web analytics

Nhà nước đầu tư 1,5 triệu tỷ đồng tại doanh nghiệp, hiệu quả thế nào? 19/10/2019

(KDTT) – Nhà nước đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp 1.533.001 tỷ đồng, tăng 6% so với 2017.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo) cho biết tại báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2018.

Báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào sáng 21/10 tới.

Các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động chủ yếu trong những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế như điện lực, năng lượng, an ninh, quốc phòng, cảng biển, sân bay…

13% tổng số doanh nghiệp có vốn nhà nước còn lỗ
Theo báo cáo, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018, có 855 doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 350 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Trong số 1.533.001 tỷ đồng mà Nhà nước đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhà nước là 1.368.867 tỷ đồng và doanh nghiệp có vốn nhà nước là 164.134 tỷ đồng.
Khái quát tình hình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3.715.187 tỷ đồng, tăng 2% so với 2017 (các so sánh trong bài đều so với năm 2017).
Có 110/855 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ (chiếm 13% tổng số doanh nghiệp có vốn nhà nước). Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước là 367.712 tỷ đồng, tăng 6%.
Cụ thể hơn, từ 505 doanh nghiệp có báo cáo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này là 1.368.867 tỷ đồng, tăng 5%. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con là 1.218.898 tỷ đồng, tăng 4%, chiếm 89% tổng vốn chủ sở hữu.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt 1.559.097 tỷ đồng, tăng 9%. Trong đó, khối tập đoàn đạt 1.023.414 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2017, chiếm 65,6% tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước.
Lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp nhà nước cũng tăng 3%, đạt 165.752 tỷ đồng. Riêng khối tập đoàn đạt 109.200 tỷ đồng, tăng 2%, chiếm 65,9% tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp nhà nước.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các doanh nghiệp nhà nước năm 2018 là 12% (tương đương năm 2017). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp/tổng tài sản bình quân chung năm 2018 là 6% (tương đương năm 2017).
Công cụ điều tiết, nhưng còn nhiều hạn chế
Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động chủ yếu trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, hoặc đóng vai trò dẫn dắt, khai phá những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế như điện lực, năng lượng, an ninh, quốc phòng, cảng biển, sân bay…
Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng có các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, Chính phủ nhìn nhận.
Tuy nhiên, báo cáo vẫn nêu lại đánh giá không mới, đó là, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn, như 12 dự án của ngành công thương.
Doanh nghiệp nhà nước, theo đánh giá của Chính phủ cũng chưa nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường do tác động của yếu tố thương mại để thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, chưa chủ động và đa dạng hóa được thị trường, chủ yếu sử dụng thị trường truyền thống, do đó, không gia tăng được sản phẩm, giá trị gia tăng, doanh thu, lợi nhuận, việc làm.
Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước, theo Chính phủ còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của doanh nghiệp Nhà nước còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động…
Theo Khánh Phương
(Bizlive)