web analytics

Mỹ là “trùm” ô nhiễm nhựa trên thế giới 03/11/2020

(KDTT) – Theo Theverge, một nghiên cứu mới tiết lộ rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc rác thải nhựa đang gây ô nhiễm các đại dương trên thế giới nhiều hơn những gì họ đã nghĩ trước đây. Theo ước tính, khi nói đến các quốc gia đóng góp nhiều nhất vào ô nhiễm nhựa ven biển, Mỹ có thể xếp hạng cao thứ ba trên thế giới.

Nick Mallos – Giám đốc cấp cao của chương trình “Biển không rác” của Tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy, và đồng tác giả của bài báo đăng trên tạp chí Science Advances cho biết: “Ô nhiễm nhựa trên toàn cầu đang ở mức khủng hoảng. Vấn đề lớn nhất là thay vì nhìn vấn đề bằng mắt thường, trong hơn 30 năm, Mỹ đã giải quyết các vấn đề rác thải bằng cách thuê các nước đang phát triển”.

Được biết phần lớn đồ nhựa của người Mỹ trong các thùng rác không được tái chế.

Trong nhiều năm, các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Việt Nam đã xếp hạng cao hơn nhiều so với Mỹ trong danh sách các quốc gia gây ô nhiễm nhựa ven biển.

Ấn Độ và Indonesia xếp hạng cao nhất khi các nhà nghiên cứu ước tính lượng rác thải nhựa của mỗi quốc gia được thải ra đại dương. (Ảnh: Paulo Oliveira / Alamy).

Một nghiên cứu cũ hơn cho thấy Mỹ đứng thứ 20 trong số các quốc gia quản lý chất thải nhựa kém nhất vào năm 2010. Nhưng nghiên cứu đó chưa tính đến chuyện liệu chất thải có được quản lý sau khi nó được xuất khẩu sang một quốc gia khác để tái chế hay không.

Trong nghiên cứu lần này, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của năm 2016 và đánh giá cách xử lý chất thải sau khi nó được vận chuyển ra nước ngoài. Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ rác thải nhựa không được quản lý tốt của Mỹ đã tăng lên tới 400% so với con số năm 2010.

Trung bình, người Mỹ tạo ra nhiều rác thải nhựa nhất trên đầu người trên toàn cầu, theo nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Georgia, tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy và các nhóm nghiên cứu khác thực hiện. Trung bình, một người Mỹ phải chịu trách nhiệm cho hơn 280 pound chất thải nhựa mỗi năm so với khoảng 120 pound của một người châu Âu. Sau EU, Ấn Độ tạo ra lượng rác thải nhựa trên đầu người lớn tiếp theo, với khoảng 44 pound mỗi năm.

Năm 2016, các nhà nghiên cứu tính toán Mỹ đã gửi hơn một nửa trong số đống rác nhựa tái chế khổng lồ của mình đến các nước khác. Con số này lên tới gần 2 triệu tấn được vận chuyển ra nước ngoài, trong đó có tới 1 triệu tấn có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Gần 89% lượng hàng xuất khẩu tập trung ở các quốc gia nơi hơn 1/5 rác thải được xử lý không đúng cách, phần lớn là do thiếu cơ sở hạ tầng quản lý chất thải. Để làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với những quốc gia đó, từ 15-25% nhựa mà họ nhận được có thể đã quá ô nhiễm hoặc có giá trị thấp để tái chế.

Mallos cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ trong việc đáp ứng các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài”.

Việc tái chế thậm chí còn trở nên phức tạp hơn kể từ năm 2016, năm gần đây nhất mà các tác giả nghiên cứu có thể thu thập dữ liệu toàn cầu. Được biết, trước đây Trung Quốc đã tiếp nhận phần lớn rác tái chế của Mỹ, đến năm 2018 họ quyết định sẽ ngừng chấp nhận nhựa cấp thấp. Điều đó dẫn đến một cuộc tranh giành để gửi nhựa đến các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Những quốc gia này, bao gồm cả Thái Lan và Malaysia, trước đây không tiếp nhận một lượng rác thải lớn như vậy, bởi có khả năng làm căng thẳng cơ sở hạ tầng rác thải của họ. Ở những nơi bị ngập lụt bởi một lượng rác thải mới, nhựa bị loại bỏ có thể bị đốt cháy – hoặc đổ vào các hố hở, nơi gió và lũ lụt có thể dễ dàng đẩy các vật liệu nhẹ ra đại dương.

Nhựa vẫn là một vấn đề môi trường lớn và việc tái chế không đủ mạnh để giải quyết nó. Theo một nghiên cứu năm 2017, chỉ 9% chất thải nhựa trên thế giới đã từng được tái chế. Phần lớn trong số đó sẽ tồn tại trong hàng trăm năm tới ở các bãi chôn lấp hoặc trong môi trường, trừ khi các quốc gia thực sự coi việc xử lý rác thải là trọng tâm và bắt đầu hành động.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT