web analytics

Nhiều ‘ông lớn’ bất động sản tìm về đầu tư, nhà đất tại Hòa Bình tăng giá bất thường trong năm 2021? 12/01/2022

(KDTT) – Trong năm 2021, Hòa Bình bỗng trở thành điểm ‘nóng’ trên thị trường bất động sản khi liên tục đón nhận sự đổ bộ của nhiều ông lớn địa ốc tìm về đầu tư. Kéo theo sự tăng giá ‘bất thường’ của Hòa Bình trong suốt một năm qua.

Nhiều ‘ông lớn’ tìm kiếm cơ hội tại Hòa Bình

Hòa Bình nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 76 km theo hướng quốc lộ 6, là khu vực đối trọng phía Tây của Thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ; phía Tây giáp tỉnh Sơn La và Thanh Hóa, phía Đông Nam giáp tỉnh Hà Nam, Ninh Bình.

Tỉnh có mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy tương đối phát triển, trong đó có các tuyến đường quốc gia quan trọng đi qua như: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, Quốc lộ 12B, trong tương lai là đường cao tốc Hòa Bình đi Hòa Lạc (Hà Nội) … Mạng lưới giao thông phân bố khá đều khắp, kết nối Hòa Bình với các tỉnh trong khu vực và các địa phương trong tỉnh khá thuận lợi. Vị trí địa lý của tỉnh là một điều kiện thuận lợi cho Hòa Bình mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế.

Trên thị trường bất động sản, năm 2021 Hòa Bình ghi nhận lượng quan tâm lớn của giới đầu tư, đặc biệt là những ‘ông lớn’ như: Vingroup, Tập đoàn FLC, Geleximco, Lã Vọng, Sun Group, TSG Group… Thực tế, tại nơi này mỗi khi làn ‘sóng’ bất động sản đi qua, giá đất lại có dấu hiệu tăng giao động từ 10 – 20 %.

Với những lợi thế về quỹ đất cũng như giao thông thuận lợi gồm các tuyến đường: Đại lộ Thăng Long rộng 140 m; Quốc lộ 32 nối liền trung tâm Hà Nội; đường Hồ Chí Minh… tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Hòa Bình phát triển.

Ngay trung tâm thành phố xuất hiện tên tuổi của Vingroup với dự án Vincom Shophouse Hòa Bình. Những dãy nhà phố thương mại do Vincom Retail (thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup) phát triển đã nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút cư dân cũng như khách du lịch dừng chân trải nghiệm nhịp sống sầm uất, sôi động.

Hòa Bình liên tiếp đón nhận sự xuất hiện của ông lớn bất động sản tìm về.

Hay như Tập đoàn FLC cũng triển khai 4 dự án với tổng quy mô gần 2.000ha tại TP. Hòa Bình và các huyện lân cận, trong đó tập trung chủ yếu ở phân khúc nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, Hòa Bình còn đón thêm ông lớn Geleximco đến đầu tư với dấu ấn sân golf 27 lỗ vào cuối năm 2018, hay dự án KĐT sinh thái Trung Minh B của CTCP Lã Vọng Group với số vốn lên đến 780 tỷ đồng…

Vào hồi tháng 4/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hòa Bình – chủ đầu tư Khu công nghiệp Lương Sơn đã tham gia mảng bất động sản nghỉ dưỡng với việc ra mắt dự án Cullinan Hòa Bình Resort. Dự án có quy mô hơn 40 ha, ở khu vực hồ Hòa Bình với vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, gồm 256 căn biệt thự du lịch và 120 phòng nghỉ condotel.

Thời điểm tháng 9/2021, Công ty Cổ phần Archi Reenco Hòa Bình cũng đã khởi công Dự án Lâm Sơn Resort, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp có diện tích hơn 66 héc-ta tại huyện Lương, với tổng số vốn 800 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Kim Bôi (thành viên thuộc Tập đoàn Apec) cũng vừa triển khai dự án Apec Sky Villas Kim Boi. Dự án có quy mô gần 36 ha, nằm trong khu khoáng nóng xã Hạ Bì, huyện Lương Sơn. Chủ đầu tư giới thiệu dự án sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1.000 sản phẩm căn hộ khách sạn.

Một chủ đầu tư khác là Công ty Cổ phần Beru Group cũng đang triển khai dự án Parahills Hòa Bình Resort. Dự án nằm ở ở ven hồ Hòa Bình, xã Bình Thanh và xã Thung Nai, huyện Cao Phong có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng bao gồm 135 căn biệt thự và khối khách sạn….

Giá đất Hòa Bình tăng mạnh, có nơi gấp ba lần trong năm 2021

Tại Tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong năm vừa qua, thị trường bất động sản cả nước có hiện tượng tăng giá. Trong đó, Hoà Bình cũng là vùng trũng, có sức hút khiến giá cả tăng mạnh.Đây là điều tất nhiên vì giá trị bất động sản luôn tăng tỷ lệ thuận với việc đầu tư.

“Tuy  nhiên, thị trường cũng có những nơi sốt ảo và những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không tham gia vào thị trường này. Việc tăng giá bất thường thời gian vừa qua có lỗi từ nhiều phía, trong đó có lỗi ở việc thông tin không rõ ràng nên không đánh giá được giá trị thực của bất động sản. Và một số người sẽ bị rơi vào vòng xoáy sốt ảo.

Hoà Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Tôi còn nhớ, năm 2007, nhiều đại gia đã xuất hiện tại Hoà Bình để đầu tư mua đất nhưng tốc độ triển khai đến nay chưa thực sự tốt. Mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp tham gia tại thị trường bất động sản địa phương này”, ông Đính nhận định.

Ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ tại tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” diễn ra mới đây.

Cũng theo vị chuyên gia này, Hòa Bình có cảnh quan thiên nhiên nhoang sơ và ấn tượng, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó là hạ tầng giao thông thay đổi nhanh chóng cũng là đòn bẩy khiến bất động sản Hòa Bình hấp dẫn hơn. Song, việc kết nối hạ tầng của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa, tốt hơn để thu hút đầu tư lớn hơn.

Ông Đính dẫn số liệu từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết, một năm trở lại đây, giá đất nhiều vùng tại Hòa Bình như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc,… đã tăng giá tới 3 lần. Đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đây.

“Việc tăng  giá sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án. Đơn cử, có người dân đòi đền bù đến 1 tỷ đồng cho một mảnh đất, cao hơn rất nhiều lần so với giá trị thật. Nêu ví dụ như vậy để thấy rằng, Hòa Bình có lợi thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, tuy nhiên, địa phương cần phải chủ động nghiên cứu, xem xét, đầu tư thêm các cơ sở vật chất, tiện ích, dịch vụ hỗ trợ”, ông Đính nhận xét.

Cũng theo vị này, Hòa Bình đang là một trong những địa phương bị đẩy giá bất động sản bất bình thường. Nguyên nhân cũng một phần là do thiếu hụt nguồn cung. Thực tế, Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó pháp lý nên chưa thể ra hàng.

“Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương Hòa Bình cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Nếu Hòa Bình cởi mở, chắc chắn sẽ có đại bàng kéo về “, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Theo KDPT