web analytics

“Những viên gạch” của làng Vũ Đại 04/06/2020

(KDTT) – Chuyến xe đưa tôi về quê chuyển bánh lúc bình minh còn đang thiếp ngủ. (Gọi thế cho oai, chứ thực ra chỉ là một chuyến xe 16 chỗ, chạy sớm, đưa người đi khám bệnh về các bệnh viện nội thành Hà Nội).

Đêm thu sánh mịn, sương mồ côi võng đầy mặt cỏ, đèn cắt vào đêm lấp loáng những bóng người, những khuôn mặt, hoặc đang ràng ràng buộc buộc, hoặc đã phành phành trên những chiếc xe cà tàng, vận chuyển “cửa hàng bách hóa tổng hợp ” vào bày bán ở phiên chợ sát chân núi Là xa tít.
Ngoại sinh ra và lớn lên ở Hà Nam.
Chẳng rõ tự khi nào mà Ngoại đã chuyển hết hoặc gần hết cho tôi những ký ức về quê hương Hà Nam Ninh của Ngoại. Cũng chẳng biết tự khi nào mà tôi biết tự hào về Dòng Châu Giang, Bến Đò Quan, Trạm Bơm Hữu Bị, biết yêu màu đỏ thĩm của chùm roi chín kỹ, thích vị bùi bùi của củ ấu, nhận ra vẻ đẹp bình dị của Mẫu đơn hoa( một loài hoa mà gần như nhà nào ở Hà Nam cũng trồng) và hơn cả, biết thiết tha yêu tiếng khoát nước dưới cầu ao lũm bũm.
Nói đến ao.
Nhà nào ở Hà Nam cũng có một cái ao. Ao giúp người ta vượt đất để làm nhà.
Ao giúp người ta đúc những đàn trắm đen, rô đồng lớn nhỏ (loại cá mà cữ cuối năm thường được đem bỏ vào niêu đất, thêm gừng, giềng, chanh, nước cốt cua đồng, hành, tiêu, ớt, cốt sườn lợn, dùng củi nhãn và trấu đun ủ lục bục đủ 24h để trở thành niêu Cá Kho Đại Hoàng nức tiếng.
Ao giúp người dân rửa khoai, vo gạo, tắm táp, giặt giũ khi bể nước tích trữ cả mùa mưa đã hết mà những cơn mưa đầu mùa còn mải chơi, dùng dắng hoài chưa tới.
Xe qua Pháp Vân đã lâu, cũng từ lâu tôi thôi nhắm mắt. Tôi đợi, đợi và gặp những thân thuộc đang theo nhau vun vút ngược về.

******

Chiếc xe máy mang biển số 90 cùng bạt ngàn roi, chuối và nhãn muộn dẫn tôi một mình tìm về nơi đã một thời là Dinh Cơ Cụ Bá.
Cổng không khóa. Vạt đu đủ, cây nào cây nấy lùn tịt đang oằn lưng cõng quả. Chẳng ai lấy gì của ai cho nên ở đây người ta cứ làm cổng cho có vậy thôi.
Chỉ còn sót lại cái sân gạch, chiếc cối đá và ba gian nhà Tự. Dãy nhà ngang, nơi thê thiếp, người hầu kẻ hạ, phận tôi đòi của Cụ Bá sinh sống giờ đã ko còn.
Chiếc giại gỗ nghiêng vai đón khách vào thăm. Những viên gạch lát nền mang tên Gạch Thất mòn miệng kể một thời oanh liệt. Chiếc cột lim và dãy ngạch cửa sẹm chân kể những lần suýt bị lửa ăn. Giường, sập, tủ chè, lư đồng,… tất thảy tịnh đâu không thấy.
Tôi ngó lên lớp ngói Màn phẳng lỳ, ngắm lớp lá giong chạm kín câu đầu chồng chóp, hồi tưởng lại cuộc sống vương giả, ho ra lửa, thét ra quyền của dòng họ bốn đời làm tổng lý, cảnh Chàng Chí rạch mặt ăn vạ rồi lại nhũn như chi chi khi được Cụ Bá đặt vào tay ” tận một đồng bạc”, âm vực :” Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?” và “Cụ mà chết đi, chúng nó lại chẳng cho ăn bùn!!!”… tất cả cứ ăm ắp hiện về.
Với tay khép cổng vườn, nhìn chiếc cối đá chơ vơ, chạnh lòng thương bác Phó Cối, thương những tàu chuối cong mình ” nhễ nhại”, thương cái quàng vai của người đàn bà thiệt thòi không đẹp mà cũng chẳng khôn đêm ấy, bất giác, tôi thấy mình thở dài một nhịp.
Tạm biệt ngôi nhà của Cụ Trần Duy Bính – Bá Bính- Nghị viên Bắc Kì, nguyên mẫu của cụ Bá Kiến – Ngôi nhà mười sáu cột lim với những hàng ngói Mũi, ngôi nhà vía nặng, trải bao biến cố mà không hề hấn, tôi đi tìm người sinh ra, người chép lại, người sáng tạo, cho nền văn học Việt Nam một Chí Phèo lừng lẫy, một Bá Kiến oai phong, thâm hiểm, mềm mỏng, để lại cho chúng ta những “Cái Mặt Không Chơi Được” , “Ông Giáo Thứ”,” Lão Hạc”, “Đôi Mắt”, “Đời Thừa “, “Sống Mòn”… và vô vàn những tác phẩm khác mà nhà văn chiến sỹ Nam Cao – đứa con của Đại Hoàng tôi xưa từng viết.

***********

Xóm 8 Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là nơi lưu giữ những kỷ niệm, hiện vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Nhà Văn Chiến Sỹ Nam Cao.

Khu tưởng niệm Nhà Văn Chiến Sỹ Nam Cao.

5.495m2, là không gian tỉnh Hà Nam dành để tri ân, tôn vinh những cống hiến của ông cho sự nghiệp cách mạng, cho nền văn học nước nhà, cũng là nơi lưu giữ những kỷ niệm, hiện vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của cố nhà văn, bao gồm lăng mộ, nhà tưởng niệm, vườn cây và hồ nước, nằm sát đường quốc lộ 38B.
Hướng về Ban thờ được đặt trên nền cao nửa mét, bước qua ba bậc thềm, phút đối diện với bức tượng bán thân tạc nhà văn mặc đại cán bằng đồng, nhìn dãy huân chương kháng chiến và giải thưởng Hồ Chí Minh được Nhà Nước truy tặng treo trên tường, lòng tôi không khỏi bồi hồi ,rúng động.
Không một lao xao nào của đoàn học sinh tham quan phía sau lạc vào tai tôi.
Tôi không biết người dẫn đoàn đã ý nhị hướng các em đi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Nhà Văn trước rồi mới dâng hương, thông qua các hiện vật được sắp đặt theo 4 mảng: “Quê hương và gia đình”, “Cuộc đời và sự nghiệp”, “Tìm lại Nam Cao” và “Những hoạt động tưởng niệm, tôn vinh nhà văn Nam Cao” được trưng bày bốn phía trong Nhà Tưởng Niệm, nhường cho tôi không gian tĩnh tại trước Ban Thờ.
Tôi cũng không biết đó đây có những đôi mắt tò mò lạ lẫm, thấy tôi đứng rất lâu trước chân nhang sắp hết, trước làn khói mỏng manh ngún lên trên trang sách mở. Họ không biết, phải, họ làm sao biết được đứa con xa quê này đang thầm thì điều gì, cầu xin điều gì với Người Dưới Mộ, họ làm sao biết được nỗi rưng rưng đang rưng rức chiếm lúc tôi cáo với Người về hiện thực… Hiện thực thời nay…

*******************

Tôi đi trên con đường ngoằn ngoèo những vòng cua, trong tiếng lách cách thoi đưa đầy kín muộn chiều, giữa những khung tre treo đầy vải sợi, dồng dênh, dồng dênh trước gió. Cứ mấy ngõ lại có một tấm biển đề ” Cá Kho Đại Hoàng”, cứ mấy ngõ lại thấy những chiếc cổng đồng lầm lẫm tư gia.
Bên kia Châu Giang, những bãi chuối miên man theo mí nước vẫy những ngón lá dài rất đặc trưng, rất Ngự Hoàng giữa mênh mông lục bình, tha thiết gọi.

********

Chiếc lò gạch giờ mất tăm.
Bát cháo hành xưa như vẫn còn hôi hổi.
Sớm mai, lại cũng khi bình minh còn chưa thức dậy, dẫu buộc lòng tạm biệt nơi này nhưng tôi biết, dưới mỗi bước chân, mảnh đất đầm đẫm phù sa vẫn luôn cựa mình, và chúng tôi, “những viên gạch” của Làng Vũ Đại, dù đi bất cứ nơi đâu cũng mong được trở về với làng quê đang mỗi ngày thêm sinh sôi, trù phú.
Trời vẫn hây hẩy gió.
Một chiếc thuyền trôi ngang.
Tôi giật mình, ngỡ như bóng người đi đổ ống lươn xưa vừa trở về đâu đây, âm thầm hiện hữu…

Theo KDPT