web analytics

Nỗi đau ấy, chưa bao giờ nguôi! 31/07/2019

(KDTT) – Hơn 40 năm trôi qua, không còn tiếng bom đạn gầm vang, không còn sự chết chóc đau thương và cuộc sống trở về với sự bình yên vốn có. Vậy nhưng, ở đâu đó trên dải đất hình chữ S, vẫn còn những con người đang âm thầm chiến đấu, chiến đấu với những vết tích của chiến tranh, với nỗi đau của chính mình…

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Mùa xuân năm 1985, chàng trai Hoàng Văn Huê ở cái tuổi đôi mươi, vẫn còn dang dở bao ước mơ, hoài bão, đành “xếp bút nghiên, chiến đấu vì một màu cờ”, màu cờ đỏ tươi đã thấm máu của chiến sĩ, đồng đội và đồng bào, chiến đấu vì độc lập tự do, vì đồng bào miền Nam thân yêu. Người lính trẻ năm ấy tạm biệt quê nhà Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội), nhập ngũ theo đơn vị 427/23-F/320B đoàn 2305 vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Dành cả tuổi xanh cho sự nghiệp cứu quốc, những người lính Bộ đội Cụ Hồ chưa từng giây phút nào nghĩ cho bản thân, cho hạnh phúc cá nhân, bởi các anh biết, mang trên vai mình là đất nước, là trách nhiệm cao cả và thiêng liêng của người chiến sĩ cách mạng.

Nhớ lại những năm tháng đau thương, hào hùng, khóe mắt ông Huê chợt nhòe đi.

Đó là những tháng năm ác liệt nhất của cuộc chiến, đế quốc Mỹ đã biến Việt Nam thành một “phòng thí nghiệm”, chúng đem đi-ô-xin – loại chất diệt cỏ được xếp vào hàng độc hại nhất thế giới để rải xuống, nhằm làm tiêu hao lực lượng của bộ đội ta. Thứ chất độc giết người ấy đã cướp đi bao sinh mạng người dân vô tội, khiến con người phải sống trong đau đớn, vật vã. Khóe mắt người lính quả cảm năm nào ướt nhòe, kể cho tôi nghe về những năm tháng đau thương mà hào hùng ấy: “Giặc Mỹ rải bom, đánh sập hầm của ta, nhiều đồng chí đã mắc kẹt mà hy sinh. Còn chúng tôi, may mắn sống sót cũng bị chúng áp giải về nhà tù Phú Quốc. Bốn năm trong cái chốn “địa ngục trần gian” ấy, bị hành hạ, tra tấn, đánh đập nhưng anh em vẫn động viên nhau phải thật kiên cường, nhất định không chịu khuất phục mà khai bất cứ thông tin gì. Có lần tôi tìm cách trốn chạy ra bìa rừng, nhưng lại bị chúng bắt được, đem về đánh, trói cả chân tay, ném ra giữa sân nắng rồi bỏ đói; cứ bảy ngày chúng đem nước đến dội cho tỉnh, rồi để tôi nằm đó. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ về Tổ quốc thân yêu  đang trong cảnh khói bom, về hình ảnh mẹ già, về những người đồng chí đã trở thành động lực giúp tôi vượt qua những tháng ngày đau đớn. Xót thay, nhiều đồng chí ngày đó đã hi sinh và nằm lại với đất…”.

Giờ đây, khi không còn nữa những màn tra tấn man rợ, những tiếng gầm vang của đạn bom, thay vào đó là sự bình yên, nhưng xúc cảm lâng lâng của ngày chiến thắng trở về, chưa giây phút nào được trọn vẹn, khi mảnh ghép kí ức chiến tranh vẫn còn hằn sâu, ám ảnh hàng ngày trong trí nghĩ của người lính đã từng xông pha trận mạc.

Ngày trở về

Sau khi Hiệp định Paris được kí kết vào tháng 3 năm 1973, thực hiện trao trả tù binh theo tinh thần Hiệp định, ông Huê trở về quê nhà. Người lính từng đi qua cuộc chiến mang trên mình đầy thương tích, đó là bệnh trầm cảm do ảnh hưởng những năm tháng tù đày, bị chấn thương sọ não, và đau đớn hơn là thứ chất độc màu da cam, giờ đây đã ngấm sâu vào cơ thể yếu ớt của người chiến sĩ kiên cường năm nào.

Ông Huê được xác định là thương binh ¼, hạng đặc biệt, thiệt hại 91% sức khỏe, phải cắt 2/3 dạ dày, chứng tâm thần rối loạn, viêm loét giác mạc phải mổ cả hai mắt và bệnh phổi mãn tính luôn tái phát mỗi khi trái gió trở trời. Ai gặp ông lần đầu, chắc chắn đều nghĩ rằng, ông không thể là một thương binh nặng, vậy nhưng phía sau dáng dấp người đàn ông vẫn có thể tự đạp xe ra đón chúng tôi ấy, vẫn có một bàn tay khác luôn ân cần chăm sóc, đó là người phụ nữ đảm đang – vợ ông.

Ông Huê may mắn được trở về trong vòng tay yêu thương và chăm sóc của vợ.

Kể cho chúng tôi nghe nhiều điều mà ông Huê không còn nhớ rõ, bà Ứng Thị Thanh Tâm, vợ ông, bùi ngùi: “Thời gian đầu mới trở về, có những đêm ông ấy tỉnh giấc, đột nhiên bật dậy hô “Xung phong!”. Khi ấy, hai đầu gối của ông lúc nào cũng sưng tấy, do bị va đập vì thần kinh không ổn định”. Với tình yêu thương vô bờ, người phụ nữ ấy đã chấp nhận kết duyên cùng ông, khi đã biết ông mang trong mình nhiều căn bệnh quá ác. Ngày ngày, bà chăm sóc ông từ bữa ăn đến giấc ngủ, thủ thỉ kể chuyện thời chiến, giúp ông dần lấy lại trí nhớ, thoát khỏi căn bệnh trầm cảm, đưa ông về với cuộc sống đời thường, hòa nhập xã hội, cộng đồng.

Bà Tâm vẫn chấp nhận lấy ông Huê, ngay cả khi biết ông mang nhiều căn bệnh quái ác.

Tháng năm đằng đẵng, người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy vẫn miệt mài giúp chồng phục hồi sức khỏe, dù có những lúc bệnh viện từ chối điều trị, tưởng không còn hy vọng. Bà bòn mót, làm đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình, thế nhưng dù cho có tỉnh lại, “ông vẫn chỉ như cái bóng để bà an tâm dựa vào, để có thêm động lực tiếp tục đương đầu với những khó khăn đang chờ phía trước…”, bà Tâm nghẹn ngào.

Nỗi đau ở lại

Cuộc đời dường như quá nghiệt ngã với người phụ nữ nghị lực và mạnh mẽ như bà Tâm, khi thứ chất độc màu da cam đã nhiễm vào mảnh đời thơ dại của hai người con trong gia đình, đó là anh Hoàng Đình Lập (sinh năm 1978) và chị Hoàng Thị Ngọc Hà (sinh năm 1983). Cái quy luật nhân sinh bình thường “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” đã trở nên quá xa vời với hai người con bất hạnh ấy. Cả hai đều bị bại não, liệt toàn thân từ nhỏ, ánh mắt đờ đẫn, dại đi trên khuôn mặt vô cảm như những người bàng quan với cuộc sống.

Di chứng chất độc da cam trở thành nỗi đau trên thân thể những đứa trẻ.

Suốt nhiều năm, gia đình ông Huê chạy vạy, vay tiền để chữa bệnh cho con, nhưng càng chữa bệnh không thuyên giảm, càng nặng thêm, khiến cuộc sống gia đình gần như rơi vào bế tắc. Năm 1999, tuy may mắn hai người con của ông được giới thiệu đến Ủy ban 1080 (nay là Làng trẻ Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội) để nuôi dưỡng và chữa bệnh, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cả hai đều bị trả về nhà, với lý do không thể hồi phục. Và rồi, điều đau đớn nhất đã xảy ra, anh Lập ra đi ở tuổi 40, qua đời khi chưa từng một lần có thể cất tiếng gọi “mẹ”, gọi “cha”. Giờ đây, ông bà chỉ còn lại cô con gái đã lớn tuổi, với thân hình bé nhỏ, vẫn ngày ngày chống chọi bệnh tật, những cơn đau lúc trái gió trở trời, và những liều thuốc ngủ hằng đêm….

Cả gia đình chỉ còn biết nương tựa vào nhau để vượt qua những đớn đau nốt phần đời còn lại.

Chiến tranh nào cũng mang lại nỗi đau, nhưng chưa có cuộc chiến nào mà sự ghê sợ ấy vẫn còn âm ỉ dai dẳng như ở Việt Nam. Tội ác đế quốc Mỹ gây ra là không thể tưởng tượng, nó sẽ còn kéo dài nhiều thế hệ, khi mà chất độc đi-ô-xin đã rải xuống 26.000 làng mạc, thôn bản nước ta. Hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam là hơn 3 triệu nỗi đau khác nhau, là hàng triệu triệu nỗi đau của những người thân, và là nỗi đau chung của cả dân tộc Việt Nam, không gì có thể bù đắp được. Biết đến bao giờ, nỗi đau này mới được xoa dịu? Nhìn ánh mắt thê thiết lo âu, nghe cái giọng nói luôn bi thương thảng thốt của bà Tâm trong một ngày buồn ảm đạm ấy, tôi biết câu hỏi day dứt đó không thể có lời giải đáp.

Trong 10 năm từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam, chứa 366kg đi-ô-xin xuống 26.000 thôn bản, làng mạc, rừng núi, sông ngòi của Việt Nam với diện tích hơn 3,06 triệu ha, trong đó 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Theo KDPT