web analytics

Nối tiếp những ngọn lửa nhiệt huyết của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu 27/01/2022

(KDTT) – Trước sự ra đi của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, người có đóng góp lớn trong việc thành lập Viện Vật lý – Viện Khoa học Việt Nam, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Shinec đã có những chia sẻ về cơ duyên đưa ông gặp Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, người đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho ông trong việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế.

Sự cảm phục một con người

Khi tôi gặp giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu ấn tượng đầu tiên là tuy tuổi đã cao nhưng Viện sĩ vẫn còn rất nhanh nhẹn, say sưa về những công việc mình đang làm cho khoa học. Đặc biệt, Viện sĩ nói với tôi, là một nhà khoa học lĩnh vực vật lý điện tử nhưng bây giờ môi trường đang bị suy thoái nghiêm trọng, vì vậy ông phải đưa các đề tài khoa học môi trường gắn với vấn đề xã hội để nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của con người xã hội để có ý thức bảo vệ môi trường và đặc biệt phải truyền cảm hứng ăn sâu vào ý thức thế hệ trẻ. Cống hiến cho khoa học môi trường, để cho tương lai đất nước giàu đẹp… Đó là điều mà Viện sĩ mong mỏi tới lúc cuối đời. Lời tậm sự của Viện sĩ tác động vào tôi rất nhiều, tại sao một Viện sĩ cao tuổi lại có tinh thần làm việc và cống hiến hết mình cho cộng đồng như vậy? Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay ra sao khi mà đi đến đâu rác thải nhựa, rác thải nông thôn còn chất đống và luôn ô nhiễm ít có biện pháp xử lý? Trong khi Viện sĩ đã đi khắp đất nước từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên, dọc theo các tỉnh miền Trung lên Tây Bắc và xuống miền biển… đi đâu Viện sĩ cũng đưa đề tài xây dựng khu dân cư xanh, môi trường xanh sạch đẹp… và hướng dẫn nhiệt tình các nơi làm để giảm phát thải. Viện sĩ tâm sự về mong muốn của ông, nhưng khi đó chưa thực hiện thành công. Như vậy lĩnh vực môi trường để có  được thành công là rất khó. Đó là sự cảm phục của tôi về một con người, một Giáo sư, Viện sĩ luôn tìm tòi học hỏi và cống hiến cho xã hội.

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp (phải) và Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Với con người luôn nhiệt huyết cống hiến cả đời cho khoa học và luôn tìm kiếm những đề tài mới, đề tài khó để làm nhưng lại có tính cộng đồng xã hội rất cao. Tôi lấy ví dụ về theo dõi làm việc tại xã Phục Lễ (huyện Thuỷ Nguyên – Hải Phòng) thực hiện dự án xây dựng khu dân cư xanh, Viện sĩ đã đến từng nhà, thăm từng mô hình, hỏi xem bà con nhân dân đã học thuộc, đã có ý thức thu gom rác thải chưa, có quyết tâm là xanh sạch đẹp cho quê hương không, và hiểu được lợi ích của việc làm bảo vệ môi trường này không… Từng chi tiết đã làm cho bà con nhân dân cảm động và đặt ra câu hỏi: cụ ơi, cụ già thế này rồi cụ còn đi kiểm tra hướng dẫn mọi người làm để làm gì… Viện sĩ đáp, tôi chỉ muốn cho mọi người được sống và hưởng môi trường sạch sẽ đơn giản chỉ có như vậy… Cảm xúc mãnh liệt nhất và kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi đã làm hoàn thành công trình khu dân cư xanh trên diện rộng 5 xã tại huyện Thuỷ Nguyên. Đến khi về thẩm định và nghiệm thu, đứng trước hàng ngàn nhân dân trong hội trường, Viện sĩ phát biểu và đã khóc. Ông nói, đây là sự thành công ngoài mong đợi, tôi rất mong bà con hãy duy trì và truyền lại cho con cháu giữ được môi trường sống của mình. Cả quãng đời còn lại, tôi sẽ chỉ theo khoa học môi trường này bà con nhé. Giọng Viện sĩ rung lên và lấy khăn lau nước mắt, giọt nước mắt của người làm khoa học khi nhìn thấy thành quả, đó là ấn tượng sâu sắc nhất mà đến này tôi còn ghi nhớ mãi.

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp và Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu trong khuôn viên Vườn Hạnh phúc của Công ty cổ phần Shinec.

Người trao truyền ngọn lửa nhiệt huyết

Tôi làm đề tài theo gợi ý của Giáo sư, Viện sĩ trong hai năm và hai năm đó là sự quyết tâm cao, đổ bao công sức, không kể tài chính để đam mê thực hiện thành công ý tưởng của Viện sĩ. Tôi đã phải gặp nhiều giáo sư đầu ngành của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam trên các lĩnh vực Hoá, vi sinh, công nghệ môi trường để có được các vi sinh, các loại men vi sinh để áp dụng cho phân huỷ hết rác thải hữu cơ để làm thành phân hữu cơ dùng bón cho cây trồng, dùng phân hữu cơ kết hợp với phân bò để nuôi giun quế đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông nghiệp. Rồi tái sử dụng chất thải rắn để thành nguyên liệu cho sản xuất… Tất cả các chất thải sinh hoạt được xử lý một cách triệt để khoa học. Muốn làm được việc này cần mất rất nhiều công sức từ việc biên soạn nội dung hướng dẫn cách làm dễ hiểu phát cho bà con nhân dân, các buổi thuyết trình cho chính quyền các xã, các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, lấy tổ chức đoàn thanh niên làm nòng cốt đi đầu trong việc thực hiện… Rất nhiều buổi giảng chi tiết cho các tầng lớp nhân dân và đi vào từng nhà dân để hướng dẫn bắt tay chỉ việc. Kiên trì không quản ngại khó khăn cả về tài chính lẫn tinh thần lăn xả và Giáo sư, Viện sĩ đã nói, tôi không ngờ một doanh nhân Hải Phòng lại quyết tâm làm được một cách khoa học, bài bản đi vào lòng dân để nhân dân đồng thuận thực hiện rồi các chủng vi sinh của viện hàn lâm khoa học việt nam nghiên cứu bao lâu nay được đem thực nghiệm thành công với phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt không gây ô nhiễm môi trường. Chỉ cần câu động viên như vậy thôi mọi sự mệt mỏi tan biến đi đâu mất.

Đối với một công trình khoa học mà được dựa trên tính thực tiễn khách quan, áp dụng thành công để từ đó đúc kết thành chính sách pháp luật để mọi người thực hiện, sau khi đề tài thành công, tôi đã trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và thư ký của Viện sĩ là anh Nguyễn Văn Trung tôi đã tổng kết viết đề tài thành sách dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng và in thành sách tài liệu để có thể tặng cho mỗi xã ở Việt Nam hai cuốn để các xã phường tự áp dụng và triển khai theo mô hình xây dựng khu dân cư xanh như vậy sẽ phải in phát hành khoảng 60 ngàn cuốn. Việc này mới nằm trong đề án mà chúng tôi còn ấp ủ (chưa thực hiện được) bởi có nhiều ý kiến về quy hoạch, luật pháp, và tập quán sinh hoạt của từng địa phương. Rất may, đến nay Luật Môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua và áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây là kim chỉ nam để áp dụng đề tài xây dựng khu chung cư xanh mà tôi đã được Giải Đặc biệt xuất sắc năm 2014 Nhân tài Đất Việt về môi trường, tôi hy vọng tấm gương và những điều nhắn nhủ của Viện sĩ, tôi sẽ tiếp tục làm, thực hiện để góp phần thay đổi hành vi của xã hội về ứng xử và ý thức bảo vệ môi trường.

Sau khi tôi giành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt Năm 2014, Giáo sư tiếp tục dành cho tôi nhiều tình cảm chân tình như khuyến khích tôi làm luận án tiến sĩ về môi trường (cho đến nay tôi chưa theo được) khuyến khích tôi xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp, hiện thực hoá một số công trình nghiên cứu của các giáo sư trong viện hoá học, viện sinh học để sản xuất ra sản phẩm phục vụ đời sống… và có rất nhiều buổi trò chuyện mà Giáo sư là người luôn nhắc tôi làm gì cũng phải đam mê mới có thành quả. Năm 2020 tôi nhận được giải thưởng 1 trong 10 cá nhân suất sắc về lĩnh vực môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng.

Là một doanh nhân hoạt động về kinh tế nhưng tôi luôn bám sát với lời chỉ dẫn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo Sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu phát triển kinh doanh gắn chặt với bảo vệ môi trường. Tôi hy vọng là người tiếp lửa của các bậc tiền nhân về ý thức bảo vệ môi trường tôi sẽ thực hiện tốt các di nguyện của Viện sĩ và phấn đấu hơn nữa trên con đường nghiên cứu khoa học theo đúng nghĩa “thực làm thực học”.
Giáo Sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã đi xa, nhưng trong tôi vẫn còn lửa của người, cầu cho người nơi vĩnh hằng được an lạc.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938 tại Cầu Đơ nay thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng. Năm 1956, khi 18 tuổi, ông tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, được điều về giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ở tuổi 30, ông được công nhận chức danh Giáo sư Vật lý lý thuyết và Vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomonosov.

Năm 1969, ông trở về Việt Nam và trở thành người có đóng góp lớn trong việc thành lập Viện Vật lý – Viện Khoa học Việt Nam. Trong 60 năm hoạt động, ông từng đảm nhiệm các vị trí Viện trưởng Viện Vật lý, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Ông được Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ 3 phong hàm viện sĩ. Ông cũng là đại biểu Quốc hội nhiều khóa.

Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng về khoa học có uy tín ở trong nước cũng như trên thế giới (Giải thưởng Lê nin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và kỹ thuật năm 1996…), được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất (năm 2009), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (năm 2010).

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã từ trần ngày 23/1/2022 tại Hà Nội.

 

Bạn đang đọc bài Nối tiếp những ngọn lửa nhiệt huyết của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu
tại chuyên mục Doanh nhân thời cuộc.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT