web analytics

Những hành khúc vang mãi triệu mùa xuân 30/04/2020

(KDTT) – Tháng Tư, là lúc cả đất nước được sống lại trong không khí của chiến thắng lịch sử năm 1975, ngày “Bắc – Nam sum họp một nhà”. Và với mỗi người lính từng tham gia chiến dịch mùa xuân năm ấy, ký ức về một thời hoa lửa chưa bao giờ nhạt phai.

Cái Tết đặc biệt của người lính

Trung úy Nguyễn Bá Ngọc, người lính trẻ năm xưa thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 316, ngụ tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, bồi hồi kể: “Ngay khi nhận được lệnh vào miền Nam chiến đấu, Trung đoàn tiến vào ngã ba Đông Dương, hành quân luồn rừng suốt 10 ngày đêm, khi cách Buôn Mê Thuột 10 cây số thì phải dừng quân và đón Tết năm 1975 ngay tại đó. Cách bộ đội đón Tết trong rừng cũng đặc biệt lắm. Chúng tôi lấp đầy đất trong vỏ hộp thịt cũ rồi cắm vài nhánh cọ thay cho nén hương, cùng gói lương khô để cúng tổ tiên. Năm đó, từ miền Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng mỗi đồng chí hai điếu thuốc, mỗi tiểu đội được một chiếc bánh chưng. Còn mặt trận miền Nam gửi một chiếc bánh tét, bốn gói chè cùng vài gói thuốc lá rê, cứ thế mấy anh em cùng nhau đón năm mới trong rừng”.

Gương mặt người lính già bồi hồi xúc động khi nhớ về những năm tháng tham gia chiến đấu.

Cùng đơn vị với Trung úy Ngọc năm đó có hạ sĩ Lê Xuân Côi của Tiểu đoàn 6. “Năm đó, xung quanh 10 ki-lô-mét vuông đường rừng chỉ chi chít những chiếc võng mắc san sát, chúng tôi cứ đi, gặp ai cùng quê thì mừng lắm, và rồi cứ thế cùng ngồi chung chiếc võng, chia sẻ quà Tết từ mặt trận hai miền, kể cho nhau nghe vài ba mẩu chuyện đón mùa xuân mới”, ông Côi nhớ lại. Có lẽ, chính tình quân dân, tình đồng chí đã giúp những người lính năm nào vơi đi nỗi nhớ gia đình, nhớ quê mà vững vàng chiến đấu.

Cuốn nhật ký dang dở

Là chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên được ghi nhận như đỉnh cao về nghệ thuật quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tạo thế tiến công, góp phần làm xoay chuyển cục diện chiến trường, tạo tiền đề cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ Tư lệnh chiến dịch do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm năm sư đoàn (10, 320, 316, 3, 968) và bốn trung đoàn bộ binh, một trung đoàn và hai tiểu đoàn đặc công, hai trung đoàn pháo binh, một trung đoàn tăng – thiết giáp, ba trung đoàn pháo phòng không.

Ngày 2/3/1975, sau khi áp sát thành phố Buôn Ma Thuột, đơn vị của Trung úy Ngọc được giao nhiệm vụ đánh vào cánh sân bay Hòa Bình – sân bay lớn nhất của ngụy quyền Sài Gòn ở Tây Nguyên lúc bấy giờ.

“Sở dĩ chúng tôi gọi chiến thắng ở Tây Nguyên là chiến thắng lịch sử bởi căn cứ điểm của địch tại đây vốn được coi quản rất nghiêm ngặt. Tôi vẫn nhớ một tên chỉ huy người Mỹ đã nói, chừng nào Quân Giải phóng đánh được Buôn Ma Thuột, chúng mới chịu mất Sài Gòn. Vậy nhưng, nhờ chiến lược quân sự đúng đắn, ngày 10/3, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95b, Trung đoàn 198 đặc công đồng loạt mở 5 mũi tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, sau hơn một ngày chiến đấu quyết liệt, trưa 11/3, ta giải phóng thị xã. Một mặt, ta nghi binh điều địch lên hướng bắc, đồng thời bí mật cơ động lực lượng lớn về hướng nam, nhờ vậy ta đã tập trung ưu thế áp đảo ở nơi cần thiết, tạo yếu tố bất ngờ”.

Những nét bút vội vàng trong cuốn sổ nhật ký đặc biệt.

Mạch câu chuyện của ông Ngọc thi thoảng lại bị đứt đoạn, bởi vết thương ở chân do bị trúng đạn pháo đêm 16/3 khiến ông đau nhức. Người lính ấy đã từng một mình nằm lại nơi chiến trường, liệt nửa cơ thể, khi được cứu phải nhờ đồng đội lót võng, kéo qua hàng rào vì không thể cõng. Ngày ông Ngọc bị thương cũng là ngày cuốn nhật ký đặc biệt của ông thiếu những nét mực, là ngày Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng. Khác với những chiến sĩ khác, cách ông ghi lại nhật ký cũng thật đặc biệt, cuốn nhật ký của ông chỉ là cuốn lịch nhỏ, được ông đánh dấu cụ thể từng sự kiện vì ông là lính bộ binh, phải di chuyển liên tục nên việc ghi chép lại ký ức cũng thật vội vã.

“Giải phóng rồi, về với bố, với mẹ thôi”

Đó là tiếng hô của những chiến sĩ trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm 1975 khi nghe tin xe tăng của quân Giải phóng đã tiến vào dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất), sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước. Tham gia chiến dịch từ những ngày đầu tiên, nhưng hạ sĩ Lê Xuân Côi chỉ “được” đánh đến vị trí cách dinh Độc Lập vài cây số. Ông kể bằng sự tiếc nuối: “Vì chỉ đội quân tiếp quản mới được tiến vào trong nên tôi phải dừng ngay tại phía ngoài, tiếc lắm, vào gần tới nơi rồi. Nhưng ngày đó, giải phóng tới đâu, ta lại hát vang bài ca “Giải phóng miền Nam” tới đó, mỗi người một phách nhưng cùng chung niềm vui. Nghe tin đất nước thống nhất, anh em chỉ biết ôm nhau mà hô to “Giải phóng rồi, về với bố, với mẹ thôi”, nhìn đường phố ngập tràn màu cờ đỏ sao vàng, những cái ôm, cái bắt tay, cảm giác sung sướng lắm”, ông Côi nhớ lại.

Hạ sĩ Côi (áo xanh) năm xưa cùng người đồng đội ôn lại ký ức hào hùng.

Còn với trung úy Ngọc, vì bị thương nên ông được đưa về miền Bắc, tuy không được trực tiếp cảm nhận niềm vui tại Sài Gòn, nhưng khi về tới Hà Nội, nhìn nhân dân đổ ra đường, tung hoa, vẫy cờ, mít tinh, tuần hành và hô vang khẩu hiệu: “Hoan hô miền Nam hoàn toàn giải phóng”, “Tổ quốc Việt Nam anh hùng muôn năm”, người lính cũng cảm thấy vui sướng khôn tả, ông kể: “Lúc đó, tôi vui tới mức quên cả đau, chỉ có niềm tự hào, hạnh phúc mà thôi”.

Tâm tình người lính già

Nhìn lại quá khứ về một thời khói lửa, đối với những người lính năm xưa, vẫn còn đau đáu nỗi xót thương, nỗi nhớ da diết với đồng đội của mình, có người chẳng nghe tin tức, và có những người vĩnh viễn nằm lại với “mãi mãi tuổi hai mươi”.

Ánh mắt của thương binh Lê Xuân Côi nhòe đi khi được hỏi về những người đồng đội. Ông nghẹn ngào: “Tôi vẫn nhớ về người đồng đội tên Tuyển. Năm đó, đồng chí Tuyển bị một viên đạn bắn sượt qua đầu, thương nặng, tôi phải cõng đồng chí đó ra ngoài. Phía trên là mái tôn bay vì bị đạn bắn, qua 3 tháp pháo, phải liên tục dựng hàng rào mới chui vào cõng được bạn ra, nguy hiểm lắm nhưng trên lưng là tính mạng đồng chí, là anh em của mình, không thể bỏ cuộc được. Nhưng xót xa hơn là những chiến sĩ bị địch bắt, chúng dùng những thủ đoạn tàn ác nhất đối với bộ đội ta. Rồi những anh em hi sinh nên chiến trường, nhưng phải 3-4 ngày sau chúng tôi mới được vào để đưa các anh ra, nhìn mà đau xót lắm”.

Nhớ về những người đồng đội cũ, khóe mắt ông Côi chợt nhòe đi.

Thời gian có thể xóa nhòa tất cả, nhưng ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam), thời gian như ngưng đọng với những người lính. Theo chia sẻ của các y bác sĩ tại đây, có những người tuy đã ngoài bảy mươi nhưng khi được hỏi vẫn nói mình mới chỉ hai mươi tư, cái tuổi mà họ tham gia chiến đấu. Trong ký ức của họ chỉ còn lại những mảnh ghép vụn, chắp vá về những tháng năm đánh giặc, những khẩu hiệu “sẵn sàng”, “xung phong” đôi khi vẫn thường trực trong mỗi giấc ngủ chập chờn.

Những chiến sĩ trẻ năm nào giờ đây phải tiếp tục với chiến đấu với bệnh tật, đau đớn.

Những người con đất Việt năm xưa sẵn sàng bỏ lại phía sau bao hoài bão tuổi trẻ còn dang dở, xếp bút nghiên để chiến đấu, vì một màu cờ đỏ tươi của Tổ quốc. Dù đất nước ngày một đổi thay, phát triển, nhưng ký ức về những tháng năm lịch sử hào hùng sẽ mãi vẹn nguyên. Trong trái tim mỗi người con Việt Nam vẫn luôn rực cháy tinh thần dân tộc, niềm tự hào về những chiến thắng vẻ vang, xem đó như nguồn động lực để ngày ngày cố gắng học tập, lao động vì những mùa xuân tươi đẹp hơn của Tổ quốc.

Theo KDPT