web analytics

Nền tảng Make in Vietnam trong năm 2020: Lĩnh vực công nghệ AI chiếm ưu thế 31/12/2020

(KDTT) – Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2020, trong năm 2020, đã có tổng cộng 38 nền tảng Make in Vietnam được đơn vị này cho ra mắt. Đây là các sản phẩm được giới thiệu trong chuỗi sự kiện “Ngày thứ 6 công nghệ” được tổ chức hàng tuần bởi Bộ TT&TT.

“Ngày thứ 6 công nghệ” là chuỗi sự kiện được tổ chức với phương châm “Mỗi tuần 1 sản phẩm Make in Vietnam”. Chương trình này nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa nhiều nền tảng số hữu ích đến với doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế – xã hội.

“Ngày thứ 6 công nghệ” là một sự công nhận của Bộ TT&TT với sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp cũng sẽ hưởng lợi nhờ việc được quảng bá sản phẩm.

Trong năm qua, các nền tảng tham gia chương trình “Ngày thứ 6 công nghệ” trải rộng trên nhiều lĩnh vực, gồm Đào tạo trực tuyến, Hội nghị trực tuyến, Điện toán đám mây, Công nghệ AI, Tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh, Quản trị doanh nghiệp và Nền tảng mã địa chỉ bưu chính.

Có thể thấy, trong số 38 nền tảng được ra mắt trong năm qua, lĩnh vực công nghệ AI chiếm ưu thế với 11 nền tảng, như: 1Office, Stringee, akaChain, Viettel AI Open Platform, FPT AI…

Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19, các nền tảng liên quan tới họp trực tuyến hay giáo dục trực tuyến cũng có cơ hội góp mặt. Điển hình như hai nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến của Viettel và VNPT, cung cấp giải pháp cho hơn 30.000 trường học trên phạm vi cả nước. Hay như Zavi, nền tảng họp trực tuyến đầu tiên do người Việt Nam làm chủ và tự phát triển, được cung cấp miễn phí…

Theo Cục Tin học hóa, chuỗi sự kiện “Ngày thứ 6 công nghệ” sẽ tiếp tục được tổ chức trong năm 2021. Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng có thể đăng ký tham gia chương trình thông qua website Digital.mic.gov.vn hoặc gửi văn bản về 1 trong 2 đầu mối: Cục Tin học hóa và Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số (Bộ Thông tin và Truyền thông).

MINH THÀNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT