web analytics

Môi giới bất động sản: Cuộc sàng lọc khắc nghiệt 11/04/2020

(KDTT) – “Trong điều kiện thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 vô hình chung lại giúp sàng lọc những sàn phân phối và nhân viên môi giới năng lực yếu”, ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Hải Phát Land nói.

Những “hạt sạn” môi giới

Giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ vài năm qua đã kéo theo một lượng nhân sự cực lớn tham gia vào lĩnh vực môi giới địa ốc cả chuyên và không chuyên. Nhóm doanh nghiệp bất động sản cỡ vừa và nhỏ luôn chiếm Top 3 những ngành có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất và hầu hết trong số này đều là các sàn môi giới.

Một nhà môi giới lâu năm chia sẻ với phóng viên rằng, sự sôi động của thị trường do hàng trăm ngàn môi giới tham gia kết nối cung – cầu là có, nhưng hệ lụy cũng bắt đầu xảy ra khi “vườn rau” càng ngày càng nhiều “sâu”.

Thực tế, thời gian qua, thị trường địa ốc chứng kiến không ít cảnh người mua nhà tiền mất tật mang vì bị môi giới địa ốc lừa bán dự án ma, dự án không đủ hồ sơ pháp lý theo quy định. Hàng loạt những “ông chủ” của các công ty môi giới phải hầu tòa, bỏ trốn sau khi lừa đảo người mua hàng, đơn cử như những vụ việc tại Địa ốc Alibaba, Angel Lina, Hoàng Kim Land…

Điển hình trong số đó là “vòi bạch tuộc” Alibaba với quy mô lến đến 26.000 nhân viên bị chặt đứt trong bối cảnh các dự án ma xuất hiện khắp nơi. Tính đến ngày 30/6/2019, Công ty Địa ốc Alibaba đã ký hợp đồng với hơn 6.700 người, thu được 2.500 tỷ đồng từ việc lừa bán các lô đất nông nghiệp gắn mác dự án ma.

Đã có hơn 900 người tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo, chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng bằng “mồi nhử” là “dự án ma”, huy động vốn theo phương thức đa cấp. Sở dĩ con số rất thấp so với số người bị lừa đảo, nguồn tin của phóng viên cho biết, đó là do hầu hết nhân viên của Alibaba khi tham gia vào công ty này đều trở thành khách hàng, đều mua đất, rồi từ đó mời gọi người thân, bạn bè… tham gia. Chính vì vậy, câu chuyện tại Alibaba đã và sẽ còn gây ra những hệ lụy xã hội rất phức tạp.

Hay mới đây (26/2/2020), cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi), Tổng giám đốc và Hoàng Anh Vui (26 tuổi), Giám đốc pháp lý của Công ty Bình Dương City Land (phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, Bình Dương City Land đã lập ra nhiều dự án “ma” mang tên khu dân cư Happy Home (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) và khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư Green City, khu dân cư Green City 2… (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).

Các môi giới phải chuyên nghiệp và tạo dựng uy tín mới đứng vững được trên thị trường

Theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM), nghề môi giới bất động sản đã tồn tại từ lâu, hiện được pháp luật quy định cụ thể về điều kiện hành nghề và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của mình.

Tuy nhiên, có một số người thành lập ra công ty môi giới bất động sản, sau đó hợp tác với một vài chủ đầu tư hoặc người có đất bằng nhiều hình thức khác nhau (mua đất nông nghiệp, ký giấy đặt cọc mua đất, hợp đồng hợp tác…) rồi vẽ ra các dự án ma (chưa được cơ quan nhà nước cho phép) nhằm chiêu dụ khách hàng giao dịch trên giấy và thu tiền.

Thậm chí, để thu hút người mua, họ xin làm nhà phân phối một số dự án thật, khi tiếp xúc được khách hàng thì lại dẫn dụ giao dịch sang dự án ma với những lý do phổ biến như dự án kia đợt này hết hàng, dự án này hấp dẫn hơn, cứ mua rồi ký gửi cho chính nhân viên môi giới để bán hàng…

Và sự chọn lọc tự nhiên

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tình hình thị trường đang rất ảm đạm do không có nhiều nguồn cung mới, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động một phần. Tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng 1.000 sàn bất động sản hoạt động trên thị trường, hiện đã có khoảng 300 trong số này phải đóng cửa vì khó khăn chồng chất, trên 500 sàn cũng hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một sàn môi giới địa ốc có tiếng ở Hà Nội cho biết: “Thời gian vừa qua, những sàn môi giới được đầu tư bài bản thường phải chịu liên lụy xấu từ nhân viên của các công ty môi giới quy mô nhỏ, thiếu bài bản, chộp giật. Thế nhưng, “trong nguy có cơ” khi đại dịch Covid-19 hoành hành thì rất nhiều sàn nhỏ lẻ đóng cửa, tự giải tán. Còn những sàn có thương hiệu, làm ăn uy tín vẫn tìm được cửa sống, chẳng hạn như hướng đến phân khúc đất nền ở các vùng ven Hà Nội như: Thái Nguyên, Vĩnh phúc, Bắc Giang…

Đây có thể một cơ hội, một sự chọn lọc tự nhiên với nghề môi giới địa ốc để nghề này phát triển chuyên nghiệp hơn. Bởi những môi giới không chuyên, sàn giao dịch kém về tầm nhìn, năng lực sẽ bị văng ra khỏi vòng quay của thị trường”.

Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Ngọc Quyền, (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 cũng giúp thị trường bất động sản tự sàng lọc để thị trường phát triển ổn định và lành mạnh hơn.

Nói về hướng đi mới trong giai đoạn khó khăn, ông Đoàn Văn Hoạt Giám đốc Công ty Cổ phần Broker Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nguồn cung bị siết chặt thì đối với doanh nghiệp môi giới, việc tìm ra nguồn cung thay thế là vô cùng quan trọng. Đây chính là giai đoạn mà trị trường sẽ thanh lọc và lựa chọn ra những sàn địa ốc có mô hình và sản phẩm có tính thực dụng, khả năng thích ứng cao. Những doanh nghiệp được quản lý chặt chẽ, chuyên nghiệp, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chất lượng và đặc biệt là phải có tâm với nghề sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ khi thị trường ổn định trở lại.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, với những diễn biến hiện nay, hoạt động môi giới bất động sản nhìn chung chịu nhiều ảnh hưởng do tâm lý khách hàng đang rất phòng thủ, vừa ngại tiếp xúc nơi đông người, vừa do những ảnh hưởng về kinh tế dẫn đến khách hàng cân nhắc hơn bài toán tài chính khi xuống tiền, đặc biệt là đầu tư. Vì vậy, hoạt động bán hàng của các nhân viên môi giới nói riêng và rất nhiều sàn môi giới hiện nay bị ảnh hưởng.

“Điều này cũng vô hình chung giúp sàng lọc những sàn phân phối và nhân viên môi giới năng lực yếu, duy trì đội ngũ môi giới chất lượng hơn, có lợi hơn cho các khách hàng”, ông Giang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Giang, hiện tại, để duy trì hoạt động ổn định, các sàn phân phối có thương hiệu đều có những chiến lược khá rõ ràng cùng nguồn tài chính khá ổn, nhờ đó các biện pháp bán hàng vẫn duy trì, dù có sụt giảm so với trước nhưng vẫn đảm bảo cân đối nguồn thu và nguồn chi, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện tại. Trong đó, áp dụng các giải pháp công nghệ được ưu tiên hàng đầu nhờ vào việc phổ cập smartphone cùng mạng xã hội hiện nay.

Các diễn đàn trao đổi cũng như kết nối khách hàng từ xa được áp dụng vẫn đảm bảo khách hàng nắm bắt thông tin về các dự án, đồng thời cũng giúp các sàn môi giới tiết kiệm chi phí hoạt động.

“Bản thân Hải Phát Land chúng tôi cũng đã xác định rõ từ trước việc chuyển đổi số với hoạt động môi giới là cần thiết và đã ứng dụng từ khá lâu, nhờ đó cũng góp phần không nhỏ giúp Công ty duy trì ổn định hoạt động trong giai đoạn này. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tính tới việc mở rộng hơn các giải pháp số hóa nhằm hỗ trợ khách hàng, chẳng hạn như việc xây dựng các hợp đồng đặt cọc điện tử với mô hình chữ ký số điện tử. Từ đó, giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc giao dịch nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật cho các hoạt động giao dịch của mình”, ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, khách hàng sau khi lựa chọn các sản phẩm sẽ thông qua App của Hải Phát Land thực hiện ký kết hợp đồng điện tử với chữ ký số đã được cơ quan quản lý cấp phép thực hiện. Sau đó, các thủ tục còn lại như ký kết hợp đồng chính thức sẽ được nhân viên đến tận nơi thực hiện, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí di chuyển.

Theo reatimes.vn