web analytics

Mở M&A để hồi sinh dự án ‘trùm mền’ 31/07/2019

(KDTT)- Cần tạo sự thông thoáng cho các nhà đầu tư trong hoạt động M&A để hồi sinh nhiều dự án bị “trùm mền” quá lâu.

Nửa đầu năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) bất chấp thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại.

Trong sáu tháng qua, thị trường M&A được các chuyên gia đánh giá không mấy sôi động như cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra kỳ vọng vào thị trường trong thời gian tới.

Gia tăng nguồn vốn

Đầu tháng 7, CapitaLand phát đi thông báo đã hoàn tất thương lượng với Temasek và mua lại toàn bộ cổ phiếu hiện hành của Công ty Ascendas and Singbridge Pte. Ltd. Việc sáp nhập Ascendas-Singbridge giúp CapitaLand trở thành một trong những tập đoàn BĐS đa ngành lớn nhất châu Á. Sau khi thâu tóm Ascendas-Singbridge, CapitaLand tiếp tục đầu tư dự án khu phức hợp văn phòng thương mại, công nghiệp và vận tải tại TP.HCM.

VinaCapital Ventures, thành viên của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, công bố đầu tư 4 triệu USD vào Rever, một công ty công nghệ môi giới BĐS.

Nhiều DN BĐS Việt Nam cũng nhanh chóng bắt tay với các nhà đầu tư ngoại để tăng nguồn vốn cho mình. Như Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments Pte. Ltd (công ty con trực thuộc Samty Corporation) và một công ty phát triển BĐS của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP.

Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Tập đoàn SK sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD để mua cổ phiếu của Vingroup và trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn.

Với kinh nghiệm nhiều năm bắt tay hợp tác với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long Group, cho biết hoạt động M&A không đơn thuần dừng lại ở việc góp vốn. Dòng vốn đầu tư từ đối tác Nhật Bản rất dồi dào mà họ còn chuyển giao công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng, các quy trình để quản lý dự án.

Việc sang nhượng, sáp nhập của DN ngoại sẽ giúp một số dự án thoát cảnh “đứng hình”.

Theo ông Quang, các đối tác chiến lược Nhật Bản cũng tích cực giới thiệu, đưa đối tác kinh nghiệm khác của họ trực tiếp đồng hành với DN, củng cố chuỗi giá trị trong quá trình phát triển BĐS từ sơ khai đến hoàn chỉnh, từ phát triển quỹ đất, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý dự án đến bán hàng và dịch vụ hậu mãi. Dòng vốn ngoại giúp quản lý DN, quản lý dự án theo chuẩn mực quốc tế, đòi hỏi công khai, minh bạch.

“Ngoài ra, để bắt tay được với nhau, hai bên cần có điểm chung trong chiến lược đầu tư. Cụ thể, đối tác Nhật Bản hướng tới thị trường nhà ở vừa túi tiền tại Việt Nam, chiến lược đầu tư của họ phù hợp với dòng sản phẩm mà Nam Long chủ trương đầu tư” – ông Quang chia sẻ.

Hợp tác để xóa dự án “trùm mền”

Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, thị trường BĐS từ giữa năm 2018 đã phát triển chậm lại, do đó hoạt động M&A cũng trầm lắng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoại có cái nhìn dài hạn, họ sẽ tính toán tốc độ tăng trưởng của thị trường trong vòng 3-5 năm tới. Các DN BĐS cần có chiến lược thu hút, bắt tay các nhà đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn vốn, tăng khả năng quản trị, khai thác thị trường.

“Hiện các DN trong nước nhiều nhưng DN mạnh lại ít. Vì vậy, dòng vốn ngoại trong thời gian tới sẽ tiếp tục đổ vào các DN lớn, làm ăn chuyên nghiệp, minh bạch. Ngược lại, DN yếu kém có thể sẽ bị thâu tóm” – ông Tín nhận định.

Đánh giá về lợi ích của M&A, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng cần có những giải pháp về thủ tục pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động này diễn ra thuận lợi hơn. Hoạt động M&A giúp hàng trăm dự án BĐS đang “trùm mền” không bị ứ đọng vốn, giúp dự án tái khởi động. Từ đó không chỉ mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, cổ đông mà nhất là khách hàng, người mua nhà. Ngoài ra, dự án tái khởi động sẽ lan tỏa giúp các ngành nghề khác cũng hoạt động tốt trở lại như xây dựng, vật liệu, sản xuất…

Tuy nhiên, ông Châu cũng chỉ ra nhu cầu chuyển nhượng dự án rất lớn, trong đó nhiều dự án đã được thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tín dụng, kể cả các khoản nợ xấu ngân hàng.

Chuyển nhượng dự án là hoạt động kinh doanh bình thường theo nhu cầu của các DN nhưng theo quy định pháp luật, chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được chuyển nhượng. Quy định này khiến việc chuyển nhượng trên thực tế rất khó khăn. Đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng trăm dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, “đắp chiếu, trùm mền”, là hàng dự án tồn kho nhưng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.

“Cần bổ sung Điều 10 Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, quy định các điều kiện xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS vào Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS để tạo sự thông thoáng trong hoạt động chuyển nhượng toàn bộ dự án hoặc một phần dự án có sử dụng đất” – ông Châu góp ý.

Theo: plo.vn