web analytics

Mong về Hà Nội 16/10/2018

(KDTT) – Tôi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mà tôi cho đó là một “đặc ân” đối với bản thân. Cũng chính bởi thế mà sau này, mỗi lần học tập và làm việc xa Thủ đô, nỗi nhớ nhung da diết, niềm bồi hồi “khi chạm bóng cửa ô” lại dâng lên, để hình dung và chiêm nghiệm về một Hà Nội trước khi ra đi và sau khi trở về, đúng như câu hát “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình…”

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 64 Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2018), Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Phát Triển xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Trần Văn – Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII:

Tôi xa Thủ đô ba lần. Lần đầu là đi sơ tán trong giai đoạn đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc (1965-1969). Lần đó, Hà Nội không mấy thay đổi trừ những điểm bị bom Mỹ ném trúng như cầu Long Biên, ngay cả khi các khẩu đội pháo cao xạ 12,7 ly đã anh dũng cắm chốt tử thủ trên các đỉnh cao nhất của cầu,… và hàng loạt các dãy hầm trú ẩn tập trung ở hầu hết các vườn hoa và hầm trú ẩn cá nhân dọc các vỉa hè ở Hà Nội. Người Hà Nội ngày đó chủ yếu mặc quần áo màu xanh công nhân, xanh lá cây, đi dép nhựa Tiền Phong, đội mũ cối của bộ đội và đi xe đạp Thống Nhất.

Lần xa Hà Nội tiếp theo là khi tôi đi học ở Nga từ năm 1975 đến năm 1981. Khi tôi trở về, Hà Nội đã có một số thay đổi như một số tuyến phố chuyên bán hàng Liên Xô như Cát Linh, Trần Quý Cáp, chợ Hòa Bình… Hà Nội khi đó tràn ngập các loại xe đạp, xe máy sản xuất tại Liên Xô và Đông Âu như Babeta, Java của Tiệp Khắc, Mifa, Simson của Đức, R26 của Hungari, Sputnik, Sport, Minsk của Liên Xô,…

Lần gần đây nhất mà tôi xa Hà Nội là khi làm việc cho một công ty vận tải biển thuộc Bộ Giao thông – Vận tải và là cán bộ nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương Đảng thời kỳ 1991-2005.

Một sạp báo nhỏ trên phố Hàng Bông năm 1986.

Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, đây có lẽ là giai đoạn Hà Nội có nhiều thay đổi nhất. Đó là Nhà hát Lớn sau đợt trùng tu năm 1996 đã trở lại với vẻ đẹp quý phái của một công trình kiến trúc lịch sử của Thủ đô. Nhiều chợ truyền thống của Hà Nội như: Đồng Xuân, Hàng Da, Cửa Nam, Mơ,… được cải tạo hay xây mới đã gây nhiều xốn xang, không chỉ trong lòng tiểu thương kinh doanh mà còn là sự tiếc nuối của những người yêu Hà Nội. Thời điểm này là lúc tàu điện Hà Nội vốn xuất phát từ ga Trung tâm ở bờ hồ Hoàn Kiếm tỏa đi 6 cửa ngõ: Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ và Vọng, được dỡ bỏ sau 100 năm “leng keng” trên phố phường Hà Nội…

Dĩ nhiên, thành phố cần những đổi thay để hòa nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước. Tránh sao được những xáo trộn, đổi dời của cảnh quan và lòng người. Nhưng cũng trách sao được, khi lớp “người cũ” chúng tôi vẫn khắc khoải “Những phố phường rất xưa của Hà Nội, Những Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Vải/ Những phố phường dọc ngang lối cũ” để bồi hồi nghe gió sông Hồng thở than, để thương một cánh áo cài vội khi đông về…

Hà Nội giờ đã phát triển thành một “siêu đô thị” với những nhà cao tầng san sát.

Bây giờ thành phố trở nên quá ngột ngạt với nhiều khu nhà cao tầng nằm ngay trong vùng lõi của thành phố, chèn lấn các công trình kiến trúc cổ. Hà Nội như “nhanh hơn” để đuổi kịp thời đại mới, với 4.0, với những giá trị mới. Những người gắn bó với Thủ đô từ thời đạn bom không khỏi thấy xót xa khi cảnh sắc quen thuộc của người dân Hà Nội đang dần dần bị mai một, biến mất khỏi tầm mắt.

Thủ đô bây giờ đã phát triển đến mức một siêu đô thị, cái cũ đang nhường bước cho cái mới tiến lên, nhưng vẫn không ra khỏi cái “nền” văn hóa, lịch sử vốn có của đất kinh kỳ. Vẫn còn đâu đó tiếng rao đêm, lẩn khuất dưới tán cây bàng, cây me, cây cơm nguội…

Lớp trẻ bây giờ có câu cửa miệng: “Đi thật xa để trở về”, nhưng những người như chúng tôi, vốn cả đời đã phải đi xa, thậm chí rất xa, khái niệm trở về đã trở thành một giao ước thiêng liêng với Thủ đô, bởi đất và người Hà Nội vẫn luôn “mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi/Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi” , dù có bước chân qua bao nẻo đường, “vẫn mong một ngày trở về Hà Nội ơi”…

Theo: TS. Trần Văn – Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII / KDPT