web analytics

Môi giới bất động sản xoay xở thoát khó 21/03/2020

(KDTT) – Hàng trăm doanh nghiệp môi giới bất động sản đã đóng cửa vì dịch Covid-19 chỉ trong vòng hơn 2 tháng đầu năm. Những doanh nghiệp còn tồn tại đang phải xoay xở tìm mọi cách để thoát khó.

Hàng trăm doanh nghiệp môi giới bất động sản đã đóng cửa vì dịch Covid-19 chỉ trong vòng hơn 2 tháng đầu năm.

Khó khăn bủa vây

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Môi giới bất động sản Thăng Long (quận Tân Bình, TP.HCM) vừa phát đi thông báo tạm thời đóng cửa Công ty, cho nhân viên làm việc ở nhà, nhưng vẫn trả lương cơ bản cho họ.

“Công ty tôi có 4 sàn giao dịch với hơn 100 nhân viên, nhưng đầu tháng 3 thì đóng cửa 3 sàn, còn lại một sàn với hơn 50 nhân viên thì giờ cũng phải cho họ làm việc tại nhà. Đây là cách để giảm chi phí cho Công ty”, ông Dũng nói.

Còn ông Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty H&M (quận 2) cho biết, hiện công ty ông đang bán dự án tại quận 9. Thường khách hàng sẽ được nhân viên môi giới mời coi dự án vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Năm 2019, mỗi tuần có khoảng 70 khách hàng đi coi dự án, thế nhưng hiện nay mỗi tuần chỉ có một, hai khách hàng đi tham quan dự án và lượng hàng chốt bán thấp kỷ lục.

“Từ đầu tháng 3/2020, hơn 30 nhân viên môi giới chỉ bán được 3 sản phẩm căn hộ chung cư, lợi nhuận mang về chỉ vài chục triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuê văn phòng, điện, nước, chi phí khác… mỗi tháng mất 150 triệu đồng. Nếu từ nay tới cuối tháng tình hình kinh doanh vẫn ảm đạm, thì chúng tôi phải dừng hoạt động, trả mặt bằng vì không thể gồng được nữa”, ông Đức nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2020 tới nay khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình hoạt động của các sàn rất thê thảm, có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm.

Cũng theo ông Đính, với các sàn còn hoạt động có hai phương án trong mùa dịch. Phương án thứ nhất là cho nhân viên nghỉ một phần. Phương án thứ hai là chia nhân sự thành nhiều nhóm nhỏ, các nhóm sẽ làm việc và nghỉ phép luân phiên để duy trì bộ máy.

Tìm cách để tồn tại

Nhiều công ty môi giới đã tìm mọi cách để vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay. Công ty cổ phần PropertyX quyết định không tăng giá ở các sản phẩm Công ty đang bán, bên cạnh đó, đưa ra những chính sách cụ thể như chương trình ưu đãi mua nhà được tặng xe, tặng đồ gia dụng… để kích thích khách hàng “xuống tiền”.

Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land đang bán dự án Vạn Phúc City thì đưa ra chính sách thanh toán linh hoạt lần đầu tiên áp dụng cho sản phẩm nhà phố. Đó là thanh toán 25% giá trị căn hộ rồi ký hợp đồng mua bán, thay vì 30% như trước đây, sau 24 tháng nhận nhà mới thanh toán phần còn lại, thay vì thanh toán theo tiến độ xây dựng từng tháng.

Còn Công ty cổ phần Tập đoàn Trần Anh với 16 sàn môi giới bất động sản thì dùng công cụ bán hàng online bằng các clip giới thiệu sản phẩm trên Youtube, cũng như app bán hàng để không phải tổ chức các buổi bán hàng tập trung trong mùa dịch, vì nếu tổ chức bán hàng tập trung thì khách hàng sẽ e ngại không tham gia.

Đã xuất hiện tâm lý lo ngại kinh tế sụt giảm do dịch Covid-19. Nhiều người dù có nhu cầu nhưng vẫn chờ đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động kinh tế ổn định thì mới tính đến việc đặt mua nhà.

“Chúng tôi đưa ra chính sách thanh toán rất “thoáng”, thay vì 30% giá trị sản phẩm bước đầu mới làm hợp đồng, thì chỉ cần thanh toán 15% giá trị sản phẩm sẽ được làm hợp đồng mua bán. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ vay ngân hàng và khuyến mãi hoặc giảm giá nhà cho khách nhằm kích cầu giao dịch để có thể tồn tại qua thời điểm khó khăn này”, ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh cho biết.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp môi giới đều cho rằng, đó chỉ là giải pháp tức thời để tồn tại cầm chừng trong khoảng thời gian trước mắt. Nếu dịch bệnh và khó khăn kéo dài thêm vài tháng nữa thì các doanh nghiệp môi giới cũng phải đóng cửa các sàn giao dịch vì không thể cầm cự lâu, khi các chi phí điện, nước, thuê nhà không giảm.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cho rằng, đây là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong cả chục năm gần đây. Thông thường quý I hàng năm, lượng sản phẩm chào bán ra thị trường không cao bằng quý IV, song chưa bao giờ có tình trạng không có sản phẩm nào để chào bán ngay sau Tết Nguyên đán như tình cảnh hiện tại của một số sàn giao dịch.

Thị trường thiếu nguồn cung, nhiều dự án đình trệ bởi quá trình thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, nay lại thêm dịch Covid-19 khiến ngành môi giới chịu cú đánh kép. Do ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh tại các sự kiện tụ tập đông người, toàn bộ các hoạt động chào bán, mở bán hoặc các buổi giới thiệu sản phẩm ra thị trường của chủ đầu tư lẫn nhà phân phối đều không thể thực hiện.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện tâm lý lo ngại kinh tế sụt giảm do dịch bệnh nơi người mua. Nhiều người dù có nhu cầu về nhà đất, căn hộ, nhưng vẫn chờ đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động kinh tế ổn định thì mới tính đến việc đặt mua. Mối quan tâm ưu tiên của người tiêu dùng vẫn là phòng chống dịch bệnh.

“Những yếu tố trên làm thị trường lao dốc thê thảm, cách cứu thị trường hiện tại chỉ có thể là kiểm soát được dịch bệnh sớm và Chính phủ có các gói kích cầu kinh tế thì mới giúp ngành môi giới tăng trưởng trở lại”, ông Ngô Quang Phúc nói.

Theo baodautu.vn