web analytics

Những dự đoán sai khủng khiếp về năm 2020 03/01/2020

(KDTT) – Nếu dự đoán của nhà tương lai học là đúng, thì hiện tại chúng ta đã có thể đưa người tới Sao Diêm Vương, người máy thay con người giặt giũ hàng ngày, chưa kể ta có thể sống đến 150 tuổi!

Tiến bộ khoa học đi rất nhanh, nhưng vẫn có nhiều dự đoán cho năm 2020 đã không thể thành hiện thực. Ảnh: Futurum Research

Bạn muộn làm vì quên không đặt đồng hồ báo thức thông minh trên tay. Vội vã ra khỏi giường, bạn gửi một cái ôm “ảo” cho những người thân trong gia đình đang sinh sống cách xa hàng ngàn cây số, rồi lao tới xe ô tô, ra lệnh cho tài xế vượn khởi động máy. Đó là một ngày căng thẳng, chắc chắn rồi, nhưng ít nhất thì chỉ vài ngày nữa là tới kỳ nghỉ của bạn ở Mặt Trăng.

Cảnh tượng đó có vẻ không giống một buổi sáng thông thường, nhưng mọi người từng nghĩ rằng chuyện đó sẽ xảy ra vào năm 2020.

Lịch sử có vẻ không giống như những dự đoán và hình dung về tương lai. Nhiều trong số những dự đoán này được đưa ra với sự tự tin tối đa, trước khi chúng lặng lẽ biến mất. Nhưng khi chúng ta bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, đã đến lúc đặt câu hỏi: “Chúng ta từng nghĩ thế giới sẽ ra sao trong năm 2020?

Tốc độ tiến bộ công nghệ rấ diễn ra rất nhanh chóng, và một số xu thế định hình thập kỷ trước đã được dự đoán với độ chính xác ấn tượng từ nhiều năm trước đó. Dù vậy không phải mọi thứ đều diễn ra như dự đoán. Theo các nhà khoa học và nhà tương lai học, thì hiện tại chúng ta đã có thể đưa người tới Sao Diêm Vương và người máy thay con người giặt giũ hàng ngày. Chưa kể chúng ta có thể sống đến 150 tuổi!

Kênh CNN đã lục lại các tài liệu lưu trữ để tìm hiểu về những dự đoán trước đây và phát hiện ra nhiều dự đoán sai lầm lớn về năm 2020.

Cuộc cách mạng robot bị trì hoãn

Viễn cảnh các robot cướp việc làm của chúng ta hóa ra là một mối lo ngại thái quá của các thế hệ hậu Thế chiến. Tới năm 2020, chúng ta vẫn còn nhiều chỗ trống việc làm trong nhiều lĩnh vực.

“Các nhà tương lai học và chuyên gia công nghệ nói rằng robot và các loại trí tuệ nhân tạo khác nhau sẽ trở thành một phần được chấp nhận trong đời sống hàng ngày vào năm 2020, và chúng sẽ gần như cướp hoàn toàn những công việc thể chất”, trường Đại học Elon (Mỹ) lưu ý vào năm 2006.

Hãng Toyota đã phát triển một robot chơi đàn violin vào năm 2007.

Nhà tương lai học người Anh Ian Pearson còn dự báo xa hơn. “Kết luận của tôi là ta có thể tạo ra một máy tính có ý thức, với đẳng cấp thông minh siêu phàm trước năm 2020”, ông nói với tờ The Observer của Anh vào năm 2005. “Nó chắc chắn có các cảm xúc”, ông Pearson nói thêm. “Nếu tôi đang trên máy bay, tôi muốn máy tính [của máy bay] còn hoảng sợ hơn tôi khi gặp sự cố, vì như thế nó sẽ làm mọi thứ để máy bay ở yên trên không trung”.

Tuy nhiên, thế giới đã bước sang năm 2020 và máy bay vẫn chưa có nhiều cảm xúc hơn chúng ta. “Công nghệ đã không tiến triển nhanh như tôi nghĩ”, ông Pearson thừa nhận với CNN đầu tháng 12/2019. “Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển rất nhanh khi bắt đầu thế kỷ, vì thế chúng tôi đã dự đoán tới năm 2015 chúng ta sẽ có những chiếc máy tính biết nhận thức, thông minh hơn cả con người. Nhưng đã có một bước lùi lớn, khiến mọi thứ chậm lại một chút. Tôi ước đoán AI có lẽ đã phát triển chậm hơn dự báo trước đây khoảng 35 -40%”.

Một dự đoán khác của ông Pearson vào năm 2009 cũng trật lất khi cho rằng tới thời điểm này chúng ta đang mặc một “làn da năng động”. Đó là một thiết bị điện tử được “sơn” lên cơ thể để theo dõi sức khỏe. Ông nói thêm rằng thiết bị này có thể “nhận tín hiệu thần kinh và ghi lại chúng, và có thể còn ‘tiêm’ chúng trở lại cơ thể một ngày sau đó, để chúng ta có thể lưu lại hiệu quả và tái hiện lại một cảm giác như âu yếm bạn tình trong khi người đó đi vắng”.

Ông Pearson phát biểu với CNN rằng một sản phẩm như vậy sẽ không đòi hỏi công nghệ quá khó khăn để chế tạo. “Chúng tôi có thể thấy cách thực hiện từ gần 20 năm trước, nhưng điều đó đã không xảy ra, vì không có đủ các kỹ sư và công ty quyết định xem xét tới lĩnh vực này”, ông giải thích.

Nhà tương lai học Pearson cho rằng khoảng 85% dự đoán của ông trở thành sự thật; và những dự đoán về công nghệ truyền thông và sự thống trị của mạng xã hội nằm trong số những dự đoán chuẩn xác nhất của ông.

Chúng ta vẫn thích thực phẩm, nhưng khẩu vị đang thay đổi

Nhà tương lai học nổi tiếng Ray Kuzweil từng dự đoán rằng việc tiêu thụ thực phẩm sẽ trên đường dừng lại vào năm 2020. “Hàng tỉ nanobot trong đường tiêu hóa và mạch máu có thể trích xuất một cách thông minh những dưỡng chất mà cơ thể chúng ta đòi hỏi”, ông viết trong cuốn sách “Fantastic Voyage: Live Long Enough to Live Forever.” (Hành trình tuyệt vời: Sống đủ lâu để sống mãi) năm 2004. Kuzweii dự đoán rằng các robot siêu nhỏ chở đầy dưỡng chất có thể “sẽ dẫn đến loại bỏ tiêu thụ thực phẩm”. Ngày nay, các nanobot không thay thế bữa ăn, nhưng việc chúng dự đoán được chúng ta cần ăn gì sẽ sớm trở thành sự thật.

Những dự đoán về một cuộc cách mạng ăn chay trong thế kỷ 21 đã được đưa ra rất sớm, từ những năm 1910. Theo đó thịt bò sẽ bị loại bỏ khỏi bữa ăn.

Một ấn phẩm năm 1913 của tờ New York Times đã đưa ra những dự đoán dài hạn từ Chủ tịch Hiệp hội Đóng hộp thị Mỹ khi đó, trong một bài viết có tên “Những người ăn chay đang đe dọa chúng ta”. Bài viết lưu ý về cảnh báo cho rằng người Mỹ sẽ từ bỏ thịt, sống nhờ “gạo và rau” trong thế kỷ 21.

Một thế kỷ sau, trào lưu ăn chay trở nên phổ biến nhưng chưa thể khiến người Mỹ từ bỏ thịt.

Ngoài thực đơn bữa ăn, vào năm 2000, nhà tương lai học Kurzweil còn dự đoán rằng các máy tính sẽ trở nên “gần như vô hình” và được tích hợp mọi nơi, trên tường, bàn, ghế, quần áo, trang sức và cơ thể” vào năm 2020.

Ông cũng là một trong số ít các nhà tương lai học dự đoán rằng kính thông minh sẽ thay thế điện thoại. Trên thực tế hãng Google đã thử nghiệm công nghệ này nhưng sản phẩm của họ không được công chúng hưởng ứng.

Kính thông minh Google Glasses gặp thất bại khi tung ra thị trường.

Ngoài ra, năm 2020 cũng để lỡ một loạt dự đoán tiến bộ công nghệ khác. Chẳng hạn, năm 1997, hai nhà khoa học Peter Schwartz và Peter Leyden đã viết trên trang Wired dự đoán rằng bỏ phiếu điện tử trong các cuộc bầu cử sẽ trở thành hiện thực vào năm nay.

Năm 2000, Eric Haseltine viết trên tạp chí Discover rằng các chữ ký viết tay sẽ trở thành kỳ quặc vào năm 2020, bởi sự lên ngôi của các hệ thống nhận diện giọng nói, vân tay và mống mắt. Hiện nay, các smartphone đã sử dụng cả ba loại công nghệ nhận diện này, tuy nhiên, chữ ký viết tay thì vẫn được dùng phổ biến.

Nhà khoa học Joseph D’Agnese dự đoán rằng tới 2020 chúng ta sẽ không thể lên máy bay hoặc vào nhà mà không có tia laser quét mống mắt của mình. Còn Marvin Minsky, nhà sáng lập Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo MIT, cho rằng con người sẽ sẽ tìm cách can thiệp gene nhằm kéo dài tuổi thọ, thậm chí phát triển những khả năng ở não bộ một cách trái pháp luật.

Chúng ta vẫn chưa được đi nghỉ ở Mặt Trăng

Các kỷ nghỉ trong vũ trụ đã được dự đoán từ nhiều thập niên trước. “Hãy nhìn lại những gì con người nói về nó vào những năm 1960, 1970 – du lịch vũ trụ đã được tiên đoán trước một thời gian dài”, bà Laura Forczyk, nhà sáng lập công ty tư vấn vũ trụ Astralytical, nói.

Và đến năm 2009, cuối cùng chúng ta cũng chứng kiến một bước đột phá, khi một loạt công ty và cá nhân thể hiện khao khát biến thập niên 2010 thành thập kỷ du lịch vũ trụ. “Tới 2020, bạn sẽ chứng kiến những công dân lên Mặt trăng với tư cách cá nhân”, ông Eric Anderson, lãnh đạo công ty Space Adventures (Thám hiểm vũ trụ) phát biểu trên trang space.com vào năm 2009.

Công ty Tesla và nhà sáng lập SpaceX, tỉ phú Elon Musk còn đi xa hơn thế. “Tôi sẽ ra ngoài vũ trụ trên một chân, và tới 2020, sẽ có những kế hoạch nghiêm túc đưa con người tới Sao Hỏa”, ông Musk được dẫn lời nói.

7 người đã trả tiền cho một chuyến du lịch vào vũ trụ trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, nhưng các chuyến bay du lịch trên quỹ đạo đã bị đình lại vào năm 2009.

Sự trì hoãn này đồng nghĩa hàng trăm người đã đăng ký sẽ phải chờ đợi. “Hồi đó luôn luôn nghe câu ‘năm tới, năm tới’”, nhà báo Jim Clash, người đã mua một vé du lịch vũ trụ với chuyến bay của Virgin Galatic có giá 200.000 USD vào năm 2010, kể lại. “Tôi không nghĩ tới 2020, chúng ta có thể vận hành chuyến đi này như một hoạt động thường xuyên”, Clash nói với CNN.

Trên thực tế, thập niên 2010 là một thập kỷ “mất mát” với du lịch vũ trụ thương mại. 10 năm qua đã chứng kiến một loạt công ty thử nghiệm phóng tàu vũ trụ. Năm 2018, SpaceX tiết lộ rằng tỉ phú Nhật Yusaku Maezawa sẽ là vị khách du lịch vũ trụ đầu tiên, với chuyến đi đầu tiên quanh Mặt Trăng đã được ông đặt vé vào năm 2023.

Thu Hằng
Nguồn https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-du-doan-sai-khung-khiep-ve-nam-2020-20200102172353216.htm