web analytics

Người trẻ tuổi có thể phải chờ đến năm 2022 để được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 16/10/2020

(KDTT) – Các quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, những người trẻ tuổi khỏe mạnh có thể không được tiêm vắc-xin Covid-19 cho đến năm 2022, bởi việc việc tiêm chủng trước tiên cần tập trung cho người già và nhóm người dễ bị lây nhiễm khác.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của WHO, cho biết, các nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu và người cao tuổi có thể sẽ được cung cấp vắc-xin trước tiên, mặc dù, cụ thể những nhóm người ưu tiên vẫn đang được WHO và tổ tư vấn của tổ chức thảo luận.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan – nhà khoa học chính của WHO, cho biết các nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu và người cao tuổi có thể sẽ được cung cấp vắc-xin trước tiên. (Ảnh: CNBC)

Đến hiện tại, vẫn chưa có loại vắc-xin ngừa Covid-19 nào được WHO, Liên minh châu Âu hoặc Mỹ chấp nhận.

“Mọi người có xu hướng nghĩ rằng, đầu tháng Giêng hoặc đầu tháng Tư năm sau sẽ được tiêm vắc-xin và sau đó mọi thứ sẽ trở lại bình thường, nhưng thực tế có thể không như vậy”, Swaminathan nói.

Bà cũng nói thêm rằng, thế giới hy vọng sẽ có ít nhất một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả vào năm 2021, nhưng nó sẽ được cung cấp với “số lượng có hạn”. Nhóm cố vấn chiến lược của WHO gồm các chuyên gia về tiêm chủng gần đây đã xuất bản tư liệu hướng dẫn cho các quốc gia về cách xem xét ưu tiên tiêm vắc-xin cho các nhóm người nào.

Swaminathan cho biết, hơn 10 loại vắc-xin Covid-19 trên khắp thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, và khi các loại vắc-xin khác nhau có khả năng được phân phối, nhóm cố vấn chiến lược của WHO sẽ đưa ra hướng dẫn về loại vắc-xin phù hợp nhất với quần thể nào và cách sử dụng một cách hợp lý.

Swaminathan nói: “Hầu hết mọi người đồng ý rằng, việc này trước tiên nên dành cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu, nhưng ngay cả khi đó bạn cũng cần xác định xem ai trong số họ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, sau đó đến những người già, … Sẽ có rất nhiều hướng dẫn được đưa ra, nhưng tôi nghĩ một người bình thường, một thanh niên khỏe mạnh có thể phải đợi đến năm 2022 mới được tiêm vắc-xin”.

Giống như WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đang chuẩn bị ưu tiên các cộng đồng có nguy cơ nhiễm bệnh nhất định để phân phối các liều thuốc khan hiếm. Nhưng tuyến thời gian của Hoa Kỳ có thể sẽ rất khác so với của WHO.

Bản thân Mỹ đã bảo đảm hàng trăm triệu liều vắc-xin đang được phát triển từ 6 công ty tiềm năng. Các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ nói rằng Mỹ có thể có đủ liều để tiêm chủng cho mọi người dân Mỹ vào mùa xuân năm 2021, với việc phân phối hạn chế cho các nhóm được ưu tiên bắt đầu từ năm nay.

Các quan chức hàng đầu của WHO đã cảnh báo các quốc gia khi chống lại việc đảm bảo liều lượng vắc-xin dành cho chính công dân của họ, như Mỹ và Trung Quốc đã làm. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi điều này là “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin”.

Ngược lại, WHO đã khởi động chương trình gọi là ‘COVAX’ để đảm bảo khả năng mọi người trên toàn thế giới được tiếp cận công bằng đối với việc cung cấp vắc-xin. Hơn 170 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Vương quốc Anh, đã đầu tư vào cơ sở này, giúp phân tán rủi ro và chia sẻ những lợi ích tiềm năng của việc phát triển vắc-xin giữa các quốc gia.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị bệnh động vật và bệnh mới phát hiện của WHO cho biết: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao nhất ở mọi quốc gia trước khi chúng tôi tiêm chủng cho tất cả mọi người ở một vài quốc gia”.

“Một phần của điều đó không chỉ là do các cam kết của các chính phủ, mà còn là sự hiểu biết của mỗi cá nhân. Tôi là một người trẻ hơn, vì vậy tôi nên đợi để ông bà tôi có thể tiêm vắc-xin trước″, cô nói thêm.

Nhưng bất kỳ kế hoạch phân phối vắc-xin nào cũng đều phụ thuộc vào việc cần phải có được một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả. Bình luận của WHO được đưa ra vài ngày sau khi Johnson & Johnson (là một công ty dược phẩm, thiết bị y tế hàng đầu c ủa Mỹ) thông báo tạm dừng thử nghiệm vắc-xin giai đoạn cuối của họ do lo ngại về tính an toàn. Và thử nghiệm giai đoạn cuối của AstraZeneca (công ty dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia Anh-Thụy Điển) ở Hoa Kỳ vẫn được giữ lại sau khi nó bị tạm dừng vào tháng trước.

Các quan chức y tế nói rằng việc tạm dừng như vậy trong các thử nghiệm lâm sàng là điển hình, và cho thấy rằng các cơ quan quản lý đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn thích hợp trong việc phát triển vắc-xin. Mặc dù cả hai “tiếng nấc” này đều là lời nhắc nhở về nhiệm vụ khó khăn của việc phát triển vắc-xin.

Van Kerkhove nhấn mạnh rằng ngay cả khi không có vắc-xin, thế giới đã có những công cụ để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Bà nói: “Hiện tại chúng tôi có các công cụ có thể ngăn chặn sự lây lan của vi-rút, như đeo khẩu trang, tránh tập trung nơi đông người và rửa tay thường xuyên. Chúng tôi có thể vượt qua căn bệnh này và ở nhiều quốc gia, họ cũng đã kiểm soát sự lây nhiễm”.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT