web analytics

Người dân đề nghị sớm có quy định về taxi công nghệ 15/10/2019

(KDTT) – Hàng nghìn ý kiến của người dân phản ánh, taxi công nghệ hoạt động ở các địa phương không được thí điểm, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng.

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sáng 14/10, bà Hải giơ bọc phong bì lên cho biết trong đó chứa 1.650 bức thư tay của người dân gửi đến ban Dân nguyện phản ánh về taxi công nghệ.

Bà Hải nói, ngày 7/1/2016, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định số 24 về việc thí điểm taxi công nghệ tại 5 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Tuy nhiên đến nay, Bộ vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của loại hình taxi này.

Theo trưởng ban Dân nguyện, tồn tại đó dẫn đến xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều hãng taxi. Taxi công nghệ hoạt động cả ở các địa phương không được thí điểm, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước và ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Trả lời nội dung này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ đang “sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, trong đó có liên quan đến taxi công nghệ.

“Đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi trong năm 2019”, trưởng ban Dân nguyện nói.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hải.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khen báo cáo của Uỷ ban Dân nguyện “rất sinh động”. “Chị Hải đưa ra bọc thư kiến nghị của cử tri, điều đó cho thấy là thư của dân đã đến Quốc hội, để người dân yên tâm”, bà Ngân nói.

Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thay thế Nghị định 86 cũ đã có 11 lần sửa đổi. Sau nhiều lần đề xuất rồi gỡ, tại dự thảo mới nhất, Bộ Giao thông Vận tải muốn tất cả taxi truyền thống và công nghệ, dùng đồng hồ tính tiền hay phần mềm tính tiền như Grab, Fastgo… đều phải gắn hộp đèn cố định trên nóc xe để đảm bảo công bằng vì hai loại hình taxi chịu điều kiện kinh doanh như nhau.

Trước đó, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 lần thứ 10 trình Chính phủ hồi tháng 8, Bộ Giao thông Vận tải đã bỏ quy định các xe hợp đồng điện tử như Grab, Fastgo… phải gắn mào. Thay vào đó yêu cầu dán phù hiệu “Xe hợp đồng” bằng vật liệu phản quang ở bên trong xe. Hồi cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu hủy bỏ đề xuất bắt buộc taxi công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe. Thủ tướng chỉ đạo phải dùng công nghệ để quản lý thay vì “gắn hộp đèn”.

Theo VNE