 ra Quốc hội thông qua sẽ có đẩy đủ danh mục ngành nghề tăng, giảm tuổi nghỉ hưu.

– Cả hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu đều “thiết kế” mỗi năm tăng vài tháng. Theo ông, vì sao có thời gian ngắn ngủi này?

– Chính phủ đưa ra hai phương án, tôi thấy chưa thể nói theo phương án nào vì đi theo 2 lộ trình và bản chất giống nhau. Vấn đề là phải trả lời được câu hỏi: Tại sao nam phải 62, nữ 60 mà không thực hiện bình đẳng giới? Tại sao không để sau 5 năm nâng một tuổi, sau 10 năm nâng 2 tuổi để dễ tính toán. Chính phủ nói đi theo lộ trình này là nhằm giảm sốc của thị trường lao động, điều này là đúng nhưng ảnh hưởng nhiều vấn đề khác, như bảo hiểm xã hội.

Đến 2021, tôi tròn 60 tuổi, làm thêm 3 tháng thì liệu 3 tháng của tôi có hiệu quả không, năng suất tốt không? Điều này cũng cần lấy ý kiến tất cả đối tượng để có phương án đúng.

– Khi tăng tuổi nghỉ hưu, lương của người lao động có được tính toán như thế nào?

– Khi làm việc nhiều thời gian hơn, tiền đóng quỹ bảo hiểm xã hội nhiều hơn thì tiền lương hưu cũng sẽ tăng thêm. Chính phủ đang hướng đến tiền lương của khu vực công và tư đều tính bình quân cho cả quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện tại, khu vực tư lương hưu tính bình quân cả quá trình, còn khu vực công là bình quân của 8 năm, 10 năm.

Nếu mỗi người tham gia Bảo hiểm xã hội đều có tài khoản cá nhân về tham gia quỹ hưu trí, theo dõi minh bạch, cộng với đầu tư tăng trưởng quỹ thì đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp.

Những người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà về hưu sớm thì luật sẽ xử lý theo hướng tiền lương cũng phải tương ứng để đảm bảo cuộc sống. Còn lao động bình thường, anh về thì bắt buộc đóng đủ bảo hiểm, về sớm hơn thì dứt khoát phải trừ lương hưu.

Phương án tăng tuổi nghỉ hưu Bộ Lao động đề xuất.

                                                                                                                                                             Theo VNE