web analytics

Những điều cần biết về mạng 5G 17/05/2019

(KDTT) – Mạng 5G được kì vọng sẽ là bước đột phá trong nền kinh tế số của Việt Nam khi  thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài về công nghệ cao để đạt được nhiều thành tựu lớn ở phạm vi toàn cầu.

5G là gì? 

5G là mạng di động thế hệ thứ 5. Thế hệ kết nối không dây đầu tiên là 1G; sau đó là 2G với giọng nói theo dạng kĩ thuật số và các dữ liệu đơn giản; 3G là thế hệ thứ 3 gắn liền với cuộc cách mạng của ứng dụng và băng thông rộng di động; cuối cùng là 4G với sự cải tiến tốt hơn về tốc độ và kết nối.

5G là mạng di động thế hệ thứ 5

5G bên cạnh gia tăng tốc độ truyền dữ liệu còn ứng dụng vào liên kết và điều khiển máy móc, vật dụng và các thiết bị khác.

5G hoạt động như thế nào?

Trong khi các thế hệ mạng di động trước đây chỉ phụ thuộc vào một dải tần số duy nhất thì 5G sẽ hoạt động trên cả 3 dải tần số: Dải tần số thấp (< 1 GHz, độ phủ sóng rộng, bắt sóng tốt, tốc độ tối đa chỉ đạt 100 Mbps), dải tần số trung bình (1 – 6 GHz, tốc độ tối đa 1Gbps, đỗ trễ thấp, bắt sóng yếu trong các tòa nhà), và dải tần số cao (< 24 GHz, tốc độ tối đa 10 Gbps, độ trễ rất thấp, độ phủ sóng thấp, tín hiệu dễ bị ngắt quãng bởi các vật cản).

5G được phát triển nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến bao gồm: Ăng-ten mimo cỡ lớn (Masive Mimo) và tháp di động mini (Small Cells).

5G tốt hơn 4G như thế nào? 

So với 4G, 5G có thể xử lý nhiều hơn lượng người dùng gấp 100 lần, tốc độ tải nhanh gấp 1.800 lần và giảm tình trạng nghẽn mạng gấp 10 lần, cũng như có độ tin cậy cao hơn.

Tác động của 5G đến cuộc sống của người Việt

Bằng những ứng dụng công nghệ cao, 5G có thể đem đến những tiện ích vô cùng lớn cho người dùng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Những ứng dụng của 5G trong đời sống

Về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sẽ được hoàn thiện hơn khi người dùng có thể nhận tư vấn từ bác sĩ qua công nghệ thực tế ảo, theo dõi sức khỏe theo thời gian thực thông qua thiết bị đeo thông minh, phẫu thuật từ xa.

Về những ứng dụng trong cuộc sống sinh hoạt, mọi hoạt động sẽ trở nên tiện lợi và bền vững hơn khi nhà cửa, bao gồm các thiết bị trong nhà có thể được điều khiển từ xa, giúp dễ dàng quản lý mức tiêu thụ năng lượng và đảm bảo an ninh.

Hỗ trợ sản xuất các thực phẩm năng suất cao trong nông nghiệp. Nông dân có thể sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu, cảm biến từ xa và thiết bị bay không người lái để tăng thu hoạch trong khi giảm lượng nước và phân bón.

Trong lưu thông, giúp tăng mức độ an toàn và giảm lưu lượng giao thông. Các phương tiện có thể liên lạc với nhau, kết nối với các hệ thống giao thông và sử dụng cảm biến đồ vật để tránh tai nạn và thiết lập lộ trình di chuyển.

Đặc biệt trong giải trí, các ứng dụng truyền thông, chơi game và thiết bị thông minh sẽ có những hình ảnh chân thực sử dụng thực tế ảo tăng cường (AR) và công nghệ thực tế ảo (VR).

                                                                                                                                                                     Theo KDPT