web analytics

Microsoft ra mắt công nghệ chống tham nhũng bằng AI 14/12/2020

(KDTT) – Vừa qua, Microsoft đã ra mắt Công nghệ và Giải pháp Chống Tham nhũng (ACTS). Microsoft cho biết họ hy vọng có thể phần nào giúp chính phủ “bẻ cong” tham nhũng bằng ACTS.

Theo tờ Venturebeat, ACTS là một sáng kiến ​​được “ông lớn” Microsoft tận dụng điện toán đám mây, trực quan hóa dữ liệu, AI, học máy và các công nghệ tân tiến khác để “tăng cường tính minh bạch” và “phát hiện, ngăn chặn tham nhũng”.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), số tiền tham nhũng mỗi năm là hơn 3,6 nghìn tỷ USD. Đặc biệt các sự kiện xảy ra trên toàn thế giới trong năm nay đã tạo ra một thế giới dễ dàng bị tham nhũng hơn.

Microsoft đã tận dụng điện toán đám mây, trực quan hóa dữ liệu, AI, học máy và các công nghệ tân tiến khác để “tăng cường tính minh bạch” và “phát hiện, ngăn chặn tham nhũng” trong công nghệ ACTS. (Ảnh: Internet).

Theo lưu ý của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres: “Tham nhũng thậm chí còn gây tổn hại nhiều hơn trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay khi mà thế giới đang trải qua đại dịch Covid-19. Việc phải xứ lý quá nhiều vấn đề liên quan đến Covid-19 đang tạo cơ hội làm rõ những yếu kém và không minh bạch”.

Microsoft cho biết trong sáu tháng qua, họ đã bắt đầu đầu tư để hỗ trợ ACTS, bao gồm hợp tác với Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) để thúc đẩy các mục tiêu như chống tham nhũng, hướng đến tính minh bạch và liêm chính ở Mỹ Latinh cũng như Caribe.

Công ty cũng đã hợp tác với Quỹ Minh bạch IDB để làm rõ hơn quy trình sử dụng các quỹ nhằm kích thích kinh tế trong và sau Covid-19.

Một điều nữa, các nhà nghiên cứu của Microsoft đã làm việc với Ngân hàng Thế giới để điều tra việc sử dụng AI trong các nỗ lực chống tham nhũng.

Hai bên đã tiến hành thử nghiệm với bộ dữ liệu từ các tổ chức quốc tế, dữ liệu mua sắm quốc gia, quyền sở hữu có lợi và các cơ sở dữ liệu khác của công ty, nhằm phát hiện ra các mẫu có khả năng có hành vi tham nhũng, sẽ làm lộ những thứ như nội dung trong quá trình đàm phán hợp đồng, hay thông tin về quyền sở hữu từ khắp nơi trên thế giới.

Phó chủ tịch Microsoft kiêm cố vấn chung, Dev Stahlkopf, khẳng định rằng AI có thể cho phép các bên liên quan lập bản đồ tốt hơn những mạng lưới quan hệ, địa điểm, hay việc sử dụng các “công ty ma”, khu vực pháp lý nước ngoài và thông tin ngân hàng để giải quyết các rủi ro tiềm ẩn trước khi hợp đồng được ký kết.

“Tại Microsoft, chúng tôi tin rằng tham nhũng – một vấn đề toàn cầu khẩn cấp, có thể và phải được giải quyết,” Stahlkopf viết trong một bài đăng trên blog. “Ví dụ, chúng tôi biết rằng dữ liệu có thể làm sáng tỏ các mô hình và mối quan hệ phía sau, nhằm cung cấp cho các chính phủ những công cụ tốt hơn để đảm bảo tiền công đi đúng mục đích của họ. Các tài nguyên công nghệ như điện toán đám mây, trực quan hóa dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và học máy sẽ là các công cụ cho chính phủ và tập đoàn để tổng hợp và phân tích các bộ dữ liệu khổng lồ và phức tạp của họ trên đám mây, ngăn chặn tham nhũng từ gốc rễ và thậm chí trước khi nó xảy ra”.

Chưa rõ những giải pháp cụ thể nào có thể xuất hiện trong công nghệ ACTS của Microsoft. Nhưng đáng chú ý là chính Microsoft đã từng bị cáo buộc góp phần vào việc tham nhũng. Vào tháng 8/2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đã điều tra công ty này về hành vi hối lộ khi theo đuổi việc bán phần mềm ở Hungary. Microsoft đã trả cho các cơ quan 25 triệu đô la để giải quyết cuộc điều tra ngoài tòa án.

Điều đó nói lên rằng, Microsoft không phải là hãng đầu tiên đề xuất sử dụng các công nghệ như AI trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính phủ. Tại Vương quốc Anh, Exiger và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đang nỗ lực cải thiện năng lực phân tích hồ sơ công khai của cơ quan này nhằm xác định rủi ro tham nhũng.

Tại Ukraine, chính quyền địa phương và TI đã phát triển công cụ AI của riêng mình để tiết lộ các hồ sơ dự thầu gian lận trong mua sắm công.

Văn phòng Tổng cục Kiểm soát Brazil đã triển khai một mô hình học máy để ước tính nguy cơ có hành vi tham nhũng trong các công chức của mình. Và IBM đã làm việc với chính phủ Kenya để xác định theo thuật toán các động cơ chính dẫn đến hối lộ.

Trước sự ra mắt của ACTS, Microsoft đã cho ra đời công cụ xác minh bầu cử là ‘ElectionGuard’ và ‘M365 for Campaigns’, cả hai đều là một phần của Chương trình Bảo vệ Dân chủ của công ty.

ElectionGuard cho phép cử tri lựa chọn bằng màn hình cảm ứng trước khi in ra các bản sao của một lá phiếu. Nếu một hacker cố tình thay đổi một phiếu bầu, điều đó sẽ hiển thị ngay lập tức bởi vì mã hóa gắn với phiếu bầu không thể thay đổi.

Đối với ‘M365 for Campaigns’, sẽ bao gồm việc đăng ký dịch vụ AccountGuard của Microsoft, sau đó hệ thống sẽ cung cấp thông tin về các mối đe dọa mạng trên hệ thống email do các tổ chức điều hành, tài khoản cá nhân của các nhà lãnh đạo và nhân viên của tổ chức đó đã chọn tham gia.

Những năm gần đây, Microsoft đã đầu tư vào các hệ thống nhằm chống lại các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng bầu cử. Trong một động thái khá quyết liệt khác, công ty đã vô hiệu hóa phần lớn máy móc được sử dụng bởi Trickbot, một băng nhóm tội phạm mạng có trụ sở tại Nga, để kiểm soát một mạng máy tính có khả năng làm gián đoạn cuộc tổng tuyển cử năm 2020 của Mỹ.

THÚY HIỀN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT