web analytics

Nông dân Bạc Liêu “thắng lớn” nhờ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 21/08/2020

(KDTT) – Hiện nay, ngành nông nghiệp nuôi tôm ở Bạc Liêu đang được nhân rộng theo hình thức nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, chất lượng tôm nuôi được kiểm soát tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Mô hình này dần lan tỏa và được tỉnh khuyến khích người dân ứng dụng để thúc đẩy phát triển ngành tôm ở địa phương, xứng đáng là “thủ phủ” tôm của cả nước.

Nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi đem lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi tôm thả vuông truyền thống.

Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và mô hình tôm – lúa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2019, toàn tỉnh có 1.845 ha áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (STC) như: mô hình 2 giai đoạn, mô hình nuôi hồ tròn… Trong đó, có 13 công ty và 2 đơn vị sự nghiệp nuôi với hơn 950ha, và 324 hộ dân nuôi với hơn 895ha. Mô hình nuôi tôm STC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, dao động từ 1-1,6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận các mô hình STC dao động từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Trước những lợi thế, tiềm năng hiện có, mô hình nuôi tôm STC đã mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển nghề nuôi tôm tại Bạc Liêu. Nhiều công nghệ nuôi tôm mới được hình thành và thay thế dần những công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, những năm gần đây, tỉnh khuyến khích phát triển nuôi tôm siêu thâm canh nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan, bệnh dịch, tiết kiệm chi phí đầu vào, hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm. Năm 2019, Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi tôm là 140.000 ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh 1.845 ha, diện tích mặt nước nuôi 185,22 ha, với 1.575 ao/hồ nuôi (1.335 ao lót bạt và 240 hồ nổi tròn).

Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hồ nổi tròn đạt tỷ lệ sống từ 90 – 95%, hạn chế được bệnh dịch xâm nhập vào khu nuôi do hạn chế bơm nước mới trực tiếp từ sông, rạch vào, cũng như bơm xả ra môi trường bên ngoài, góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ở mô hình này không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, do đó, ít tác động xấu đến môi trường, tạo môi trường ao nuôi an toàn cho tôm phát triển, hạn chế bệnh dịch.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, giúp kiểm soát tốt chất lượng tôm nuôi, đạt tỷ lệ sống từ 90-95%.

Theo anh Thành, mô hình nuôi tôm công nghệ cao này nhằm tiến tới mục tiêu cốt lõi là tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường. Khi thực hiện đúng quy trình nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tôm sẽ có tỷ lệ sống cao, có thể tái sử dụng nước nuôi cũ, sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng xuất khẩu, có thể nhân rộng cho các hộ nuôi tôm quy mô vừa và nhỏ. Anh Phạm Tiến Thành (ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những người nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình nuôi trong bể nổi thành công cho biết: Với tổng diện tích nuôi 3,6 ha gồm 4 hồ nuôi chính, mỗi hồ rộng 500 m2, tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mỗi vụ anh lời từ 100-400 triệu đồng. Cách nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao này giúp giảm thiểu rủi go cho người nuôi nên cho có tính bền vững cao.

MỸ HUYỀN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn KDPT