web analytics

Nơi gửi những vui buồn ở đoạn kết cuộc đời 13/08/2019

(KDTT) – Theo số liệu Tổng cục Thống kê, nước ta chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2017. Báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) cũng nhấn mạnh, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam tương đối nhanh, tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn có xu hướng gia tăng. Vì thế, nhà dưỡng lão đang là sự lựa chọn tốt nhất cho lớp người tuổi xế chiều.

Bài 1:
Nhà dưỡng lão – quan niệm văn minh về chữ “hiếu”

Quan niệm truyền thống văn hóa phương đông luôn đề cao và coi trọng việc phụng dưỡng cha mẹ – đó được xem là chữ “hiếu” của đạo làm con. Nhưng ngày nay, khi cuộc sống hối hả trong vòng quay sinh kế xô bồ, công việc bận rộn, con cái không có nhiều quỹ thời gian để chăm sóc tốt nhất cho cha mẹ, họ đành làm tròn chữ “hiếu” bằng các dịch vụ dưỡng lão tối ưu. Cũng không ít người hiếm nơi nương tựa, cả đời hiu quạnh, họ chọn giải pháp tích lũy tiền của, để gửi đoạn kết đời mình vào những “nhà trẻ cao niên” ấy.

Ở các nước phát triển, việc chăm sóc người cao tuổi thông qua mô hình nhà dưỡng lão đã có từ rất lâu, nó trở thành nhu cầu xã hội tất yếu, mang tính quan hệ hữu cơ của một bộ phận giai cấp, để giúp người già có môi trường sống an lành, thân thiện hòa đồng. Như tại Nhật Bản, nhà dưỡng lão được coi là loại hình cư trú độc lập, có hệ thống tiêu chuẩn thiết kế riêng, kèm theo những điều kiện bắt buộc về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Khuôn viên của một nhà dưỡng lão.

Tại Việt nam, khái niệm “nhà dưỡng lão” đã xuất hiện vài năm gần đây, tuy nhiên mô hình hoạt động và cách thức vận hành chưa được hiểu rõ ràng. Có người coi nhà dưỡng lão giống một trung tâm điều dưỡng, có người lại nghĩ như một nơi an hưởng tuổi già… Tựu trung, “nhà dưỡng lão” định nghĩa nôm na là mô hình nhà ở, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi.

Theo một báo cáo nghiên cứu của nhóm giảng viên Khoa Kiến Trúc và Quy hoạch đô thị (Trường Đại học Xây dựng), mô hình các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay có thể chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các cơ sở do cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức, xây dựng. Các cơ sở này vận hành theo mô hình kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có lợi nhuận để tự duy trì hoạt động. Trung tâm dưỡng lão Thiên Phúc do ông Nguyễn Tuấn Ngọc thành lập năm 2001, hiện là một trong những mô hình nhà dưỡng lão tương đối thành công. Tuy nhiên đa phần các cơ sở này đều gặp khó khăn nhất định, do chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đầy đủ và triệt để, việc thuê đất cũng như hỗ trợ vay vốn còn gặp nhiều khó khăn. Nhóm thứ hai là các cơ sở dưỡng lão từ thiện, do cá nhân hoặc tổ chức tôn giáo như nhà chùa, giáo hội đứng ra thành lập. Các cơ sở này hoạt động theo mô hình thiện nguyện, nguồn kinh phí từ sự đóng góp của doanh nghiệp, nhà hảo tâm nên cơ sở vật chất thường không khang trang, diện tích nhỏ, chủ yếu nuôi dưỡng những người cao tuổi cô đơn, không người thân thích, lang thang, cơ nhỡ… Nhóm thứ ba gồm các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công, người cao tuổi thuộc diện chính sách do nhà nước đứng ra bảo trợ. Các cơ sở này có cơ ngơi khang trang, được nhà nước hỗ trợ về kinh phí lẫn chính sách, tuy nhiên số lượng cơ sở diện này còn ít, hình thức chăm sóc, điều dưỡng luân phiên chứ không nuôi dưỡng suốt đời.

Trong xã hội phương đông nói chung và tại Việt Nam nói riêng, do truyền thống văn hóa cũng như quan niệm về đạo đức, luôn xác định trách nhiệm của con cái là phải chăm lo phụng dưỡng cha mẹ. Cùng với đó, trong phạm vi gia đình thì giữa các thành viên luôn có sợi dây liên kết tình cảm, ông bà muốn được ở gần con cháu, nên việc đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão phần đông bị coi là việc làm chưa trọn đạo. Do vậy, nhà dưỡng lão thường chỉ được coi như nơi ở tạm của người cao tuổi trong một số hoàn cảnh bắt buộc, chứ số đông người già không xác định đó là chỗ ở lâu dài. Tuy nhiên hiện nay, áp lực công việc ngày càng gia tăng, những người đang trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong nhà bị hạn chế quỹ thời gian dành cho gia đình, nên nhu cầu chăm sóc người cao tuổi trở nên cần thiết đối với họ.

Người cao tuổi ngâm chân thảo mộc tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Hiện nay ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều nhà dưỡng lão, có thể đáp ứng việc nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe, là nơi sinh hoạt cộng đồng thiết thực đối với người già. Qua thực tế tìm hiểu của phóng viên Kinh doanh và Phát triển, nhận thấy việc xuất hiện các trung tâm dưỡng lão tư nhân này, trước hết đều xuất phát từ nhu cầu cá nhân của chính những người sáng lập, họ cần chăm sóc người thân mà không tìm được nơi nào phù hợp; đưa vào bệnh viện thì tốn kém chi phí, mà vẫn mất thời gian trực tiếp trông nom, chăm sóc, hoặc phải thuê người giúp việc thì lại không có kiến thức cơ bản như đo huyết áp, xoa bóp bấm huyệt và một số nhu cầu khác chỉ có ở tuổi già. Thời gian đầu mới mở, hầu hết trung tâm đều rơi vào tình trạng “ế ẩm”, khan hiếm khách hàng, do mọi người còn khá lạ lẫm với mô hình. Song, qua quá trình hoạt động, với chất lượng phục vụ và chính những thông tin từ người được chăm sóc trong các trung tâm, “tiếng lành” lan rộng, dần dần số lượng khách hàng tìm đến ngày một tăng. Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, khi đưa vào hoạt động năm 2014 chỉ có vài người, đến nay số lượng người cao tuổi ở đây đã tăng lên hơn 100 người. Mới đây, trung tâm phải mở thêm một cơ sở mới, quy mô rộng hơn và khang trang hơn. Hay như Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức, khi mới hoạt động, cả năm chỉ chăm sóc và nuôi dưỡng hai cụ già, nhưng hiện nay số lượng lên đến hàng trăm người.

Theo ông Đỗ Trần Hồ Thắng – Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, trải qua quá trình hình thành, phát triển của trung tâm, dựa trên thực tiễn xã hội, thì nhận thức hiện nay về vấn đề này đã thay đổi nhiều. Tìm hiểu, tiếp xúc với các gia đình cho thấy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là rất lớn; và Hà Nội là một trong số ít những thành phố có các trung tâm dưỡng lão. Hiện trung tâm có đông người cao tuổi, thuộc mọi thành phần, đến từ các tỉnh, thành như Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng… Chúng tôi phân chia các cụ theo từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người, để chăm sóc tiện lợi nhất.

Đưa cha mẹ mình vào các trung tâm dưỡng lão đang là sự lựa chọn của nhiều gia đình, người già được hòa nhập môi trường phù hợp độ tuổi và tinh thần, được theo dõi, thăm khám định kỳ, với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với bệnh viện. Nơi đây, các cụ dễ đồng cảm, chia sẻ, tâm sự cùng nhau; trong khi, con cái họ cũng yên tâm tập trung công việc, phấn đấu sự nghiệp của mình.

Báo hiếu cho cha mẹ luôn là truyền thống đạo đức của văn hóa phương đông, và để báo hiếu một cách thiết thực, đó là sự chăm sóc tận tụy, quan tâm đến sức khỏe, tâm lý tuổi già, giúp họ cảm thấy mạnh khỏe, lạc quan. Nhưng phải bỏ bê công việc, ảnh hưởng công danh, tiền tài, dẫn đến suy kiệt, không gánh vác nổi gia đình, thì cũng không thể làm tròn chữ “hiếu”. Nhìn từ góc độ xã hội, mô hình nhà dưỡng lão ra đời, góp phần làm cho quan niệm chữ “hiếu” được thể hiện văn minh hơn.

Bài 2: Giải bài toán cơ chế cho mô hình dưỡng lão

Trường Minh
Nguồn KDPT