web analytics

Nhiều cơ hội nâng chất xuất khẩu sản phẩm sang EU 25/10/2018

(KDTT) – Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nếu đi vào thực thi từ đầu năm 2019, dệt may và da giày là hai ngành được kỳ vọng nâng chất xuất khẩu sản phẩm lên bậc cao trung trong thời gian tới.

Theo bà Phạm Minh Hương, giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), một khi EVFTA sớm đi vào thực thi từ đầu năm 2019, dung lượng thị trường dệt may từ EU ước tính 98-100 tỉ USD/năm mà Việt Nam chỉ mới góp mặt khiêm tốn 2,9% thị phần, sẽ có cơ hội tăng thêm đơn hàng, cũng như nâng cấp phẩm cấp sản phẩm xuất khẩu sang thị trường là “hoàn toàn có thể”.

Ngành dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi từ Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam -EU (EVFTA) một khi hiệp định này đi vào thực thi – Ảnh:T.V.N

Nâng cấp hàng dệt may xuất khẩu

Theo phân tích của bà Hương, được sử dụng nguyên tắc “từ vải trở đi”, ngành dệt may Việt Nam chỉ cần sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các nước trong khối EU, sau đó tổ chức sản xuất cắt, may, đóng gói hoàn tất từ Việt Nam là đáp ứng quy tắc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, một thuận lợi mà EVFTA mang lại cho ngành dệt may khi hiệp định này cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc – quốc gia cũng đã có FTA với EU – như một cách chấp nhận gián tiếp về nguồn gốc sử dụng nguyên phụ liệu của nước này.

“Hàn Quốc đang là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu chất lượng trung, cao cấp trở lên. Việc Việt Nam được sử dụng nguyên phụ liệu từ quốc gia này, không chỉ mang đến cơ hội cho ngành dệt may trong nước được nâng cấp chất lượng hàng hóa khi thực hiện đơn hàng, mà còn mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm xuất khẩu. Đây là lợi thế ngắn hạn có thể thấy ngay được khi EVFTA có hiệu lực”, bà Hương phân tích.

Cũng theo bà Hương, với lợi thế tay nghề lao động kỹ thuật cao, chất lượng sản phẩm ổn định, các nhà sản xuất tại Việt Nam, không chỉ thị trường EU ưa chuộng sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam mà nhiều thị trường lớn của ngành cũng đang đánh giá cao lợi thế này.

Thị trường lớn của ngành da giày

Đối với ngành da giày, ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), cho biết EU luôn là thị trường xuất khẩu lớn của ngành giày dép, chiếm khoảng 35-38% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành, và chi phối 10-11% thị phần nhập khẩu giày dép của EU.

Giải quyết được vấn đề nguồn cung nguyên phụ liệu, nâng tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, chuyển đổi phương thức xuất khẩu là thách thức lớn đối với ngành da giày khi xuất khẩu sang thị trường EU-Ảnh:T.V.N

Theo ông Kiệt, triển vọng của ngành da giày thế giới với doanh số thị trường toàn cầu ước trên 370 tỉ USD từ năm 2020 trở đi ít nhiều sẽ mang lại cơ hội cho ngành xuất khẩu giày dép trong nước tăng tỉ trọng xuất khẩu.

Việc loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi EVFTA có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép, và sẽ loại bỏ theo lộ trình từ 3-7 năm mà phần lớn các loại giày dép có thể mạnh xuất khẩu ở nhóm sản phẩm này có thể xem là cơ hội lớn.

Tuy nhiên, do tỉ lệ nội địa hóa của ngành chưa cao, phần lớn da thuộc, vải và đế giày phải nhập khẩu, hợp đồng gia công là chủ yếu nên giá trị gia tăng trên sản phẩm còn thấp.

Ông Kiệt cũng cho biết thêm các sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực phần lớn nằm ở nhóm sản phẩm giày mũ cao su, mũ vải và nguyên phụ liệu giày.

Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm giày dép của Việt Nam đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình từ 3-4% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Mức thuế này sẽ tự động bãi bỏ khi EVFTA có hiệu lực.

Nên doanh nghiệp nào sản xuất các nhóm sản phẩm nói trên sẽ được hưởng lợi ở mức nhất định vì mức thuế áp dụng theo EVFTA sẽ thấp hơn hoặc bằng với mức thuế GSP đang áp dụng.

Theo Tuổi trẻ