web analytics

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long 06/10/2020

(KDTT) – Những năm qua, các tỉnh, thành vùng (ĐBSCL) đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên đến nay, chất lượng giáo dục và đào tạo ở ĐBSCL vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Để vươn lên tương xứng với tầm vóc, vị thế của vùng, giáo dục ĐBSCL rất cần những giải pháp khả thi để nhanh chóng thoát khỏi “vùng trũng”, trở thành động lực phát triển cho toàn vùng.

Đại học Trà Vinh đột phá để phát triển.

Còn nhiều hạn chế, yếu kém

Vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành, trong đó đa phần người dân sinh sống ở nông thôn, chủ yếu dựa vào sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Dù là vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp, tuy nhiên ĐBSCL lại là “vùng trũng” về giáo dục, mặt bằng dân trí thấp nhất so với cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trong khi chi phí cho việc học là không nhỏ. Nhưng nguyên nhân mấu chốt vẫn là nhận thức của một bộ phận người dân về phát triển giáo dục còn hạn chế. Nhiều gia đình, các bậc cha mẹ chưa coi trọng việc đưa con em đến trường học. Có những em vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Cũng có nhiều học sinh yếu kém không theo kịp chương trình, mặc cảm với bạn bè rồi nghỉ học…

Ông Nguyễn Văn Nhơn, ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) bộc bạch: “Vợ chồng tôi có tới 6 đứa con, nhưng canh tác chỉ hơn 2 công đất ruộng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Cũng từ cái khó nên hàng ngày phải chạy lo chuyện cơm áo gạo tiền, không còn thời gian lo việc học cho con cái. Ngoài ra, tụi nhỏ cũng không ham học, nên chỉ học hết cấp 2 là nghỉ để làm thuê kiếm sống hàng ngày”.

Tại Kiên Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ… cũng có nhiều gia đình ngại cho con ăn học tới nơi tới chốn bởi tâm lý và chưa nhận thức đúng giá trị của việc học. Chị Trần Thị Lan, ngụ phường Thới Thuận, huyện Thốt Nốt ( TP Cần Thơ ), thổ lộ: “Chuyện học hành bây giờ tốn kém rất nhiều tiền, nhưng năm nào cũng nghe hàng ngàn sinh viên đại học ra trường thất nghiệp khiến những gia đình làm nông nghiệp như tụi tui “chùn chân” và phân vân không biết có nên cho con học nữa hay không ? Cũng vì điều này mà vợ chồng tôi cho 2 đứa con lớn nghỉ học để phụ làm ruộng với gia đình, chỉ dám cho đứa út học mà thôi”…

Học sinh vùng lũ Tân Hồng – Đồng Tháp đi xuồng đến trường.

Có thể nói, ở các vùng nông thôn ĐBSCL tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, hoặc học chỉ để “biết chữ” rồi nghỉ để đi làm thuê, làm mướn… diễn ra khá phổ biến. Thời gian qua, ngành giáo dục các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang… luôn đau đầu việc các em bỏ học theo cha mẹ đi lên Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… làm trong các khu công nghiệp và không trở về địa phương để tiếp tục học. Mặc dù, nhà trường và chính quyền địa phương nỗ lực vận động bằng nhiều cách, nhưng kinh tế khó khăn nên người dân nông thôn chưa quan tâm nhiều vào việc đầu tư cho con em đi học.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tỷ lệ học sinh vùng ĐBSCL bỏ học còn khá cao, ở cấp tiểu học là 0,45%, THCS 3,26% và cấp THPT 3,94%. So với hai vùng miền núi có nhiều khó khăn là Tây Nguyên và Tây Bắc, tỷ lệ học sinh bỏ học ở ĐBSCL vẫn cao hơn nhiều lần. Tỷ lệ học sinh, sinh viên trên dân số cũng rất thấp, cứ 1 vạn dân của ĐBSCL có 71,5 sinh viên đại học, cao đẳng; học sinh THPT trên 1.000 người dân thì chỉ có 26,31… thấp nhất so với các vùng trong cả nước. Những hạn chế, yếu kém này đang là lực cản trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở ĐBSCL.

Không chỉ vậy, hiện nay ngành GD&ĐT trong vùng còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường, lớp học, trang thiết bị phục vụ dạy và học…Toàn vùng (năm học 2018-2019) còn thiếu 16.778 giáo viên các cấp; tỷ lệ phòng học, lớp học kiên cố hóa bình quân thấp nhất cả nước; hiện vẫn còn hơn 1.900 phòng học tạm, 2.608 phòng học nhờ mượn; trang thiết bị đào tạo, hệ thống phòng chức năng yếu và thiếu; số trường đạt chuẩn quốc gia chủ yếu tập trung ở nơi thuận lợi. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu, chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới giáo dục. Các trường đào tạo sư phạm địa phương thiếu giảng viên đầu ngành trình độ cao; chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Trong khi một số chính sách, cơ chế tài chính chậm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế

Phát quà cho học sinh nghèo ở Sóc Trăng.

Thay đổi nhận thức, các ngành cùng vào cuộc

Để giáo dục vùng ĐBSCL thay đổi theo chiều hướng tích cực thì việc thay đổi nhận thức trong suy nghĩ từng hộ gia đình là rất quan trọng. Cần phải xem việc học không chỉ để biết chữ, mà học để lập nghiệp sau này, học để mở mang kiến thức, để nâng cao trình độ, nâng cao sự hiểu biết; ngay cả làm nông nghiệp cũng cần phải học để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm được nhu cầu thị trường tiêu thụ nhằm định hướng sản xuất phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều giảng viên Quốc tế đến làm việc tại Đại học Trà Vinh.

Thực tế, thời gian qua nhiều địa phương ở ĐBSCL đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân nông thôn lo cho con em học hành nhiều hơn. Không ít địa phương phát động phong trào “học để ngày mai lập nghiệp”, tăng cường khuyến khích những tấm gương vượt khó học giỏi, suy tôn những gia đình hiếu học, những xã, ấp có cách làm hay trong phát triển giáo dục.

Ngày chúng tôi về xã Nhị Long, huyện Càng Long (Trà Vinh), một vùng nông thôn còn nhiều khó khăn nhưng phong trào học tập ở đây là một điển hình rất đáng ngợi khen. Ông Lê Văn Thảo ở ấp Đon, xã Nhị Long, huyện Càng Long gia đình thuộc diện khó khăn, hàng ngày ông Thảo chạy xe ôm kiếm tiền mua gạo nuôi 6 đứa con. Lo cái ăn đã mệt, vậy mà ông lại ôm ấp giấc mơ nỗ lực cho các con vào đại học. Ông Thảo chia sẻ: “Tình cảnh tui giống như bị “triệt buộc”, để con cái sau này thoát nghèo, bớt khổ thì chỉ có con đường duy nhất là phải học. Bởi nếu không học thì khi lớn lên các con chỉ có đi làm thuê, làm mướn, làm phụ hồ… sống qua ngày, cuối cùng cái nghèo vẫn nghèo”. Suy nghĩ thế, nên vợ chồng ông Thảo đã thắt lưng buộc bụng, dồn sức chăm lo cho đàn con đi học.

Được biết, có hôm ông chạy xe được 100 ngàn đồng, nhưng khi trời mưa gió, ít khách chỉ kiếm được 30 ngàn đồng hoặc 50 ngày đồng. Tiền kiếm được dành mua gạo lo cái ăn, còn lại chút ít thì mua sách vở, dụng cụ học tập cho các con. Con càng lớn và thi đỗ vào đại học Trà Vinh thì gánh nặng đè lên vai vợ chồng ông càng nhiều. Thấy ông vất vả nên các con ngoài việc học thì còn đi bán vé số, làm thuê… để kiếm tiền phụ gia đình. Thế rồi lần lượt 6 người con đều vào đại học trong niềm vui rơi nước mắt của đôi vợ chồng gầy gò vì gian khó này. Cứ đứa lớn hỗ trợ cho đứa nhỏ, đứa nhỏ hỗ trợ cho đứa nhỏ nữa… để cùng học tốt, cùng giúp nhau vào đại học. Đến nay có 4 đứa đã ra trường và có việc làm ổn định, 2 đứa còn lại đang học đại học.

Ông Lưu Văn Thanh, ngụ ấp Rạch Mới, xã Nhị Long, tâm sự: “Vùng này ngày trước ảnh hưởng chiến tranh nên điều kiện khó khăn dữ lắm. Để đổi đời, vợ chồng tui cũng kiên trì nuôi 4 đứa con học hành đàng hoàng. Và đến nay các con đều đã ra trường, có được việc làm tốt. Căn nhà tường khang trang này cũng nhờ các con đóng góp xây dựng cho gia đình nở mày nở mặt với bà con lối xóm”.

Học sinh trường PTTH Trần Văn Bảy huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) trước giờ thi tốt nghiệp.

Theo ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhị Long, toàn xã có khoảng 600 người có trình độ đại học, trong đó có 2 tiến sĩ và 16 thạc sĩ. “Để có được nhiều người học lên đại học và cao hơn nữa, chúng tôi đã nỗ lực hết mình cho công tác khuyến học, khuyến tài. Hội Khuyến học liên tục đến từng gia đình để động viên cha mẹ lo cho con em ăn học, hộ nào quá khó thì hội và các mạnh thường quân giúp đỡ. Đồng thời, nêu những tấm gương vượt khó học giỏi để mọi người học tập làm theo. Thành lập những dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học… để cùng nhau phát triển việc học” – Ông Đức nói.

Thực tế ở xã Nhị Long có rất nhiều gia đình nghèo, nhưng vẫn vươn lên để nuôi con ăn học tới nơi tới chốn. Rồi có những chú, những bác dù đã lớn tuổi nhưng vẫn đi học THPT, rồi thi tốt nghiệp… để cho con cháu nhìn thấy mà noi theo. Cũng nhờ việc học nên nhiều người dân ở xã Nhị Long có thêm được việc làm, có thu nhập ổn định, từ đó xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.

Phó Thủ Tướng Võ Đức Đam thăm và làm việc tại Đaị học Trà Vinh

Tỉnh Hậu Giang có sáng kiến triển khai phong trào “Đỡ đầu trường học”, theo đó vận động các sở, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong tỉnh, mỗi đơn vị nhận đỡ đầu một trường học, nhằm giúp các trường ngày càng khang trang “xanh, sạch, đẹp”; giúp đội ngũ thầy, cô giáo và học sinh vượt khó, dạy tốt, học tốt. Đến nay đã có gần 250 trường mầm non và phổ thông được nhận đỡ đầu. Trung bình hàng năm, tổng giá trị các suất học bổng, dụng cụ học tập, xe đạp, quần áo hỗ trợ cho học sinh nghèo lên đến hàng chục tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em yên tâm đến trường học.

Tỉnh vận động Công ty Him Lam, Ngân hàng Liên Việt xây trường tiểu học Him Lam (phường 4, TP Vị Thanh) và trường phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (huyện Châu Thành A)  với số vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Với sự chung tay của cộng đồng, từng cấp học, bậc học đã có sự chuyển biến tích cực. Số trường học nay đã tăng lên 340 trường, từ mầm non đến trung học phổ thông, trong đó có 175 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang với sự đóng góp hơn 70 nghìn mét vuông đất của người dân để xây trường học. Nhờ vậy, năm học 2018-2019 tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ còn 0,86%, giảm 0,23% so với năm học 2017-2018. Ngoài ra, tỉnh còn nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên học tập nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ.

Đến nay, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn của cán bộ, giáo viên các ngành học, cấp học tăng trên 99%, trong đó có trên 70% giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ đào tạo trên chuẩn. Số lượng học sinh đỗ thủ khoa các trường cao đẳng, đại học; học sinh đạt giải học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp quốc gia ngày càng tăng cao và giữ vững…

Ban liên lạc kiều bào Bến Tre hỗ trợ học sinh đến trường.

Nếu như trước đây, việc con em học lên đại học ở vùng ĐBSCL là rất khó, do số trường ít thì những năm qua được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, số lượng trường đại học ở ĐBSCL tăng lên khá nhiều. Ngoài TP Cần Thơ là trung tâm của vùng nên có nhiều trường đại học, trong đó Đại học Cần Thơ có bề dày đào tạo nhiều năm và tạo nên thương hiệu mạnh về chất lượng. Bên cạnh đó, những địa phương như Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang… cũng đã thành lập trường đại học, từ đó góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí cho toàn vùng.

                                                                         Bài và ảnh: ĐỖ NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT