web analytics

Ngành chăn nuôi phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu 21/09/2020

(KDTT) – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh như trên tại Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040.

Theo Bộ NN&PTNT, chiến lược phát triển chăn nuôi được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2008 đến nay đã góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ và nguồn nhân lực, đưa chăn nuôi Việt Nam phát triển và từng bước hội nhập.

Nhiều lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á…

Một số sản phẩm chăn nuôi đã khẳng định được giá trị thương hiệu và xuất khẩu hành công như: Thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 – 6,5 triệu nông hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong thời kỳ tới, nhu cầu thực phẩm về các sản phẩm chăn nuôi trong nước và các nước trong khu vực tiếp tục tăng cao. Dự kiến đến năm 2030, dân số nước ta sẽ đạt gần 107 triệu người, mức thu nhập trên 10.000 USD và ít nhất 50 triệu khách du lịch quốc tế. Thị trường lớn về sức tiêu dùng thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Trong rất nhiều năm qua, cùng với bảo đảm lương thực, việc đưa chăn nuôi lên thành ngành chính luôn là khẩu hiệu của Việt Nam”. Ảnh: Minh Phong

Bên cạnh đó, chăn nuôi cần phải thay đổi nhanh để thích ứng với tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự thay đổi ngày một lớn của khoa học công nghệ.

Phát biểu tại hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040 mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, an ninh lương thực, anh ninh dinh dưỡng luôn là vấn đề bức thiết đặt ra đối với Việt Nam. Vì vậy trong rất nhiều năm qua, cùng với bảo đảm lương thực, việc đưa chăn nuôi lên thành ngành chính luôn là khẩu hiệu của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái đầy đủ cho ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, đặc biệt là ngành sữa Việt Nam hiện đứng thứ 3 Asean. Nhờ đó, Việt Nam đã đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu thực phẩm cho nhân dân, sinh kế từ làm chăn nuôi từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, khó khăn chưa phải đã hết, đó là tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối. Ba khâu quan trọng trong chăn nuôi là sản xuất, chế biến và tiêu thụ thì hiện tại mới đạt được mục tiêu sản xuất tăng. Mong muốn đưa chăn nuôi lên làm ngành chính, song tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản 40 tỷ USD mỗi năm còn quá thấp.

Chính vì vậy, sau khi kết thúc chiến lược 2018-2020, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Chính phủ xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040 để xác định lại vị thế của ngành hàng này, với quyết tâm khắc phục bằng được những tồn tại của quá trình thực hiện chiến lược giai đoạn vừa qua để tổ chức lại, xác định định hướng lớn trong phát triển, lấy kinh tế, môi trường, an sinh là hiệu quả bền vững của ngành chăn nuôi.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất đạt trung bình từ 4 – 5%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt từ 3-4%/năm. Sản lượng thịt các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm.

Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18-19 tỷ quả trứng và từ 1,7-1,8 triệu tấn sữa, đến năm 2030 đạt khoảng 30 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25-30% vào năm 2025, từ 40-50% vào năm 2030.

Tầm nhìn đến năm 2040, phấn đấu 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, chăn nuôi phải trở thành hiện đại, đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, thị trường, ngành chăn nuôi phải là ngành đi đầu trong kinh tế tuần hoàn áp dụng công nghệ mới nhất cho từng ngành hàng, từng giai đoạn, từng quy mô. Phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu, đây là áp lực cần thiết.

MINH PHONG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo link gốc: https://phapluatxahoi.vn/nganh-chan-nuoi-phai-huong-den-muc-tieu-xuat-khau-210530.html