web analytics

Nâng cấp nguồn nước sạch bằng các công nghệ tối ưu 13/04/2021

(KDTT) – Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Đứng trước thách thức trong việc cung cấp đủ nguồn nước sạch cho người dân, cần đầu tư xây dựng các hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cũng như nâng cấp hệ thống xử lý nước cấp bằng các công nghệ tối ưu.

Chất lượng nước ở hầu hết các con sông nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. (Ảnh: internet).

Thiếu hụt hạ tầng xử lý nước thải

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250.000 người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. Theo một nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này, dẫn đến thực trạng rất đáng buồn ở Việt Nam đó là hành động xả thải ra sông hồ và biển cả.

Các nghiên cứu và khảo sát của Liên minh Nước sạch cho thấy, ô nhiễm nguồn nước (sông ngòi, ao hồ) tại Việt Nam đang có nguy cơ vượt mức kiểm soát. Hẳn chúng ta sẽ không quên những lần vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà, người dân ở các khu vực Mỹ Đình, Xa La, Tân Tây Đô (Hà Nội) đã phát hiện nước sinh hoạt bị nhiễm Asen gấp nhiều lần so với mức độ cho phép…

T.S Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường từng cho biết, “chất lượng nước ở hầu hết các con sông nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Ở các sông, hồ, kênh rạch trong nội thành, nội thị, trị số hàm lượng các chất ô nhiễm của các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép đối với nguồn nước”. Ông cũng chỉ ra rằng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã làm gia tăng bệnh tật cho người dân tại các tỉnh thuộc lưu vực sông, đặc biệt là các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nguồn nước bị ô nhiễm.

Việt Nam hiện có hơn 800 đô thị nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung cũng như hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải thiếu hụt dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường đe doạ môi trường và trở thành khó khăn lớn cho các đô thị Việt Nam.

Bên cạnh đó phần lớn quy trình xử lý nước và công nghệ xử lý nước của các nhà máy vẫn còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho người dân.

Đón đầu công nghệ bằng “tâm” và “tầm”

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang vận hành, tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm, nhưng tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 13%.

Rõ ràng, việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức, và trong đó việc đổi mới công nghệ, cải tiến giải pháp quản lý là những điểm chính yếu để từng bước xử lý nước thải, chống ô nhiễm, mang lại giá trị về kinh tế.

Hệ thống xử lý nước với công suất 1000 m3_ngày đêm của Haminco.

Đứng trước thách thức này ông Cao Quang Hà – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ môi trường và PCCC Haminco cho biết hệ thống xử lý nước thải sinh học của công ty sẽ áp dụng công nghệ phù hợp nhất đối với từng loại nguồn nước để có phương án xử lý.

Được biết các hệ thống xử lý đều do đội ngũ trong công ty xây dựng, phát triển lên, thông qua việc kế thừa và ứng dụng các công nghệ khoa học, thiết bị xử lý tiên tiến.

Hiện nay công ty đang phát triển hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt theo dạng modun, khách hàng chỉ cần xây bể thu gom và kết nối bơm, máy thổi khí vào modun để xử lý, với hình thức này sẽ giảm đi rất nhiều chi phí so với việc xây lắp tại chỗ, dễ dàng tháo gỡ, vận chuyển đi nơi khác.

Công nghệ xử lý nước thải của Haminco bao gồm Modun bể hiếu khí có đệm sinh học và bể lắng cho phép xử lý chất hữu cơ (COD và BOD); nitrogen với hiệu quả cao, đảm bảo các yếu tố “không mùi – không ồn ào – không ruồi muỗi”, vận hành đơn giản và tiết kiệm diện tích xây dựng. Nước ra sau cột lọc sẽ đạt tiêu chuẩn xả thải QCVN 14:2008/BTNMT.

Về nguyên tắc, tài nguyên nước không chỉ được xem như “tài sản chung” mà còn là “hàng hóa có giá trị thương mại và kinh tế.” Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên nước, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai các giải pháp nhằm tăng cường quản lý, sử dụng bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ vào công tác quản lý hạ tầng cấp nước sinh hoạt nói riêng là cần thiết, sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Và điều cốt lõi có thể làm trước mắt là tăng cường kiểm soát nguồn thải trọng điểm nhằm giảm lưu lượng nước thải cần xử lý, giảm áp lực cho các nhà máy xử lý và giảm bớt gánh nặng với môi trường.

DUY LỘC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT