(KDTT) – Bức ảnh đạt giải Pulitzer gây chấn động của Tyler Hicks, phóng viên New York Times, vẽ nên chân dung cô bé da bọc xương nằm trên giường tại bệnh viện lưu động của UNICEF ở Aslam, Yemen hôm 18/10 là minh chứng rõ ràng nhất cho những điều tồi tệ mà cuộc nội chiến dai dẳng ở Yemen đang gây ra cho những thường dân bị mắc kẹt giữa hai làn đạn.
Amal trở thành biểu tượng cho nạn đói ở Yemen khi bức ảnh chụp cơ thể chỉ còn da bọc xương của bé được phóng viên Tyler Hicks của New York Times đăng tải hôm 18/10 và nhanh chóng thu hút sự chú ý trên toàn cầu.
Amal bị suy dinh dưỡng nặng nhưng gia đình không đủ tiền đưa em đến bệnh viện Bác sĩ Không biên giới cách đó 24 km. Tại bệnh viện lưu động của UNICEF, Amal liên tục nôn mửa và tiêu chảy. Bé được cho ăn hai tiếng một lần nhưng không tiến triển gì. Amal được xuất viện để nhường chỗ cho những bệnh nhân mới. Gia đình đưa Amal về trại tị nạn song tình trạng của bé liên tục xấu đi và qua đời ba ngày sau đó.
Mâu thuẫn kéo dài 3 năm giữa liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, được Mỹ ủng hộ, và phiến quân Houthi do Iran hỗ trợ đã tàn phá đất nước Yemen và khiến ít nhất 10.000 người thiệt mạng.
Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc tại Chương trình Lương thực Thế giới cho biết những vụ ném bom vào dân thường của liên quân có thể được coi là tội ác chiến tranh và việc phong tỏa một phần đất nước đã đẩy 12 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em vào nguy cơ chết đói. Tình trạng này có thể tiếp diễn thành nạn đói nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua.
Ông Martin Griffiths, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Yemen cho rằng “Nạn đói là mối đe dọa thật sự và có khả năng khiến số người đứng trước nguy cơ chết đói tăng gấp hai. Đó là yếu tố khẩn cấp ở đây”, ông nói.
Công tác viện trợ lương thực bị gián đoạn vì các phiến quân liên tục giao tranh tại các bến cảng. Theo tổ chức Save the Children, những gì diễn ra ở Yemen đang biến thành “cuộc chiến chống lại trẻ em”. Liên Hợp Quốc từng cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Yemen từ năm 2017, nhưng theo các chuyên gia, tình hình giờ nghiêm trọng hơn nhiều.
Nhân viên chính phủ Yemen không được trả lương trong nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Khoảng 2/3 người dân Yemen thất nghiệp và không có bất kỳ khoản thu nhập nào. Ngay cả với những người có việc làm, họ cũng phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình. Giá trị đồng riyal của Yemen hiện chỉ bằng 1/3 mức giá so với năm 2015. Lạm phát và tình trạng thiếu nguồn cung hàng hóa đã đẩy giá lương thực tại nước này tăng cao. Trước khi cuộc xung đột nổ ra, Yemen đã là nước nghèo nhất trong khối Arab và phải chật vật để có đủ lương thực. Đất nước này chỉ toàn sa mạc và đồi núi, nguồn nước đang thu hẹp chỉ cho phép canh tác trên 2-4% đất đai và 90% lương thực phải nhập khẩu.
Theo: Minh Tú KDPT