web analytics

Người dân cần chuẩn bị những giấy tờ gì khi ra, vào Hà Nội? 25/09/2021

(KDTT) – Hà Nội điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng nới lỏng giãn cách nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ người ra, vào thành phố từ 6h ngày 21/9/2021. Vấn đề được nhiều người dân quan tâm là những trường hợp nào được ra, vào thành phố; những giấy tờ cần thiết mang theo là gì?

Ngày 23/9, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội thông tin, công tác kiểm soát người dân và phương tiện ra, vào thành phố tại 22 chốt kiểm soát ở cửa ngõ Thủ đô được áp dụng theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả những người ra, vào đều phải xuất trình những giấy tờ hợp lệ theo công văn số 2434 ngày 29/7 của UBND TP.Hà Nội mới được qua chốt.

Cụ thể, đối với người ở tỉnh, thành phố khác vào thành phố làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động, cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu.

Đối với cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội làm việc, lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố khác: Cần có giấy xác nhận là cán bộ, công nhân, người lao động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố đó và giấy xác nhận của chính quyền nơi cư trú theo mẫu.

Đối với các trường hợp khác: Người ở tỉnh, thành phố khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; lễ tang; đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa, đón) cần chuẩn bị: Căn cước công dân, hộ chiếu, vé máy bay, kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày); đối với bệnh nhân phải có hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện; lịch trình vào, ra; địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố…

Đối với các trường hợp người dân đi ra khỏi thành phố trước ngày 24-7-2021 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 17) muốn quay lại Hà Nội; các trường hợp người buôn bán hàng hóa thiết yếu từ các địa phương, tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội: Cần chuẩn bị căn cước công dân, các loại giấy tờ chứng minh việc buôn bán; kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày).

Đối với người di chuyển từ Hà Nội về các địa phương khác, theo nhân viên tư vấn tổng đài 1022, người dân cần nắm rõ quy định tiếp nhận của từng địa phương nơi người dân đến, có thể gọi điện trước cho y tế phường, hoặc xã tại địa phương cư trú để nắm rõ quy định về tiếp nhận và cách ly khác nhau của mỗi địa phương. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều yêu cầu các giấy tờ chính như: Kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR có giá trị trong vòng 3 ngày hoặc kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính; Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và yêu cầu 5K theo quy định…

Hiện nay các tỉnh, thành có những quy định khác nhau về việc người từ Hà Nội về/đến địa phương.

Tại Hải Dương, người từ các địa phương khác vào tỉnh (kể cả người Hải Dương trở về từ tỉnh ngoài) phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ; trường hợp đặc biệt phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh.

Với những người đến/về từ Hà Nội đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 khi vào tỉnh phải thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Riêng đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7 kể từ ngày đến/về địa phương.

Các tỉnh, thành có những quy định khác nhau về việc người từ Hà Nội trở về/đến địa phương.

Tại Hưng Yên, người Hà Nội vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh trong vòng 48 giờ; giấy xác nhận tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; thực hiện việc khai báo y tế và thực hiện 5K.

Tại Hải Phòng, người đến từ Hà Nội đến Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ; cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14.

Tại Thanh Hóa, theo quy định hiện hành, người từ Hà Nội vào Thanh Hóa phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc PCR trong vòng 72 giờ.

Với người có xác nhận tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc được công bố khỏi bệnh Covid-19, thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày, tổ chức xét nghiệm 2 lần.

Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày về địa phương, thực hiện xét nghiệm 3 lần, người cách ly phải tự trả các chi phí liên quan; kết thúc thời gian cách ly y tế tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.

Tại Vĩnh Phúc, người từ Hà Nội muốn vào tỉnh Vĩnh Phúc phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 (test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) âm tính trong vòng 72 giờ.

Người đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (có chứng nhận trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng tính đến thời điểm về tỉnh) hoặc người từng bị nhiễm đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19 (có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về tỉnh) và có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc giấy ra viện: Phải thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương, thực hiện xét nghiệm ít nhất 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7.

Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19, phải thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày; xét nghiệm ít 3 lần vào ngày thứ 4, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly. Kết thúc thời gian cách ly y tế tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo.

Tại Phú Thọ, tất cả người tỉnh ngoài vào địa phương là phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong thời hạn 72 giờ.

Đối với cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc tại các cơ quan hành chính, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; có địa chỉ thường trú ngoại tỉnh: Tỉnh Phú Thọ khuyến khích các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bố trí cho người lao động lưu trú lại địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện nay.

Trong trường hợp cán bộ, công nhân, người lao động không thể lưu trú lại tại tỉnh Phú Thọ thì cơ quan hành chính, doanh nghiệp liên hệ cơ quan y tế đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho các đối tượng này với tần suất 3 ngày/lần theo phương pháp gộp mẫu để đảm bảo các điều kiện vào tỉnh theo quy định.

Tại Nam Định, tỉnh này  tạm dừng tiếp nhận người dân trở về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Với Hà Nội do đã chuyển sang Chỉ thị 15, người từ Hà Nội về nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ phải cách ly một tuần.

Bên cạnh đó, tại các địa phương khác sẽ có những quy định khác tùy vào tình hình thực tế tại tỉnh, thành đó. Người dân cần liên hệ trước với CDC các tỉnh, thành hoặc cơ quan chức năng để nắm bắt được đầy đủ thông tin trước khi có kế hoạch di chuyển.

Như vậy, đối với những trường hợp muốn ra, vào thành phố, người dân cần xác định bản thân có nằm trong diện được phép ra, vào thành phố hay không. Trước khi xuất phát cần chủ động chuẩn bị kỹ những giấy tờ có liên quan, khai báo y tế, lịch trình… để tránh việc di chuyển ra các cửa ngõ gây ùn ứ, mất thời gian, ảnh hưởng đến trật tự giao thông công cộng.

QUANG VŨ

Bạn đang đọc bài Người dân cần chuẩn bị những giấy tờ gì khi ra, vào Hà Nội? tại chuyên mục Cộng đồng.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT